Lào Cai: Nâng tầm giá trị mận Bắc Hà

04/10/2021
Là người dân tộc Phù Lá, chị Sải Thị Bích Huế, sinh năm 1989, trú tại thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đã khởi nghiệp từ quả mận, một loại nông sản thế mạnh của địa phương.
Chị Sải Thị Bích Huế, Giám đốc Hợp tác xã Quang Tom

Khởi nghiệp từ quả mận vùng cao

Huyện Bắc Hà có diện tích chuyên canh trồng mận tam hoa khoảng 308 ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 3.000 tấn. Mận tam hoa Bắc Hà có mẫu mã đẹp, giòn, ngon, ngọt, giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên việc bảo quản, đóng gói để trở thành sản phẩm hữu cơ mang tính thương hiệu chưa được đề cao.

Sải Thị Bích Huế nhận thấy từ trước đến nay, mận tam hoa Bắc Hà chỉ được dùng dạng quả tươi. Thời điểm thu hoạch chỉ diễn ra trong hơn 1 tháng. Quả mận rất khó bảo quản do vỏ mỏng, dễ dập vỡ và hỏng, giá bán không ổn định. Từ thực tế đó, năm 2020, chị Sải Thị Bích Huế đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Quang Tom để kinh doanh mận tam hoa. Chị đã nghiên cứu và thử nghiệm chế biến sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo, với mục đích bảo quản được lâu hơn và trở thành hàng thương phẩm, nâng tầm giá trị của quả mận.

Là người dân tộc Phù Lá, chị Sải Thị Bích Huế đã khởi nghiệp từ quả mận, một loại nông sản thế mạnh của địa phương.

Bước đầu thử nghiệm, HTX gặp không ít khó khăn do quả mận tam hoa tương đối nhiều nước, kích thước và lượng đường trong quả mận cũng không đều. Vì vậy, để ra được sản phẩm, quá trình làm phải rất tỉ mỉ, nghiên cứu kỹ về quy trình và hàm lượng đường, quá trình sên và sấy cho từng mẻ sản phẩm. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm hữu cơ có giá trị cao, chất lượng tốt, Bích Huế đã quyết tâm chế biến thành công sản phẩm. "Qua bước đầu thử nghiệm, sản lượng thành phẩm tuy chưa cao do quy mô và nhà xưởng còn hạn chế nhưng trong tương lai gần, HTX chúng tôi kỳ vọng sẽ tiêu thụ lượng lớn mận tam hoa tươi để sấy. Kế hoạch năm 2022 sẽ tiêu thụ trên 20 tấn mận tươi, dần dần nhân rộng và nâng cao công suất", chị Huế cho biết.

Sản phẩm "gây nghiện" với du khách

Đến nay, các sản phẩm mận tam hoa của HTX Quang Tom được chế biến từ những quả mận tươi ngon, không sử dụng chất bảo quản, quy trình sản xuất khép kín đảm bảo an toàn thực phẩm. HTX đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm đã được kiểm nghiệm và công bố chất lượng sản phẩm. "Hiện tại HTX đang tiến hành đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP đối với sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo. Khi đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm sẽ được nâng cao giá trị, tạo được niềm tin cho khách hàng và tạo cơ hội hướng đến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước", chị Bích Huế vui mừng cho biết.

Sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo của Hợp tác xã Quang Tom

HTX Quang Tom cũng là đơn vị đi đầu tại huyện Bắc Hà trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ mận tam hoa sấy dẻo. Với định hướng rõ ràng và xuyên suốt quá trình hoạt động là đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình với bao bì, nhãn mác rõ ràng, được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc tới từng lô sản phẩm. Hiện nay, HTX đang bán hàng dưới hình thức tại chỗ, thông qua các đại lý tạp hóa, cửa hàng đặc sản nông sản địa phương, homestay trên địa bàn huyện, khu trưng bày đặc sản tại chân cáp treo Fansipan và tại siêu thị Pmart. Trong thời gian tới, HTX sẽ thực hiện bán trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,...

Theo tính toán của HTX, trung bình 100 kg thành phẩm cần 12-15 công lao động. Theo kế hoạch năm 2022, HTX sẽ cho ra 5 tấn sản phẩm, như vậy sẽ tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương.

bve

Video