Niềm vui sống từ những… khoản vay
“Đã từng sợ vay, nhưng giờ tôi lại muốn vay nhiều hơn nữa”
Nếu chỉ nhìn vào nụ cười tươi rói của người phụ nữ áo đỏ đang ngồi trên chiếc ghế có bánh xe lăn ra đón khách, thì ít ai biết rằng chị đã có một thời gian rất dài tưởng như không thoát khỏi sự bế tắc của cuộc sống, trầm cảm của tinh thần.
Chị Nguyễn Thị Đức Hạnh ở khu 1, phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bản thân chị lớn lên nhờ sự hỗ trợ chăm sóc của người thân trong họ, hàng xóm láng giềng. Năm 20 tuổi chị không may mắc bệnh viêm đa khớp dẫn tới liệt cả hai chân. Người thân trong gia đình ai cũng có cuộc sống riêng, sự giúp đỡ dù nhiều mấy cũng không thể thường xuyên được. Thế nên, cuộc sống của chị Hạnh chỉ gói gọn trong căn nhà cấp 4, tự bán hàng tạp hóa nhờ số vốn ít ỏi được người thân hỗ trợ, nhì nhằng mấy gói mỳ tôm, chai nước ngọt, lần hồi nuôi sống bản thân. “Đã có lúc tôi rơi vào bế tắc, không biết cuộc sống của mình sẽ đi đâu, về đâu với thân thể thế này, tôi nằm ì trên giường vài ngày không còn thiết làm gì” – chị kể.
Thông tin về hoàn cảnh của chị Hạnh đã đến với cán bộ Hội Phụ nữ địa phương, rồi từ đó đến với TYM (là Tổ chức tài chính vi mô tình thương trực thuộc sự quản lý của Hội Liên hiệp Phụ nữ – LHPN Việt Nam). Năm 2014, TYM đến với chị Hạnh bằng khoản vay đầu tiên trị giá 10 triệu đồng để bổ sung thêm tiền vốn nhập hàng, nhằm mở rộng quy mô cho cửa hàng tạp hóa sẵn có của chị.
“Cầm món tiền vay tôi lo lắm, lo mình làm không thành công thì lấy đâu mà trả nợ, không những thế lại phụ lòng tốt của mọi người ưu ái dành cho” – chị Hạnh nhớ lại những ngày tháng đó. Về phần mình, bà Nguyễn Thị Kim Uyên – Giám đốc Chi nhánh TYM TP Bắc Ninh cũng cho biết khi đi thẩm định để cho vay, cũng rất băn khoăn về sức khỏe của người vay vốn, nhưng rồi vẫn quyết định cho vay và kêu gọi các cán bộ chi nhánh cũng như chị em phụ nữ dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho chị Hạnh.
Thấm thoắt, chị Nguyễn Thị Đức Hạnh đã là thành viên của TYM được gần chục năm và trong quãng thời gian đó, số tiền vay vốn của chị tăng dần lên 10 rồi 15, 30 triệu đồng. Chị Hạnh vừa vay vốn, vừa tiết kiệm hàng tuần, số tiền qua các vòng vốn đã giúp chị dần dần mở rộng quy mô, cửa hàng có thêm nhiều mặt hàng mới, được sửa chữa khang trang, gọn gàng, sạch sẽ.
Đặc biệt, thu nhập được cải thiện, chị có điều kiện sắm sửa thêm nhiều vật dụng trong gia đình để phục vụ cho cá nhân chị, giúp chị vừa di chuyển vừa bán được hàng thuận tiện hơn. Hiện nay, với thu nhập và điều kiện hoàn trả của mình, cùng với vốn chính sách của TYM, chị Hạnh đã có thể vay gói vốn đa mục đích với số tiền nhiều hơn để phục vụ cho việc kinh doanh và cuộc sống của chị.
“Cửa hàng phát triển, cuộc sống có thu nhập ổn định, tôi vui và khỏe hơn rất nhiều. Giờ đây tôi có rất nhiều bạn hàng quen cung cấp cũng như mua hàng. Mọi người ai cũng sẵn lòng giúp tôi từ việc xếp hàng lên kệ cho tới tự lấy hàng, trả tiền. Đã từng sợ vay, nhưng giờ tôi lại muốn vay nhiều hơn nữa để phát triển. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của TYM và tấm lòng của cộng đồng đã giúp tôi có niềm vui sống” – chị Hạnh vui vẻ cho biết.
“Sự tự tin, bản lĩnh vượt qua nghịch cảnh của chị Hạnh đã cho chúng tôi thêm nhiều động lực để TYM tiếp tục hỗ trợ các đối tượng yếu thế”, chứng kiến nụ cười và ước mơ của chị Hạnh, bà Nguyễn Thị Kim Uyên – Giám đốc Chi nhánh TYM TP Bắc Ninh cho biết.
Chuyện trồng hoa đổi đời của bà cụm trưởng
Dưới tiết trời tháng 6 nắng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Hòa sinh năm 1958 ở thôn Vĩnh Thế, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, Bắc Ninh vẫn thoăn thoắt giữa ruộng hoa láng (hay còn gọi là hoa đại tướng quân, hoa khá thơm ngoài việc để làm cảnh thì có thể sử dụng làm thuốc chữa bong gân trật khớp cổ tay chân) để cắt hoa kịp cho đợt giao hàng. Vừa làm, bà Hòa vừa kể: “Trước năm 2007 là thời điểm tôi bắt đầu trồng hoa láng, trong một lần đi chợ bán rau, đi qua hàng hoa tôi thấy người ta bán một bông hoa láng những hai mươi nghìn đồng, số tiền lớn hơn bán mớ rau nhiều, mà công sức đổ ra chắc ít hơn. Tại sao mình không thử trồng nhỉ, nghĩ vậy tôi bắt đầu để ý kiếm giống và trồng hoa. Trong thời gian đầu cũng gặp nhiều thất bại và tôi đã từng có ý nghĩa chuyển đổi cây trồng, nhưng rồi được sự động viên của chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tôi lại quyết tâm theo đuổi”.
Bà Hòa là một trong những thành viên đầu tiên tham gia khi TYM triển khai hoạt động tại xã Đại Xuân từ năm 2010. Thời điểm đó bà Hòa vay món vốn đầu tiên với mức 7 triệu để có tiền chăn nuôi thêm và mở rộng trồng hoa láng. Từ đó cho tới nay, bà đều đặn vay vốn của TYM với mức vốn tăng dần theo thời gian và cho đến nay đã có thể vay mức tối đa vốn vi mô là 50 triệu đồng. Mỗi một lần vay vốn, vườn hoa láng của lại được mở rộng thêm, từ trồng trong vườn nhà đến nay bà đã có hơn 5 sào trồng hoa láng ngoài ruộng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ngày càng ổn định, có tiền để nuôi hai con đi học đại học và đến nay đã trưởng thành, ngôi nhà đang ở cũng được xây sửa khang trang, đẹp đẽ hơn, có bể cá cảnh ngoài sân, cây ăn quả mùa nào thức ấy…
Niềm vui thu hoạch hoa được bà Hòa chia sẻ với đội ngũ cán bộ của TYM Bắc Ninh.
“Nghề trồng hoa cũng có lúc nọ, lúc kia, nhưng tôi may mắn được TYM và chị em phụ nữ trong xã, huyện ủng hộ, có lúc đã tiêu thụ giúp cả nghìn bông. Sự giúp đỡ này tôi không bao giờ quên và cố gắng sẻ chia tới nhiều người khác nữa” – bà Hoa cho biết. Ở thôn Vĩnh Thế, xã Đại Xuân, bà Hòa không chỉ là một thành viên TYM tiêu biểu mà trong nhiều năm qua bà còn là người cụm trưởng hỗ trợ cán bộ TYM trong các công việc, là cầu nối giúp TYM đến với chị em trong thôn và cũng là người đã chứng kiến sự đổi thay của các chị em kể từ khi TYM về với quê hương của bà.
Bước lên “bục” thuyết trình từ thân phận làm thuê
Năm 2021, chị Hoàng Thị Tân là một trong 34 thành viên TYM được lựa chọn vào vòng trong của cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp
Tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021, ít ai biết người phụ nữ bé nhỏ sinh năm 1972 đang đứng thuyết trình trên bục sân khấu kia đã từng có thời gian vục mặt đi làm thuê kiếm sống dù có tay nghề chăn nuôi.
“Hiện giờ gia đình tôi đã có gần 500 con lợn nái và chừng đó lợn thịt, 200 cây bưởi diễn, ao thả cá… Gần 10 năm trước đây, gia đình tôi đã làm chăn nuôi, tuy nhiên với mô hình nhỏ lẻ, thu nhập chính vẫn là trông đợi tiền đi làm thuê bên ngoài của hai vợ chồng. Mình có nghề mà đi làm thuê mãi sao được, bàn đi tính lại, năm 2015 vợ chồng tôi quyết định vay vốn ở TYM để phục vụ cho hoạt động chăn nuôi gà, lợn và trồng thêm các loại cây ăn quả. Gói vốn vay đầu tiên là 20 triệu đồng tôi mua liền 3 con lợn nái, nuôi gây đẻ. Chịu khó làm dần, sau đó vốn vay tăng lên dần 30 rồi 50 triệu đồng. Trang trại mở rộng, đến nay, khi TYM triển khai sản phẩm vốn vay tạo việc làm, vợ chồng tôi đã có cơ hội vay tín chấp tới 100 triệu đồng để phát triển mô hình VAC của mình và tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em khác tại địa phương” – chị Hoàng Thị Tân ở cụm 37, Việt Vân, xã Việt Thống, huyện Quế Võ cho biết.
Không chỉ chăn nuôi, chị Tân còn biết ứng dụng phương pháp IMO (hay còn gọi là chế phẩm vi sinh được điều chế bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên của địa phương rồi lên men tạo ra nhiều loại vi sinh vật khác nhau tồn tại trong môi trường tự nhiên tại địa phương có hoạt tính sinh học cao) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đàn lợn nhà chị không tốn một đồng thuốc thú y hay thuốc bổ nào mà vẫn béo khỏe, xuất chuồng đều đặn, tất cả dược liệu thiên nhiên được chị Tân “điều chế” từ vườn nhà như nước bưởi ép, hoa, rau, gừng, tỏi… để sử dụng cho chăn nuôi. Không chỉ thế, chị Tân còn mày mò phương pháp IMO để chế ra nước khử mùi, vệ sinh chuồng trại, ao cá. Đến với mô hình VAC nhà chị trong một ngày nóng nực, nhưng tuyệt nhiên trong không khí không có một chút mùi xú uế nào từ dãy chuồng nuôi lợn và ao cá.
Năm 2021, chị Hoàng Thị Tân là một trong 34 thành viên TYM được lựa chọn vào vòng trong của cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức với mô hình VAC và ứng dụng phương pháp IMO trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Sứ mệnh nâng cao vị thế cho phụ nữ TYM là đơn vị trực thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam, với tiền thân là Quỹ tình thương được thành lập năm 1992. Tại Việt Nam, TYM là tổ chức tài chính vi mô đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập vào năm 2010. Trong gần 30 năm qua, hoạt động của TYM đã đóng góp vào việc thực hiện sứ mệnh của Hội LHPN Việt Nam về xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Hiện nay, TYM đang cung cấp dịch vụ cho trên 180.000 thành viên, khách hàng tại 13 tỉnh, thành/phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong năm 2021, TYM đã giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng cho phụ nữ nhằm giúp họ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ và gia đình chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Những cán bộ kỹ thuật của TYM tuy cùng là hoạt động tín dụng như mô hình ngân hàng nhưng lại rất khác cán bộ tính dụng ở chỗ phần lớn thời gian của họ là trên thực địa, lặn lội đến từng nhà thành viên vay vốn (mỗi cán bộ kỹ thuật trung bình chịu trách nhiệm từ 500-700 thành viên vay vốn) để tư vấn vay, hỗ trợ sử dụng vốn vay, đào tạo nghề, xin việc làm thêm và thậm chí là… nghe tâm sự. Đã từng có câu chuyện cán bộ kỹ thuật, khi thành viên vay vốn đến hạn trả lãi vốn vay mà chưa bán được hàng lại lăn xả đi kêu gọi, vận dụng các mối quan hệ cá nhân để tiêu thụ hộ, thậm chí là xắn tay vác tre lồ ô đi bán giúp… |