Sơn La: Phụ nữ dân tộc Thái “dệt hạnh phúc” từ cây gai xanh

22/06/2022
"Từ khi trồng gai xanh, tôi thấy rất vui. Cả nhà cùng nhau làm, mỗi người một việc. Quan trọng hơn là thu nhập từ cây gai xanh cao hơn rất nhiều so với thu nhập từ trồng lúa, trồng ngô", chị Quách Thị Tằng, xã Liên Hòa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, chia sẻ.
Đến tháng 12/2021, diện tích cây gai trên địa bàn tỉnh Sơn La là hơn 1.000 hecta

Sáng nào cũng vậy, chị Quách Thị Tằng (sinh năm 1991) và mọi người trong gia đình ra làm cỏ trên cánh đồng gai xanh. Hè này, mưa nhiều hơn nên cây gai xanh mướt. Những cuống gai đã to bằng ngón tay cái và có thể cho thu hoạch. Chị Tằng nói: “Từ khi trồng gai xanh, tôi thấy rất vui. Cả nhà cùng nhau làm, mỗi người một việc. Quan trọng hơn là thu nhập từ cây gai xanh cao hơn rất nhiều so với thu nhập từ trồng lúa, trồng ngô.”

Cơ hội đổi đời

Trước đây, phụ nữ dân tộc Thái ở xã Liên Hòa, cách trung tâm huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La 50km, chỉ biết dùng lá cây gai xanh để làm bánh gai. Nhưng gần đây, họ đã học cách dùng cây gai lấy sợi bán với giá cao cho doanh nghiệp dệt may.

Lúc đó, cũng như các gia đình khác, nhà chị Tằng trồng lúa và ngô quanh năm, thu nhập từ mỗi hecta chưa đến 20 triệu một năm (khoảng 871 đô la Mỹ). Khoản thu nhập này không đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình chị.

Chị Quách Thị Tằng (trái) tích cực vận động bà con chuyển sang trồng cây gai xanh.

Năm 2017, chị Tằng được phổ biến về dự án “Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch” (GREAT) do chính phủ Australia tài trợ. Dự án này chọn Công ty Vinafi và Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật Sơn La làm đối tác để phát triển vùng nguyên liệu gai xanh và truyền đạt cho bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây gai. Các đơn vị đối tác cũng tập trung khuyến khích phụ nữ tham gia vào dự án.

Chị Tằng được tập huấn gieo hạt, trồng và xử lý sợi gai. Công ty Vinafi cung cấp máy móc ban đầu và tư vấn cho bà con về quy trình sản xuất. Công ty cũng cam kết thu mua nguyên liệu gai với giá đã thỏa thuận trước.

Cây gai dễ bảo quản, gai khô có thể được cất trong túi ni lông được một năm mà không hỏng.

Chị Tằng là một trong những người tham gia đầu tiên và trở thành nhóm trưởng nhóm trồng gai xanh của bản Nôn. Chị thuyết phục bà con chuyển sang trồng gai xanh thay vì trồng ngô. Tuy nhiên, gai xanh là cây trồng mới, hiểu biết kỹ thuật của bà con còn hạn chế nên năng suất chưa cao. Cuối năm 2018. Xã Liên Hòa có 6 hộ gia đình trồng gai xanh trên tổng diện tích 4 hecta.

Thu nhập từ cây gai cao hơn mà công sức bỏ ra lại ít hơn trồng ngô. Cây gai xanh chỉ cần trồng một lần và cho thu nhập trong 10 năm. Cây gai lại ít bị sâu bệnh.

Chị Tằng khuyên chị gái mình là Quách Thị Tuyến (sinh năm 1989) chuyển sang trồng cây gai xanh. Chị Tuyến và chồng trước đây phải gửi con ở nhà cho ông bà trông để đi Đồng Nai làm thuê.

Sau khi biết về dự án, chị Tuyến đã quyết định trồng gai trên thửa ruộng 2.000 mét vuông. Sau một năm, gia đình chị đã thu lợi. Họ thu được 180-200kg gai khô, bán với giá 40.000 đồng/kg. Thu nhập cả vụ được khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 4 lần thu nhập từ ngô và sắn.

Vì sự nghiệp bình đẳng giới

Chị Tằng tham gia vào Chi hội phụ nữ địa phương nên khá năng động và có kinh nghiệm thuyết phục những phụ nữ khác tham gia trồng gai.

Chị nói: “Tôi nhận ra rằng cây gai không những giúp phụ nữ cải thiện thu nhập mà còn giúp họ thêm tự tin trong vai trò định hướng cũng như quản lý ngân sách gia đình. Trước đây, người chồng quyết định mọi việc. Nhưng giờ vợ chồng cùng lao động, kiếm tiền cùng nhau và cùng có ý kiến về mọi việc trong gia đình.”

Cuộc sống của vợ chồng chị Tuyến thay đổi từ khi trồng cây gai xanh

Gia đình chị Tuyến cũng vậy. Trước đây chồng chị, anh Ngân Văn Định, luôn là người quyết định mọi việc. Giờ chị Tuyến tham gia vào dự án, góp phần tăng thu nhập cho gia đình nên tiếng nói của chị cũng có trọng lượng hơn. Từ việc nuôi dạy con, mua sắm máy móc, xử lý nguyên liệu gai cho đến xây nhà, anh Định đều bàn bạc với vợ.

Chị Tuyến và chồng quyết định chuyển thêm 1 hecta trồng ngô sang trồng gai xanh. Kết quả vượt xa mong đợi. Thay vì thu hoạch 4 vụ gai xanh một năm, họ đã có thể thu hoạch 5 vụ một năm với năng suất 1.200kg gai khô trên 1,2 hecta đất. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình chị thu về 220 triệu đồng mỗi năm từ cây gai.

Với nguồn thu nhập từ trồng gai, vợ chồng chị sửa sang lại căn nhà sàn rộng rãi khang trang, mua thêm xe máy và các đồ gia dụng khác.

Khi bắt đầu dự án năm 2019, toàn tỉnh Sơn là có 70 hecta gai xanh ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Đến tháng 12/2021, diện tích cây gai đã lên hơn 1.000 hecta và dự án được triển khai ở 4 huyện khác trong tỉnh.

Dịch COVID-19 đã không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của gia đình. Chị Tuyến cho biết cây gai dễ bảo quản, gai khô có thể được cất trong túi ni lông được một năm mà không hỏng.

Phụ nữ dân tộc Thái ở xã Liên Hòa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La chăm sóc cây gai xanh

“Trồng gai xanh là lựa chọn đúng đắn nhất mà chúng tôi đã làm từ trước đến nay. Mức sống của gia đình đã được cải thiện nhưng điều quan trọng hơn là vợ chồng tôi không phải đi làm xa nữa nên có nhiều thời gian chăm sóc con cái”, chị Tuyến chia sẻ. 
PNVN

Video