Chăm lo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế từ cơ sở
- Trà Vinh: Phụ nữ xã Mỹ Cẩm giúp nhau làm kinh tế, cải thiện cuộc sống
Thời gian qua, Hội LHPN xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều hình thức cụ thể, sáng tạo để hỗ trợ hội viên, phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp, vươn lên trong cuộc sống, đời sống của chị em không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Điển hình là mô hình Tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng với 56 tổ, 1.018 thành viên tham gia, huy động vốn được trên 747 triệu đồng, hỗ trợ cho 789 hội viên phụ nữ vay để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Hồ Thị Trinh, tổ trưởng Tổ tiết kiệm tín dụng tổ 3, chi hội phụ nữ ấp số 5 cho biết: Trước đây, việc vận động chị em tham gia vào tổ phụ nữ TKTD rất khó khăn, lúc đầu chỉ có 11 thành viên tham gia nhưng bây giờ, thấy được hiệu quả của mô hình, đã có 22 thành viên tham gia tiết kiệm, qua đó huy động được 24 triệu đồng, giúp cho 6 thanh viên vay để phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống.
Chị TrầnThị Loan, thành viên TTKTD chia sẻ, gia đình chị khó khăn, được chị em trong tổ quan tâm giúp đỡ xét cho vay vốn về đầu tư chăn nuôi, kết hợp với nguồn vốn vay từ ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, đến nay kinh tế gia đình chị đã dần được ổn định. Chị tích cực tham gia tổ tiết kiệm với số tiền đóng góp 100.000 đồng/tháng, với mong muốn giúp chị em trong tổ còn gặp khó khăn có được nguồn vốn vay nhiều hơn trước để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình trồng rau nhút của hội viên phụ nữ ấp số 7, xã Mỹ cẩm những năm qua cũng góp phần nâng cao thu nhập cải thiện kinh tế cho nhiều hộ gia đình hội viên trong ấp. Chị Trần Thị Dũ, chi hội trưởng phụ nữ ấp số 7 cho biết trước đây việc trồng lúa của người dân trong ấp cho năng suất thấp, thu nhập rất bấp bênh. Nhận thấy cây rau nhút là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, chi hội đã vận động chị em mạnh dạn chuyển đổi lúa sang trồng rau nhút để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện nay, đã có 13 chị tham gia trồng với diện tích khoảng 30 công. Bình quân mỗi tháng trừ chi phí, thu nhập từ rau nhút mang về cho gia đình các chị khoảng 3,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi hội phụ nữ ấp còn tạo điều kiện cho chị em tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn tiết kiệm tín dụng để đầu tư vào sản xuất.Từ đầu năm cho đến nay chi hội đã hỗ trợ 52 triệu đồng từ 2 nguồn vốn trên cho 7 chị vay phát triển sản xuất.
Chị Đỗ Thị Nhanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long cho biết, phong trào phát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ trong xã đã có bước khởi sắc đáng kể, không chỉ giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh,vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
- Quảng Bình: Hội LHPN xã Bảo Ninh phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội
Hội LHPN xã Bảo Ninh hiện đang quản lý trên 2.000 hội viên sinh hoạt tại 8 chi hội. Để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, xây dựng các mô hình kinh tế, phát triển tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, vận động chị em góp vốn giúp đỡ hội viên nghèo; tín chấp với ngân hàng CSXH giúp cho hội viên nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Kết quả, Hội đã giúp cho 572 phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua 10 Tổ TK&VV với số tiền vay trên 9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã cũng luôn chú trọng tập huấn kiến thức về sản xuất kinh doanh giúp chị em áp dụng các kiến thức, kỹ năng mới vào trong sản xuất, kinh doanh.
Qua đánh giá hàng năm cho thấy, chất lượng cho vay ủy thác của các tổ TK&VV đều được nâng lên; kết quả thu lãi đều đạt kế hoạch đề ra, không có tổ viên nào để nợ quá hạn hay chậm nộp tiền lãi vay của Ngân hàng; 100% chị em vay vốn làm ăn có hiệu quả. Nhiều chị em đã giảm được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, con em có điều kiện học tập.
Tiêu biểu như gia đình chị Mai Thị Khuyên, hội viên chi hội phụ nữ thôn Hà Thôn, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình chị đã phát triển kinh tế thông qua tham gia vào mô hình Hợp tác dịch vụ hậu cần nghề cá Hà Thôn với công việc chính là đan, vá các loại lưới và cung cấp các dẽo lưới cho tàu biển trên địa bàn xã và được Hội phụ nữ xã tạo điều kiện tham gia lớp học nghề kỹ thuật đan vá các loại lưới. Nay chị đã có thu nhập ổn định từ việc đan vá lưới với mức 4,5 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, còn nhiều hội viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH như gia đình chị Trương Thị Minh - hội viên chi hội Sa Động, với mô hình chế biến hải sản, mỗi năm thu lãi từ 100 đến 150 triệu đồng. Chị Đào Thị Tám - Giám đốc hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ chế biến thuỷ sản Long Tám cũng là một trong những hội viên sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm, hằng năm thu nhập trên 350 triệu đồng.
Từ hiệu quả của hoạt động ủy thác đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên và chất lượng sinh hoạt chi, tổ. Chị Nguyễn Thị Hồng Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Ninh chia sẻ “Sau khi ký kết Hợp đồng uỷ thác với NHCSXH Tỉnh Quảng Bình về việc uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để đảm bảm nguốn vốn đến đúng đối tượng, BCH Hội LHPN nữ xã đã họp, triển khai đến các Chi hội, đề nghị rà soát đúng đối tượng được vay, đồng thời sau khi vay vốn phải thường xuyên có kế hoạch kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của hội viên được vay. Từ công tác quản lý chặt chẽ nguồn vốn nên ở Hội chúng tôi không có nợ quá hạn”.
Việc quản lý tốt và phát huy hiệu quả của nguồn vốn uỷ thác của NHCSXH, Hội LHPN xã Bảo Ninh đã phát huy một kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hữu hiệu, tin cậy. Thông qua hoạt động uỷ thác của NHCSXH, Hội LHPN xã có điều kiện quan tâm hơn đến hội viên, làm cho sinh hoạt Hội có nội dung phong phú hơn, lồng ghép triển khai thực hiện được các nhiệm vụ khác, giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần vào công cuộc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.