Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ
Một số kết quả đạt được
Phụ nữ chiếm trên 1/2 dân số song lại thường là đối tượng yếu thế, ít được tiếp cận với pháp luật, là nạn nhân của các nạn bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, nghèo đói và phụ thuộc. Mặc dù pháp luật Việt Nam chưa quy định phụ nữ nói chung là người được TGPL miễn phí (trừ phụ nữ nghèo, phụ nữ thuộc diện người được TGPL), nhưng trong khuôn khổ một số dự án quốc tế, ngoài việc thực hiện TGPL cho người được TGPL theo quy định của pháp luật, các tổ chức thực hiện TGPL đã thực hiện TGPL cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn nhân của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Để thực hiện TGPL cho phụ nữ có hiệu quả, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động sau đây:
- Xây dựng và ký kết chương trình phối hợp thực hiện TGPL với các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN ngày 02/10/2002 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam về TGPL và phổ biến giáo dục cho phụ nữ. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp ở địa phương ký kết chương trình phối hợp với Hội phụ nữ các cấp ở địa phương về phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; phối hợp với Văn phòng tư vấn pháp luật và bình đẳng giới của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ.
- Nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ như: Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ; Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; kỹ năng TGPL cho phụ nữ bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thu được, Cục đã thành lập 6 Văn phòng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại Hà Nội (2 Văn phòng), Khánh Hòa, Hà Tây, Bắc Giang, Thái Bình và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các Văn phòngthực hiện chương trình trợ giúp pháp lý cho phụ nữ.
Trong khuôn khổ một số dự án quốc tế, Cục TGPL đã chỉ đạo các Trung tâm TGPL thực hiện trợ giúp pháp lý thí điểm cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực trong gia đình và nạn nhân của tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em tại các tỉnh Quảng Ninh, An Giang, Cần Thơ, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang...; phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội, các nhóm cộng đồng trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái… dưới nhiều hình thức.
giúp pháp lý lưu động, nói chuyện chuyên đề pháp luật cho phụ nữ; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý[1]; phát hành các tờ gấp pháp luật về quyền của phụ nữ, đặc biệt là các quyền về lao động, đất đai, nhà ở v.v…Bình quân mỗi năm, Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 1 tại Hà Nội thực hiện hàng trăm vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, tổ chức hàng chục đợt trợ giúp pháp lý lưu động và nói chuyện chuyên đề pháp luật cho chị em phụ nữ tại các vùng xa trung tâm[2]. Nội dung các vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ rất rộng, tuy nhiên, các hoạt động tư vấn, đại diện, bảo vệ quyền lợi trong các lĩnh vực về đất đai, hôn nhân gia đình, thừa kế chiếm tỷ trọng lớn.
Các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước pháp lý trên toàn quốc, đặc biệt là các Trung tâm thực hiện thí điểm lồng ghép giới thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ song song với trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng khác. Riêng các Trung tâm thí điểm chú trọng hơn tới việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ thông qua việc cử cán bộ chuyên trách, hoặc nhóm trợ giúp viên và chuyên viên (chủ yếu là chuyên viên nữ), được tập huấn về lồng ghép giới tại các đợt tập huấn do Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức và các Trung tâm tổ chức tập huấn lại cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Các Trung tâm này cũng đã tiến hành khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý và hiểu biết của phụ nữ trong tỉnh về hoạt động trợ giúp pháp lý, thực hiện việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Để triển khai hoạt động, các Trung tâm đã thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho phụ nữ[3], ký kết các văn bản liên tịch với Hội phụ nữ tỉnh, xây dựng mạng lưới cộng tác viên là cán bộ nữ tại các cơ quan, ban, ngành để thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Trong 03 năm thực hiện thí điểm, các Trung tâm thực hiện thí điểm lồng ghép giới đã tổ chức 25 đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho phụ nữ,kết hợp hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động với việc phổ biến pháp luật cho hội viên Hội phụ nữ và nhân dân các xã bằng nhiều hình thức như: phát hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp pháp luật, tuyên truyền trực tiếp trong các đợt trợ giúp lưu động[4]; thông qua Đài phát thanh của xã giới thiệu Luật dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai v.v...
- Tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng TGPL cho phụ nữ cho đội ngũ người thực hiện TGPL và tổ chức nói chuyện pháp luật chuyên đề về những lĩnh vực pháp luật mà chị em phụ nữ quan tâm. Thông qua các lớp học này, chị em phụ nữ không chỉ được trang bị các kiến thức pháp luật, hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của công dân mà còn có thể chia xẻ, giải quyết những vướng mắc pháp luật.
Trong khuôn khổ một số Dự án, hoạt động tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL và nhận thức pháp luật cho phụ nữ cũng được các Trung tâm trợ giúp pháp lý tham gia Dự án thực hiện tích cực và hiệu quả như: đã tổ chức được 6 đợt tập huấn cho chuyên viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý (mỗi đợt từ 30 đến 40 người); tổ chức các lớp tập huấn cho thành viên Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; tổ chức 15 cuộc toạ đàm với các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức, đoàn thể trong việc tăng cường phối hợp hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị buôn bán; 30 lớp tập huấn cho nhóm hỗ trợ cộng đồng tại các xã (mỗi xã 15 người), tổ chức các buổi giáo dục cộng đồng với trên 3.000 người tham gia; đồng thời phát hành tờ gấp pháp luật với 21.000 bản về phòng, chống buôn bán người, thủ đoạn của bọn tội phạm buôn bán người.
- Nghiên cứu, thực hiện lồng ghép giới trong hoạt động TGPL. Cục TGPL nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động TGPL và tổ chức tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho người thực hiện TGPL, đồng thời tổ chức thực hiện thí điểm lồng ghép giới trong hoạt động TGPL tại 5 tỉnh.
- Đẩy mạnh hoạt động TGPL cho người được TGPL nói chung và cho phụ nữ nói riêng. Sau gần 13 năm hình thành và phát triển, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức khác nhau (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, hướng dẫn thủ tục hành chính, khiếu nại) trong tất cả các lĩnh vực pháp luật cho hơn 1,3 triệu lượt người (hơn 48% là phụ nữ), trong đó có59,7% người nghèo, 14,9% người có công với cách mạng, 3,8% người dân tộc thiểu số, 5,2% trẻ em và 6,4% người thuộc các nhóm đối tượng khác (người tàn tật, bị nhiễm HIV,...). Riêng 06 Văn phòng TGPL cho phụ nữ trung bình mỗi năm thực hiện TGPL cho gần 3.500 phụ nữ.
Kết quả qua 4 năm thực hiện Dự án "Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam giai đoạn từ năm 2006 đến 2009", các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiện được 411.120 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 432.350 người, trong đó thực hiện được 190.594 vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Tỷ lệ vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ở các Trung tâm đều tăng lên. Điển hình tại Bến Tre, năm 2006 tỷ lệ người được trợ giúp pháp lý là nữ chiếm 37,3%, năm 2007 tỷ lệ này tăng lên 51,4%; tại Thanh Hóa tỷ lệ này là 35,6% (năm 2006) và 44,7% (năm 2007). Năm 2007, tại 05 tỉnh thực hiện thí điểm lồng ghép giới có 3.248 phụ nữ được trợ giúp pháp lý, năm 2008 con số này tăng lên 4.160. Theo báo cáo của một số Trung tâm (Bến Tre) cho thấy, trong tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý hàng năm, có trên 30% đối tượng trợ giúp pháp lý là phụ nữ bị bạo hành, phụ nữ nghèo trong các vụ án ly hôn, tranh chấp dân sự, phụ nữ bị xâm hại tình dục hoặc là đại diện hợp pháp của trẻ em bị xâm hại tình dục v.v... Theo các Trung tâm, mức độ hài lòng của phụ nữ được trợ giúp pháp lý đã được tăng lên do người thực hiện trợ giúp pháp lý đã chú ý hơn đến sự nhạy cảm về giới trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý. Với số lượng vụ việc do các Trung tâm thực hiện hàng ngày cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em cho thấy, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nói chung và cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ nói riêng.
- Thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị buôn bán trong khuôn khổ một số Dự án. Thực hiện Quyết định số 312/2005-QĐ-TTG ngày 30/11/2005 và Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã phối hợp với các cơ quan: Bộ đội biên phòng, Công an, Hội phụ nữ, Lao động - Thương binh và xã hội thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán trở về. Cục Trợ giúp pháp lý đã ưu tiên thực hiện các Dự án hợp tác quốc tế có hợp phần về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán tại các tỉnh được coi là điểm nóng về tội phạm này (các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc và Campuchia).
Dự án “Phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và tăng cường bảo vệ nạn nhân bị buôn bán” giai đoạn 2005 - 2007 do Quỹ Châu Á tài trợ được thực hiện tại Cục Trợ giúp pháp lý và 03 Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc 3 tỉnh: Quảng Ninh, Cần Thơ, An Giang với các mục tiêu: bảo vệ tốt hơn nạn nhân bị buôn bán và đáp ứng nhu cầu cơ bản của nạn nhân qua việc cung cấp những dịch vụ trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và các tổ chức quần chúng liên quan tới việc bảo vệ nạn nhân bị buôn bán tái hòa nhập cộng đồng; Nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết về pháp luật của người dân thông qua các lớp tập huấn pháp luật cho Nhóm hỗ trợ cộng đồng và người dân về pháp luật.
Các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí đa dạng đã được triển khai ở các phạm vi khác nhau như: tư vấn pháp luật, tham gia đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi, đại diện ngoài tố tụng, kiến nghị về việc thi hành pháp luật, hoà giải, tổ chức sinh hoạt các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và tổ chức tuyên truyền về phòng chống buôn bán người nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức cảnh giác trong cộng đồng dân cư đối với tội phạm buôn bán người. Kết quả thực hiện Dự án Quỹ Châu Á (giai đoạn 2005 – 2007), trong vòng 2 năm, 03 Trung tâm thực hiện Dự án (Quảng Ninh, Cần Thơ và An Giang) đã thực hiện được 602 vụ việc cho trên 600 nạn nhân bị buôn bán, trong đó Quảng Ninh thực hiện được 527 vụ (507 vụ tư vấn, 12 vụ đại diện, 8 vụ kiến nghị), Cần Thơ thực hiện được 64 vụ (63 vụ tư vấn, 1 vụ đại diện), An Giang thực hiện được 11 vụ tư vấn pháp luật.
Tại tỉnh Quảng Ninh, các nạn nhân chủ yếu được cơ quan Biên phòng giải cứu hoặc tiếp nhận trao trả từ Trung Quốc. Với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan Biên phòng, Trungtâm trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Ninh đã tiếp xúc, hỗ trợ trực tiếp và tiếp nhận giải quyết vụ việc cho nạn nhân ngay tại cửa khẩu hoặc thụ lý vụ việc để giải quyết. Tại tỉnh Cần Thơ, Trung tâm trợ giúp pháp lý cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, Hội Liên hiệp phụ nữ để trợ giúp cho nạn nhân. Đối với tỉnh An Giang, thực tế số lượng nạn nhân bị buôn bán qua cửa khẩu biên giới Campuchia rất nhiều, tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người nói chung và công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn do những yếu tố khách quan, chủ quan và đặc biệt là tâm lý e ngại, không dám đấu tranh chống tội phạm và mặc cảm của nạn nhân.
Trong 6 tháng cuối năm 2009, hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị buôn bán được Dự án IOM tài trợ, hỗ trợ cho khoảng 40 vụ việc thông qua một hợp phần nhỏ, nhưng các Trung tâm bám sát địa bàn có các nạn nhân mới trở về, đã thực hiện được trên 100 vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân (trong đó Hà Giang có số lượng vụ việc nhiều nhất: 40 vụ, Hải Phòng: 14 vụ, Quảng Ngãi: 5 vụ. Một số tỉnh khác như: Quảng Nam, Thanh Hoá, Phú Thọ, Điện Biên, Hậu Giang v.v..., các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng đã thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân).
Qua kết quả thực hiện của các Trung tâm cho thấy, các vụ việc chủ yếu được thực hiện với hình thức tư vấn pháp luật, trong đó tập trung giúp nạn nhân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký lại hộ khẩu, hộ tịch, đăng ký khai sinh cho con, vay vốn ngân hàng người nghèo, xử lý các tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, quyền thừa kế, ly hôn, v.v... phát sinh trong và sau quá trình nạn nhân bị buôn bán.
Về cơ bản, các vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán được các nhà tài trợ rất quan tâm trong sự cân đối chung với thực tế thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý khác. Mặc dù vậy, các Dự án này đều đã kết thúc và mới chỉ được thực hiện ở phạm vi hẹp và thời hạn ngắn.
Ngoài việc thực hiện TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý cụ thể, tổ chức các lớp nói chuyện pháp luật, phát tờ gấp pháp luật, sổ tay pháp luật cho phụ nữ, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật và tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
-----------------------------------
(1. Khái niệm trợ giúp pháp lý . 2. Đặc điểm trợ giúp pháp lý ở Việt Nam. 3. Mô hình trợ giúp pháp lý ở Việt Nam)
[1] Các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý nhằm tạo điều kiện cho chị em tiếp xúc với văn bản pháp luật, giải đáp tình huống, vướng mắc pháp luật cụ thể. Ngoài các chị em phụ nữ tham gia, còn có các đối tượng nam giới với tư cách là người chồng, người cha trong gia đình tham gia để họ hiểu, tôn trọng và thực hiện đúng các quy định pháp luật, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, nhất là những nơi còn tồn tại những định kiến lạc hậu về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, qua đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trong gia đình.
[2] Năm 2008, Văn phòng số 1 thực hiện được 202 vụ cho 2002 phụ nữ, tổ chức 29 đợt TGPL lưu động (tăng 8 đợt so với 2007) qua đó tư vấn được cho 690 trường hợp, tổ chức được 26 lớp học bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại Hà Nội, thu hút được trên 1.800 chị em tham gia.
[3] Bến Tre đã thành lập 02 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại huyện Mỏ Cày và huyện Châu Thành, thành lập một Điểm Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại Văn phòng Hội Liên hiệp phụ nữ tại tỉnh Bến Tre. Các Câu lạc bộ TGPL cho phụ nữ là hoạt động triển khai thí điểm, tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng như hái hoa trả lời câu hỏi pháp luật, giải ô chữ, diễn tiểu phẩm, giải quyết tình huống v.v... lồng ghép với tư vấn pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật v.v... nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho chị em phụ nữ, đặc biệt là phu nữ nghèo, vùng sâu, vùng xa, phu nữ bị bạo hành trong gia đình và những chị em lầm lỡ bị nhiễm HIV, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với dịch vụ TGPL miễn phí để họ có thể yêu cầu trợ giúp trong những trường hợp cần thiết liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Báo cáo của TT Bến Tre).
[4]Trung tâm TGPL tỉnh Thanh Hóa đã in 2.142 tờ gấp pháp luật có nội dung về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình phát miễn phí cho người dân tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động và sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL.
[1] Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có nêu: “Bộ Tư pháp tăng cường hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn các Sở Tư pháp trong việc nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ của pháp luật về hòa giải mâu thuẫn và hòa giải tranh chấp giữa các thành viên gia đình, góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình”.