Mô hình trợ giúp pháp lý ở Việt Nam

20/12/2010
(Tiếp bài Những mô hình trợ giúp pháp lý và bài học kinh nghiệm thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ của TS. Trần Huy Liệu, Phó Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp)

Tổ chức TGPL của nhà nước

- Ở Trung ương có Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp. Cục TGPL có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý Nhà nước về TGPL trong phạm vi toàn quốc và quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ TGPL đối với các tổ chức thực hiện TGPL.

- Ở địa phương có Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Trung tâm có các phòng nghiệp vụ và Chi nhánh ở cấp huyện. Hiện nay cả nước có 63 Trung tâm TGPL nhà nước, 132 Chi nhánh của các Trung tâm được thành lập ở cấp huyện.

Tổ chức tham gia TGPL

Tổ chức tham gia TGPL gồm có:

- Các tổ chức hành nghề luật sư: Văn phòng luật sư, Công ty luật được thành lập theo pháp luật về luật sư, thực hiện TGPL theo pháp luật về luật sư hoặc có đăng ký tham gia thực hiện TGPL tại Sở Tư pháp;

- Trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghịêp được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 26/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật, thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên của mình và thực hiện TGPL cho người được TGPL theo Nghị định số 77/NĐ-CP hoặc có đăng ký tham gia TGPL tại Sở Tư pháp.

Đến nay đã có 129 tổ chức hành nghề luật sư và 33 Trung tâm tư vấn pháp luật (Văn phòng tư vấn pháp luật) trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

Các tổ chức khác

- Các Văn phòng TGPL cho phụ nữ được thành lập thí điểm tại Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Khánh Hòa ...thực hiện TGPL cho phụ nữ trong khuôn khổ một số Dự án hợp tác quốc tế và được Dự án hỗ trợ kinh phí hoạt động.

- Câu lạc bộ TGPL được thành lập ở các xã nghèo thuộc các Chương trình giảm nghèo của Nhà nước. Hiện nay có 4.132 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập ở các xã nghèo.

Ngoài ra còn có các Câu lạc bộ pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Người thực hiện TGPL

Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm : Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên, Luật sư và Tư vấn viên pháp luật.

Đến nay, trong toàn quốc có 272 Trợ giúp viên pháp lý và gần 9.000 Cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Trong số Cộng tác viên trợ giúp pháp lý có 1.031 người là luật sư, số còn lại là các cán bộ pháp luật đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức khác nhau hoặc đã nghỉ hưu. Trợ giúp viên và Cộng tác viên trợ giúp pháp lý đang là lực lượng chủ yếu thực hiện trợ giúp pháp lý.

(1. Khái niệm trợ giúp pháp lý
2. Đặc điểm trợ giúp pháp lý ở Việt Nam)

TT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video