Người mua dâm không thể vô can

19/06/2012
Trong khi những cô gái bán dâm trong các đường dây hoa khôi, người mẫu , ca sĩ bị công khai danh tính, hình ảnh trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng thì những “đại gia” mua dâm mới chỉ được các cơ quan chức năng đề cập một cách mập mờ. Rõ ràng cách đối xử với người mua dâm và bán dâm này còn tồn tại sự bất bình đẳng.

Bài liên quan:
Cần xử nghiêm người mua dâm, kẻ môi giới mại dâm, buôn bán phụ nữ trẻ em, bóc lột tình dục trẻ em

Công bố danh tính người mua dâm, tại sao không?

Theo pháp lệnh phòng chống mại dâm, thì khi những vụ mua bán dâm bị phát giác, cơ quan chức năng không công bố tên tuổi, hình ảnh người bán dâm, mua dâm. Nếu người bán dâm có hành vi môi giới, tổ chức thì thành tội phạm hình sự. Tuy nhiên, pháp lệnh cũng quy định ngoài việc xử lý hành chính tại chỗ hành vi mại dâm, người mua dâm sẽ bị thông báo về địa phương để chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục. Nếu người mua dâm là cán bộ công chức, đảng viên hay lực lượng vũ trang thì tên tuổi sẽ bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, từ trước tới giờ hầu như chưa có vụ việc nào danh tính người mua dâm bị thông báo về cơ quan, địa phương như quy định.

Trả lời phỏng vấn trên báo chí, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) Lê Đức Hiền nói: “Việc công bố danh tính người mua dâm ngoài răn đe thì cũng tính đến các hệ luỵ khác. Theo tôi đây là vấn đề xã hội lớn, cần phải xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng. Nếu công bố tên người mua dâm mà có tác dụng giảm tệ nạn mại dâm thì chúng ta nên thí điểm làm thử để nghe ngóng xem thế nào” và rằng “không công bố danh tính người mua dâm là lý do nhân đạo” (!). Nhiều câu hỏi đã được đặt ra quanh những phát ngôn này. Và chung quy lại, có thể thấy rõ sự kỳ thị đối với người bán dâm, trong khi lại nương nhẹ người mua dâm.

Gần đây, nhiều người đã lấy làm bức xúc khi nghe một luật sư phát biểu trên báo chí rằng, nếu căn cứ theo các quy định của pháp luật thì không có điều khoản nào quy định cho phép công khai trên các phương tiện thông tin hình ảnh người mua dâm. Và vì thế, muốn công khai thông tin phải cần được sự đồng ý của người mua dâm. Nếu cung cấp thông tin danh tính, hình ảnh người mua dâm cho những người không có thẩm quyền hoặc những người không trực tiếp liên quan đến việc giải quyết vụ án đều có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật… Luật sư này lý giải: “Việc công bố thông tin danh tính, hình ảnh người mua dâm sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, danh dự, uy tín, thậm chí là tương lai, hạnh phúc gia đình họ”.

Vậy, người nữ bán dâm không cần danh dự, uy tín và tương lai, hạnh phúc sao? Rõ ràng, trong cách hành xử phổ biến hiện nay đang có sự vi phạm nghiệm trọng về bình đẳng giới.

 

Người mua dâm cũng phải bị xử lý thích đáng

Một vấn đề nữa mà dư luận đang rất quan tâm. Đó là trong khi danh sách những hoa hậu, hoa khôi, người mẫu, diễn viên, ca sĩ… tham gia bán dâm dài dằng dặc, thì đối tượng mua dâm mới chỉ xác định là 4 “đại gia chân đất”. Vậy những “đại gia” là “khách hàng” của những người đẹp khác đang “ẩn mình” ở đâu?

Có những nguồn tin từ trong giới showbiz cho biết, những “đại gia chân đất” nói trên chỉ là những “con tép riu”, và không thuộc “đẳng cấp” là “khách hàng” thường xuyên của các đường dây mại dâm cao cấp. Thực tế, những “khách quen” là những người có tên tuổi và thế lực hơn nhiều. Những “đại gia” này gần như được vây quanh bởi “hàng rào bảo vệ” vô hình nhưng rất kiên cố. Và đây chính là nguyên nhân khiến cho danh tính của họ luôn nằm trong “vòng bí mật”.

Cũng theo nhiều người trong giới showbiz, việc xác định danh tính người mua dâm, nếu cơ quan chức năng muốn làm tới nơi, tới chốn thì cần phải đi từ gốc. Mà “cái gốc” ở đây không thể không có sự hiện diện của một số ông bầu, quản lý. “Mối quan hệ người mẫu/diễn viên/ca sĩ với những ông bầu là mối quan hệ cực kỳ “đặc biệt”. Có một số ông bầu vừa làm nhiệm vụ lăng xê người đẹp của mình, đồng thời cũng đảm nhiệm luôn khâu “rao bán” họ để thu tiền”, một người mẫu (đề nghị không nêu tên) khẳng định.

Xét cho cùng, theo quy luật cung - cầu của thị trường, nếu không có người mua dâm (tạo ra nguồn cầu) thì sẽ không thể có người bán dâm (nguồn cung). Như vậy, có thể nhận định chính người mua dâm là đối tượng tạo điều kiện để làm phát sinh hành vi bán dâm. Trong mối quan hệ này, người mua dâm không thể được coi là có mức độ vi phạm nhẹ hơn, và được hưởng những mức độ xử phạt “nhẹ nhàng” hơn người bán dâm. Có một thực tế, ở nhiều nước cho phép hành nghề mại dâm. Trong khi những cô gái hành nghề này được pháp luật thừa nhận và bảo vệ thì những người mua dâm lại có thể hứng chịu búa rìu dư luận nếu đó là các quan chức hay những người có tên tuổi, thế lực.

Có những ý kiến cho rằng, đối với những người mua dâm, đặc biệt là các đại gia bỏ “tiền tấn” để mua dâm thì truyền thông đại chúng cần được biết để công bố danh tính một cách rõ ràng. Đó là cách bảo vệ cho gia đình của họ, đồng thời cảnh báo những người khác đang nuôi ý định mua dâm, nhằm bảo vệ sự bền vững của các gia đình. Hạn chế được người mua dâm thì cũng sẽ giảm được số người bán dâm. Bởi “cầu” giảm thì “cung” không có lý do gì để tăng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xử lý về mặt đạo đức, thuần phong mỹ tục đối với người mua dâm và cũng nên xem xét đến việc họ lấy đâu ra nhiều tiền đến thế để mua dâm? Biết đâu, từ những vụ án mua – bán dâm sẽ còn phát hiện ra những vụ tham nhũng lớn!?.

Theo Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video