I. ĐÁNH GIÁ PHONG TRÀO PHỤ NỮ

14/12/2012
(tiếp báo cáo đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2007-2012)

I.ĐÁNH GIÁ PHONG TRÀO PHỤ NỮ

Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, 5 năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các tầng lớp phụ nữ ở mọi vùng miền trong cả nước đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ngày càng được các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng rộng rãi, được gắn kết với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cụ thể hóa vào phong trào thi đua của ngành, địa phương, tạo sự chuyển biến về chất trong phong trào phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chiếm 51,37% lao động khu vực nông thôn[1], phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Mặc dù chịu ảnh hưởng thường xuyên của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhưng chị em đã vượt qua khó khăn, thi đua sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng ngành nghề, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giữ vững vị trí là nước có kim ngạch xuất khẩu nông sản cao, đặc biệt xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đất nước.

Lao động nữ tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, dệt may, giầy da, thương mại, dịch vụ và tham gia ngày càng nhiều vào các ngành kinh tế đòi hỏi yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ cao. Chị emđã tích cựchưởng ứng phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, không quản ngại làm thêm ca, thêm giờ, góp sức tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng đa dạng, chất lượng cao,tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường ngoài nước, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao tiềm lực kinh tế của đất nước.

Trong điều kiện nền kinh tế đất nước chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, nữ doanh nhân đã năng động, sáng tạo, vượt qua thách thức để doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Các doanh nghiệp (chiếm 25%) và hộ gia đình sản xuất kinh doanh (trên 3 triệu hộ[2]) do phụ nữ làm chủ đã tạo thêm việc làm cho hàng vạn lao động, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nhân đạo.

Thành tựu giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ 5 năm qua có sự đóng góp đáng kể của phụ nữ. Chiếm số đông trong đội ngũ cán bộ giáo viên toàn ngành, đặc biệt trong các cấp học phổ thông, phụ nữ ngành giáo dục - đào tạo thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Nữ giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa dù điều kiện muôn vàn khó khăn vẫn kiên trì bám lớp, bám trường với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu. Phụ nữ và trẻ em gái ngày càng bình đẳng hơn về cơ hội được tiếp cận giáo dục, đào tạo. Tỷ lệ phụ nữ biết chữ đạt gần 92%; tình trạng trẻ em gái bỏ học sớm đã giảm; nữ sinh viên chiếm trên 50% trong các trường đại học và cao đẳng; nữ thủ khoa chiếm 61,6% các kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học[3]. Đội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa, chiếm 39,7% số người có trình độ thạc sỹ, 21,4% số người có học vị tiến sỹ, 10,27% số giáo sư và 25,78% phó giáo sư được phong tặng trong 5 năm. Phụ nữ tham gia ngày càng chủ động, tích cực vào các hoạt động khoa học - công nghệ, có nhiều công trình nghiên cứu làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, ứng dụng vào sản xuất và hoạt động thực tiễn đem lại lợi ích kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với những tiến bộ của y học nước nhà, sức khỏe phụ nữ tiếp tục được cải thiện, tuổi thọ trung bình đạt 75,6 tuổi (tăng 3,6 tuổi so với 2007). Những chính sách mới về y tế đã tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chiếm trên 61%[4] lực lượng lao động toàn ngành, phụ nữ ngành y tế với phong trào thầy thuốc như mẹ hiền đã nỗ lực phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng.

Văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao đời sống tinh thần. Chị em đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch đến với Việt Nam. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật; tham gia hầu hết các bộ môn thi đấu thể thao thành tích cao và đạt nhiều huy chương ở các đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế. Định kiến giới về vai trò truyền thống của phụ nữ và nam giới có sự thay đổi, hình ảnh người phụ nữ tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội.

Trong gia đình, vị trí, vai trò và đóng góp của phụ nữ được nâng lên. Giữ vai trò chủ chốt trong xây dựng gia đình hạnh phúc, chị em đã tích cực lao động tạo thu nhập, tổ chức tốt cuộc sống gia đình; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. Hàng triệu phụ nữ trong điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn nhưng với tình yêu thương và trách nhiệm, đã tần tảo, chăm lo, giáo dục con, cháu; trở thành chỗ dựa tinh thần cho gia đình.

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, tham gia các hình thức dân chủ trực tiếp ở cộng đồng. Đội ngũ cán bộ nữ trên một số lĩnh vựcphát triển về số lượng, chất lượng. Nữ cấp ủy cấp xã, cấp huyện vànữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều tăng; nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%; nữ công chứctrong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến trung ương chiếm 31%. Cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã đóng góp tích cực vào việc lãnh đạo, quản lý đất nước, ngành, địa phương. Nữ cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu giỏi việc nước, đảm việc nhà, tích cực nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, tự khẳng định mình ở từng vị trí công tác.

Phụ nữ đã tham gia tích cực trong các hoạt động đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới tại các địa bàn xung yếu và đóng góp tích cực vào hoạt động đối ngoại nhân dân. Với tinh thần thi đua quyết thắng, vì an ninh tổ quốc, phụ nữ trong lực lượng vũ trang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, mưu trí, dũng cảm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị em hoạt động trong ngành ngoại giao đã tích cực, chủ động, đóng góp hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những kết quả đáng tự hào trên cho thấy, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào, cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp phụ nữ cả nước. Với nội dung thiết thực, toàn diện, các phong trào thi đua đã thu hút đông đảo phụ nữ hưởng ứng và trở thành động lực thúc đẩy chị em hăng hái tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong số gần 13 triệu phụ nữ đăng ký thực hiện phong trào thi đua của cả nhiệm kỳ, đã có trên 11 triệu phụ nữ đạt 3 tiêu chuẩn, 2.419 phụ nữ được công nhận danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc 5 năm tiêu biểu toàn quốc”.

Bên cạnh sự nỗ lựcđóng góp to lớn, phụ nữ còn gặp không ít khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới:

Phụ nữ có ít cơ hội tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; lực lượng lao động nữ tuy đông về số lượng nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Số lao động nữ có bằng cấp chuyên môn chỉ đạt 11,1%[5], đặc biệt là lao động nữ nông thôn, độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số; tỷ lệ lao động nữ làm các công việc giản đơn chiếm tới 42,9% (so với 36,2% lao động nam[6]).

Khoảng cách thu nhập và mức sống giữa các nhóm phụ nữ, các vùng miền còn lớn. Nữ công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động nữ di cư tự do việc làm không ổn định, thu nhập thấp, điều kiện sinh hoạt tối thiểu không đảm bảo. Nữ nông dân thiếu việc làm, khó chuyển đổi nghề khi đất canh tác phải chuyển đổi mục đích sử dụng, chị em ít có điều kiện nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, kể cả khi sinh con. Phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu và các nhóm phụ nữ yếu thế (nghèo, khuyết tật, đơn thân…) đời sống còn nhiều khó khăn, ít cơ hội tiếp cận thông tin, giáo dục đào tạo và hệ thống an sinh xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm, dịch bệnh ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, trong khi các điều kiện chăm sóc sức khoẻ chưabảo đảm. Đã xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tình trạng nạo phá thai, đặc biệt ở tuổi vị thành niên đến mức báo động; tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV có xu hướng tăng nhanh (từ 19,65% năm 2006 lên 31% năm 2011)[7]. Thiếu các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ có thể làm tốt công việc xã hội và chăm lo gia đình. Dịch vụ gia đình, phúc lợi xã hội hỗ trợ gia đình và phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng thiếu nhà trẻ, mẫu giáo còn phổ biến ở hầu hết các địa phương và các khu công nghiệp (tỷ lệ trẻ dưới 36 tháng đến trường chỉ đạt 18%[8]) là khó khăn, thách thức lớn đối với các gia đình, đặc biệt là người mẹ.

Tư tưởng trọng nam hơn nữ còn tồn tại trong xã hội. Giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống mai một. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, buôn bán người, xúc phạm nhân phẩm, xâm hại tình dục đối với phụ nữ trẻ em gái vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Một bộ phận phụ nữ có xu hướng chạy theo lối sống coi trọng vật chất, đua đòi, hưởng thụ. Tình trạng phụ nữ vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng. Khiếu kiện đông người trái pháp luật có sự tham gia của phụ nữ còn xảy ra ở một số địa phương.

Công tác cán bộ nữ còn nhiều khó khăn, bất cập. Một số chỉ tiêu về tỷ lệ nữ lãnh đạo nhiều nhiệm kỳ chưa đạt và có xu hướng giảm như chỉ tiêu ntham gia Quốc hội, nữ ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI chỉ đạt gần 9%, nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 11,3%. Cán bộ nữ ở vị trí ra quyết định và hoạch định chính sách chiếm tỷ lệ thấp (Chủ tịch UBND và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đạt 3 - 4%).

Những khó khăn, thách thức nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.




[1] Nguồn: Điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2010, Tổng cục thống kê.

[2] Nguồn: Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam năm 2011.

[3] Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2011

[4] Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Tổng cục thống kê.

[5] Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Tổng cục Thống kê

[6] Nguồn: Khảo sát lực lượng lao động 2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

[7] Nguồn: Bộ Y tế, năm 2011

[8] Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2011

Theo vinhphuc.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video