II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2007 - 2012

14/12/2012
(tiếp báo cáo đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2007-2012)

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2007 - 2012

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ mọi mặt của phụ nữ.

Công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữ như Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình… được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được thực hiện gắn với phong trào thi đua đạt kết quả thiết thực, cụ thể; nổi bật nhất là thực hành tiết kiệm và các hoạt động chăm lo cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình phổ biến pháp luật được xây dựng và nhân rộng ở nhiều tỉnh thành; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hội được củng cố; trung tâm tư vấn pháp luật được thành lập ở một số địa phương. Việc thực hiện tiểu đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2008 - 2012” đã góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ.

Công tác giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giáo dục phẩm chất đạo đức, xây dựng người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được các cấp Hội coi trọng, gắn kết vào nội dung phong trào thi đua, các cuộc vận động của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và của Hội. Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 - 2015” đã tạo tiền đề quan trọng động viên phụ nữ rèn luyện, phấn đấu giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Các hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng: coi trọng truyền thông tại cộng đồng, trực tiếp đến hội viên, phụ nữ, mở rộng truyền thông qua các kênh thông tin đại chúng, phát hành các ấn phẩm, tổ chức triển lãm, trưng bày sản phẩm… Phong trào đọc sách và học tập qua sách báo được các cấp Hội tích cực triển khai trong cán bộ, hội viên, phụ nữ. Nhiều cơ sở Hội đã xây dựng và duy trì Tủ sách phụ nữ, Thư viện phụ nữ xã, phòng đọc sách phụ nữ... nhằm đáp ứng trước hết nhu cầu của cán bộ Hội cơ sở trong triển khai công tác Hội, góp phần nâng cao hiểu biết của phụ nữ. Đến cuối năm 2011 đã có 9.990 (74.45%) cơ sở Hội có tủ sách của phụ nữ. Đề án Cấp báo Phụ nữ Việt Nam cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chi Hội phụ nữ thôn, bản đặc biệt khó khăn đã tạo cơ hội tiếp cận thông tin cho 1.848 Hội Liên hiệp phụ nữ xã, 19.503 chi Hội phụ nữ thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Các cơ quan truyền thông giáo dục của Hội (Báo Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản Phụ nữ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trang thông tin điện tử …) từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền và thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng cơ quan ngôn luận của Hội. Nhiều tỉnh/thành Hội đã xuất bản Thông tin phụ nữ, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng hình thành chuyên trang, chuyên mục về phụ nữ và bình đẳng giới. Trung ương Hội và các tỉnh/thành Hội đã chú trọng biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhất là ở cơ sở.

Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục - đào tạo và Bộ đội Biên phòng kiên trì vận động phụ nữ, cán bộ Hội cơ sở vùng cao, vùng sâu tham gia các lớp học xóa mù chữ. Một số mô hình xóa mù chữ có hiệu quả đã được thực hiện như phong trào học chữ từ người thân, gia đình và cộng đồng; gắn học xoá mù chữ với học tập cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi dạy con…Với sự nỗ lực, đóng góp của các cấp Hội, trong nhiệm kỳ, đã có trên 54 ngàn chị em trong độ tuổi được xóa mù chữ.

Cán bộ Hội ở nhiều địa phương đã thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, chủ động phản ánh với cấp ủy, chính quyền những vấn đề bức xúcnguyện vọng của phụ nữ, của nhân dân; tuyên truyền hướng dẫn phụ nữ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần bảođảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Công tác tham gia xây dựng, giám sát luật pháp, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ có chuyển biến tích cực.

Hội đã chủ động đề xuất, đồng thời tham giatích cực cùng các bộ, ban, ngành trong xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi một số nội dung Hiến pháp 1992. Một số ý kiến đề xuất của Hội liên quan đến phụ nữ, cán bộ nữ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách. Hội đã bước đầu thực hiện phản biện xã hội từ góc độ giới đối với một số dự thảo luật(Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Nuôi con nuôi, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thi hành án hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Người cao tuổi...).

Các cấp Hội đã chủ động lựa chọn ưu tiên và tổ chức giám sát việc thực hiện một số chủ trương của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật và chính sách an sinh xã hội (Nghị quyết 11-NQ/TW[1], Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định 19/2003/NĐ-CP[2], chính sách giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn…); tham gia có trách nhiệm vào một số hoạt động kiểm tra, giám sát do cơ quan Nhà nước thực hiện theo chuyên đề. Qua giám sát đã phát hiện những bất cập trong triển khai, thực hiện chính sách, phản ánh kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Kết quả giám sát cũng là cơ sở tham gia xây dựng, phản biện xã hội, đề xuất các giải pháp chính sách, pháp luật trong từng lĩnh vực liên quan.

Hoạt động hòa giải, tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư của phụ nữ được chú trọng. Hội đã kiên trì kiến nghị và tham gia các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ; tích cực phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức tư vấn lưu động giúp cho nhiều hội viên, phụ nữ tiếp cận với hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. Cán bộ Hội tham gia với trách nhiệm cao trong các tổ hòa giải ở cơ sở, góp phần hòa giải thành công nhiều vụ việc. Ở những nơi xảy ra khiếu kiện đông người, có tính chất phức tạp, Hội đã tích cực tham gia giải quyết cùng các cơ quan chức năng.

Bám sát Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong công tác cán bộ nữ, Hội đã xây dựng chương trình hành động, chủ động tham mưu, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự nữ đủ tiêu chuẩn trong xây dựng quy hoạch, ứng cử cấp ủy Đảng; tham gia hiệp thương, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Công tác bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ ưu tú để Đảng xem xét kết nạp được quan tâm đầu tư, góp phần nâng tỷ lệ nữ đảng viên trong tổng số đảng viên mới được kết nạp lên 37,85%[3].

Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác phụ nữ ngày càng được chú trọng ở cấp Trung ương và tỉnh/thành, tập trung vào các vấn đề: đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gia đình, kinh tế, lao động việc làm, cán bộ nữ...Năm năm qua, đã có 15 đề tài nghiên cứu cấp bộ/ngành được nghiệm thu, kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trong quá trình đề ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, là cơ sở để Hội tham mưu đề xuất chính sách.

3. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ngày càng đa dạng, thiết thực, hiệu quả và đạt được những kết quả nổi bật.

Công tác hỗ trợ phụ nữ nghèo được các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, coi trọng phát huy nội lực của phụ nữ để giảm nghèo bền vững. Các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”,“Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”…được duy trì trong suốt những năm qua, cùng các cuộc vận động lớn “Mái ấm tình thương”,“Thực hành tiết kiệm theo gương Bác” với nhiều hình thức sáng tạo “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nuôi heo đất”… được triển khai sâu rộng khắp cả nước với tinh thần tương thân, tương ái, đã tạo nên nguồn nội lực to lớn trị giá trên 3.400 tỉ đồng, giúp cho trên 5,6 triệu lượt phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Việc khai thác, quản lý các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt từ Ngân hàng Chính sách xã hội được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2011, tổng dư nợ các nguồn vốn do các cấp Hội quản lý đạt trên 47 ngàn tỉ đồng, giúp cho hơn 21 triệu lượt phụ nữ vay phát triển sản xuất kinh doanh. Riêng nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội đạt dư nợ trên 41 ngàn tỉ đồng (tăng gấp 4 lần so với đầu nhiệm kỳ), tỷ lệ hoàn trả luôn ở mức 99%. Hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôntổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 10triệu lượt phụ nữ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả sản xuất kinh doanh của phụ nữ.

Hoạt động tài chính vi mô của Hội từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động của Hội. Quỹ Tình thương trở thành tổ chức tài chính quy mô nhỏ đầu tiên trong cả nước được cấp phép. Mô hình cho vay gián tiếp và nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính vi mô trong hệ thống Hội được thí điểm thực hiện thành công. Các chương trình, dự án tài chính vi mô ở một số tỉnh đang được sáp nhập, quản lý thống nhất, có bộ máy chuyên trách, tiến tới thành lập tổ chức tài chính vi mô. Công tác khảo sát, phân tích tình hình hoạt động tài chính vi mô của toàn hệ thống Hội đã được tiến hành định kỳ hàng năm, là cơ sở để các cấp Hội nâng cao chất lượng quản lý chương trình và tham vấn chính sách.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh, khởi sự và phát triển doanh nghiệp có nhiều đổi mới: gắn kết hỗ trợ vốn vayvới tổ chức tập huấn nghề, kỹ năng kinh doanh có sự đóng góp của nữ chủ doanh nghiệp; thành lập các tổ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; diễn đàn vận động chính sách, kết nối mạng lưới, khen thưởng và tôn vinh doanh nhân nữ… được tổ chức thường xuyên ở nhiều địa phương.

Công tác dạy nghề có bước chuyển quan trọng với việc triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015 trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm của Hội được quy hoạch trong tổng thể chung của cả nước và được củng cố, phát triển. Dạy nghề cho lao động nữ nông thôn được tập trung triển khai, không chỉ tại các cơ sở dạy nghề của Hội mà còn dưới hình thức phối hợp, liên kết, mở lớp lưu động. Hoạt động dạy nghề được tổ chức linh hoạt, gắn kết chặt chẽ hơn với hỗ trợ tạo việc làm thông qua hỗ trợ vốn và mở rộng hợp tác với các đối tác để tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ. Đến cuối năm 2011,các cấp Hội đã tổ chức và phối hợp, liên kết dạy nghề cho hơn 1,1 triệu lượt lao động nữ, trong đó có gần 300 ngàn lao động nữ được đào tạo nghề từ các cơ sở dạy nghề của Hội; giới thiệu việc làm cho trên 800 ngàn lao động nữ.

Với nỗ lực không ngừng và bằng nhiều giải pháp, phối hợp giữa hỗ trợ vốn với hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giúp khởi sự doanh nghiệp…; năm năm qua, các cấp Hội đã giúp trên 2,7 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ phát triển kinh tế, trong đó gần 450 ngàn hộ đã thoát nghèo;hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 10.713 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèocó hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giúp trên 256 ngàn nữ chủ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; đóng góp thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế, giảm nghèo của cả nước.

4. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được đẩy mạnh.

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là mục tiêu hướng tới của phần lớn các chương trình, các hoạt động của Hội. Cuộc vận động Xây dựng gia đình không nghèo đói, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực, không sinh con thứ 3 trở lên, không để trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch” gọi tắt là “5 không 3 sạch” được đông đảo hội viên, phụ nữ hưởng ứng, đang từng bước đi vào cuộc sống, là nhân tố tích cực thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động và phong cách công tác dân vận của cán bộ Hội các cấp.

Đồng thời với việc tăng cường phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Hội đã xây dựng và thực hiện một số dự án, đề án hướng vào gia đình, lấy gia đình là đối tượng đích để tác động, tạo ra phương thức can thiệp, hỗ trợ toàn diện. Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015” đã bước đầu hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, hướng tới thay đổi hành vi nuôi dạy con theo khoa học. Truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số/kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống dịch bệnh, HIV/AIDS, phòng chống bạo lực gia đình… luôn là những nội dung chính được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội viên, sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, góp phần hỗ trợ phụ nữ thực hiện vai trò nòng cốt trong xây dựng gia đình.

Các cấp Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Công an thực hiện Nghị quyết Liên tịch 01/2002/NQLT về Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong triển khai phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”... Các chương trình phối hợp đã góp phần thiết thực nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong nuôi dạy, giáo dục con, cháu và giải quyết các vấn đề xã hội.

Công tác tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình từng bước được đẩy mạnh.Nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng, thu hút các nhóm phụ nữ tham gia, trong đó nổi bật là mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ gia đình không có tệ nạn xã hội, nhóm tín dụng tiết kiệm lồng ghép truyền thông dân số/sức khỏe sinh sản gắn với bình đẳng giới, mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau…Các mô hình mới trong tư vấn, hỗ trợ hôn nhân gia đình, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phòng chống bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ - trẻ em và các tệ nạn xã hội khác đã được triển khai thực hiện như Trung tâm hỗ trợ kết hôn, Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, Ngôi nhà bình yên, đường dây nóng… bước đầu đáp ứng nhu cầu của các nhóm phụ nữ. Các mô hình nhóm trẻ gia đình, dịch vụ đưa đón con đi học, chăm sóc người cao tuổi, dịch vụ giúp việc gia đình đã được một số cấp Hội thí điểm, góp phần hỗ trợ phụ nữ giảm bớt công việc gia đình và là cơ sở cho việc chỉ đạo mở rộng các mô hình dịch vụ xã hội về gia đình trong nhiệm kỳ tới.

Các cấp Hội thường xuyên quan tâm, vận động phụ nữ tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và công tác hậu phương, quân đội như vận động tuyển quân, thăm, tặng quà, hỗ trợ, động viên gia đình các chiến sỹ biên cương, hải đảo; phối hợp với bộ đội biên phòng trong các hoạt động bảo vệ an ninh biên giới; tham gia tích cực cuộc vận động “Vì biển đảo quê hương”... Công tác đền ơn đáp nghĩa, hoạt động nhân đạo tiếp tục được đông đảo các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng: vận động xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sĩ; ủng hộ lương thực, quần áo, vật dụng thiết yếu cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ…Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội cả nước đã vận động, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt trị giá trên 241 tỷ đồng.

5. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội tiếp tục đổi mới; tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn; năng lực tổ chức ngày càng được nâng lên.

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là các cấp Hội đã chú trọng nghiên cứu tìm tòi và quyết tâm cao trong thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ; đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ. Phương thức hoạt động tiếp tục được đổi mới theo hướng phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội và nội lực của phụ nữ; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường công tác lập kế hoạch, xây dựng và triển khai các đề án nhằm thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới; mở rộng hợp tác, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; quan tâm kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời.

Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp Hội được tập trung thực hiện theo hướng hợp lý, rõ đầu mối, chuyên sâu,khắc phục sự phân tán. Việc ban hành các qui chế, qui định đã phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất, hiệu quả trong lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch/Ban Thường vụ và quản lý, vận hành cơ quan chuyên trách Hội.

Tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở Hộitheo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội”. Tổ chức Hội cơ sở đượckiện toàn thống nhất theo mô hình: Ban Chấp hành Hội cơ sở - Chi hội - Tổ phụ nữ; chú trọng xây dựng các mô hình phù hợp tập hợp các nhóm đối tượng (phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên, phụ nữ di cư); tập trung phát triển hội viên theo hộ gia đình; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt hội viên. Công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo tiếp tục đi vào chiều sâu, xây dựng được một số mô hình mới hiệu quả.

Việc triển khai cấp thẻ hội viên tại 67,5% số xã thuộc 100% tỉnh/thành phố đã giúp Hội tăng cường quản lý hội viên. Công tác thu nộp hội phí, xây dựng quỹ Hội được thực hiện nghiêm túc: tỷ lệ hội viên đóng hội phí đạt gần 89%; 92,63% cơ sở xây dựng được quỹ Hội.Chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở được nâng lên; 95% cơ sở Hội xây dựng được lực lượng hội viên nòng cốt; số cơ sở được xếp loại vững mạnh và xuất sắc đạt 98,27%; 297 cán bộ Hội được khen tặng danh hiệu “Cán bộ Hội cơ sở giỏi toàn quốc. Tính đến cuối tháng 12/2011, Hội đã thu hút được 15.342.302 phụ nữ vào tổ chức Hội, đạt 72,73%, tăng 9,11% so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ phát triển hội viên theo hộ gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đạt 80,42%.

Tính liên hiệp của tổ chức Hội từng bước được mở rộng. Hội đã hỗ trợ thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam; thí điểm thành lập tổ chức Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và phát triển các mô hình tập hợp nữ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất; thí điểm hình thức tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống câu lạc bộ doanh nhân nữ tiếp tục được mở rộng; một số câu lạc bộ cấp tỉnh đã phát triển thành Hội và Hiệp hội doanh nhân nữ, là cơ sở xúc tiến thành lập Hội Nữ doanh nhân Việt Nam.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, yêu cầu công việc được mở rộng về quy mô, đa dạng về hình thức, chú trọng về chất lượng. Việc xây dựng và triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cơ sở giai đoạn 2008 - 2012” đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực, trình độ và chuẩn hóa cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở. Tính chung các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đã có trên 300.000 lượt cán bộ Hội được tham gia, góp phần quan trọng vào kết quả đạt tiêu chuẩn chức danh về trình độ chuyên môn: 100%Chủ tịch, 98,39% Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, 81,86% cán bộ chủ chốt cấp huyện có trình độ đại học trở lên (tăng 23,29%), 62,61% Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên (tăng 37,66%).

Công tác kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, nề nếp, nội dung kiểm tra có chiều sâu, phương pháp kiểm tra được đổi mới theo hướng tăng cường phát hiện và hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở. Công tác thi đua khen thưởng từng bước đổi mới. Nội dung thi đua có trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của mỗi cấp Hội. Việc xét khen thưởng được thực hiện thường xuyên, công khai, dân chủ, đúng quy định.

6. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả rõ nét, góp phần mở rộng hợp tác, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Quan hệ song phương giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với tổ chức phụ nữ và tổ chức có hoạt động liên quan đến phụ nữ các nướcđược tăng cường thông qua việc ký kết, thực hiện các thỏa thuận, hợp tác quốc gia, khu vực và quốc tế; hoạt động ủng hộ phụ nữ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa thiên tai. Quan hệ hữu nghị với tổ chức phụ nữ các nước láng giềng và các nước có quan hệ truyền thống được củng cố. Đặc biệt quan hệ giữa Hội với Hội Phụ nữ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Hội Phụ nữ Căm-pu-chia vì Hòa bình và Phát triển có những bước tiến mới. Nhiều tỉnh Hội vùng giáp biên đã ký kết và thực hiện thỏa thuận hợp tác qua biên giới với tổ chức phụ nữ các tỉnh nước bạn, góp phần xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị; phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh biên giới, vùng biển.

Trong quan hệ đa phương, Hội tham gia chủ động, tích cực và ngày càng có hiệu quả vào các diễn đàn khu vực và quốc tế; thực hiện tốt vai trò nước chủ nhà đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN (ACWO) lần thứ 14 vai trò thành viên Mạng lưới các nhà Lãnh đạo nữ APEC, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Liên Hợp Quốc…; tham gia đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan tới quyền của phụ nữ và bình đẳng giới. Đến nay, Hội đã có quan hệ với 307 tổ chức tại 66quốc gia, vùng lãnh thổ.

Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Hoạt động đấu tranh dư luận đối ngoại trong các giao dịch và hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã bước đầu góp phần bảo vệ quyền, lợi ích và nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam. Hội tranh thủ các diễn đàn quốc tế phù hợp đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm trong việc giải quyết hậu quả chất da cam đi-ô-xin, đặc biệt trong hỗ trợ nạn nhân.

Hội đã tổ chức một số hoạt động thúc đẩy công tác tập hợp, vận động phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc: nghiên cứu mô hình tập hợp, hướng dẫn hoạt động cho một số tổ chức Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức giao lưu với nữ Việt kiều…

Công tác vận động nguồn lực quốc tế tiếp tục được quan tâm ở cả cấp trung ương và tỉnh/thành, thiết thực góp phần thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội. Trong 5 năm, TW Hội vận động được trên 40 dự án, tập trung vào xây dựng các mô hình mới về nâng cao năng lực lồng ghép giới, tăng quyền năng cho phụ nữ cao tuổi, phòng chống bạo hành đối với phụ nữ, giới và ứng phó với biến đổi khí hậu…




[1] Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

[2] Nghị định 19/2003/NĐ-CP về việc quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước.

[3] Nguồn: Ban Tổ chức Trung ương, năm 2010.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video