III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Năm năm qua, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, các tầng lớp phụ nữ đã hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, tích cực học tập, kiên trì, bền bỉ phấn đấu, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phát triển của đất nước, trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ từng bước được cải thiện.
Bám sát chức năng của Hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước, xu thế hội nhập quốc tế và nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới. Hội đã tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không chỉ tổ chức các hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề thiết thân, chăm lo cho phụ nữ, Hội còn tập trung đề xuất chính sách, tham gia xây dựng, phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Phương thức hoạt động có sự đổi mới rõ nét.Tổ chức Hội có bước phát triển, tính liên hiệp và việc thực hiện chức năng đại diện, vai trò cầu nối giữa Đảng với phụ nữ có chuyển biến tốt; tỷ lệ phụ nữ tham gia tổ chức Hội, tham gia các hoạt động Hội ngày càng tăng; bộ máy, cán bộ tiếp tục được kiện toàn, chất lượng được nâng lên. Sau một nhiệm kỳ nỗ lực phấn đấu, có 15/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X đề ra đã đạt và vượt.
Đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ và các cấp Hội trong 5 năm qua đã được Đảng, Nhà nước đánh giá caovà ghi nhậnbằng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân: 07 Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới, 07 Huân chương Hồ Chí Minh, 412 Huân chương Độc lập các hạng, 2.101 Huân chương Lao động các hạng; 29 Nhà giáo nhân dân, 695 Nhà giáo ưu tú; 15 Thầy thuốc nhân dân, 655 Thầy thuốc ưu tú; 12 Nghệ sĩ nhân dân, 104 Nghệ sĩ ưu tú. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng lần thứ 2.
Có được những thành tích trong nhiệm kỳ qua là dophụ nữ các tầng lớp, các vùng miền trong cả nước đã nỗ lực phấn đấu trên mọi lĩnh vực, gắn bó và ủng hộ tổ chức Hội; các cấp Hội đã vận dụng sáng tạo chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội; gắn bó với hội viên, phụ nữ; đoàn kết, quyết tâm cao trong thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội các cấp nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với phong trào phụ nữ và công tác Hội. Đặc biệt Hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính sách tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp chính quyền, sự ủng hộ, hợp tác thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cộng đồng và bạn bè quốc tế.
Bên cạnh những thành tích rất đáng tự hào, phong trào phụ nữ và công tác Hội còn một số tồn tại, hạn chế:
Phong trào phụ nữ phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo và tính chủ động của phụ nữ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phẩm chất đạo đức còn thiếu chiều sâu, công tác tư tưởng chưa nhạy bén, tuyên truyền về hoạt động Hội còn mờ nhạt.Việc tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế, thiếu chủ động.Các cấp Hội thiếu mạnh dạn đấu tranh và chủ động tham gia giải quyết các vụ việc bạo hành, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ duy trì việc làm ổn định sau dạy nghề và giảm nghèo hiệu quả chưa cao.Công tác vận động phụ nữ xây dựng gia đình chưa bắt kịp tình hình mới, kết quả chưa rõ nét. Việc quản lý hội viên ở một số địa phương chưa chặt chẽ. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy cấp tỉnh/thành còn chậm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng và hệ thống chính trị thiếu tính chiến lược nên hiệu quả chưa cao, chưa đạt yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và pháp luật về bình đẳng giới.Đến cuối nhiệm kỳ còn 2 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội chưa đạt (chỉ tiêu các bà mẹ có con dưới 16 tuổi được phổ biến, hướng dẫn kiến thức, phương pháp nuôi dạy con;chỉ tiêu cán bộ Hội đạt tiêu chuẩn chức danh).
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết và chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phụ nữ trong tình hình mới và nhu cầu ngày càng đa dạng của các tầng lớp phụ nữ. Hội chưa chủ động chuẩn bị tốt về cơ sở lý luận, thực tiễn và tổ chức tham vấn xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Năng lực tham mưu chiến lược của cán bộ Hội cấp trung ương, cấp tỉnh/thành, năng lực triển khai tổ chức thực hiện của cán bộ Hội cấp quận/huyện và cơ sở còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ Hội nhận thức chưa đầy đủ về tôn chỉ, mục đích, vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ của tổ chức Hội, cũng như yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong điều kiện mới, còn làm việc theo lối hành chính. Công tác cán bộ của từng cấp Hội còn thiếu chiến lược, thiếu quy hoạch tạo nguồn chuyên gia giỏi; công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Một số chủ trương công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, thiếu giải pháp cụ thể. Một số cấp Hội thiếu chủ động trong vận động nguồn lực, còn trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Nguyên nhân khách quan là do việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng, Nhà nước liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới ở cả cấp trung ương và địa phương còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ trương chính sách liên quan đến phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức, chưa hiệu quả.Một số cấp ủy Đảng, Chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác phụ nữ, công tác Hội, chưa tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều giữa các vùng miền, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; diễn biến phức tạp của các tệ nạn xã hội, tội phạm, bạo lực gia đình… đã tác động trực tiếp đến đời sống, lối sống của một bộ phận phụ nữ, ảnh hưởng đến khả năng huy động, vận động phụ nữ và chất lượng hoạt động của phong trào phụ nữ. Nguồn lực tài chính cho mục tiêu bình đẳng giới và hoạt động của Hội còn hạn hẹp.
Từ thực tiễn phong trào và hoạt động Hội, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
1. Việc ban hành chủ trương, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho sự tiến bộ của phụ nữ và quán triệt lồng ghép giới trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước;đi đôi với những biện pháp chỉ đạo kiên quyết của cấp uỷ Đảng, Chính quyền; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngànhtrong tổ chức thực hiện, vớisự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới.
2. Với vai trò chủ thể, là nhân tố trực tiếp quyết định sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, phụ nữ Việt Nam phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ mọi mặt, phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái, chủ động giải quyết những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ, bản thân và gia đình.
3. Giữ vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, các cấp Hội phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tham mưu đề xuất và làm tốt công tác vận động thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Đội ngũ cán bộ Hội là yếu tố then chốt xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, cán bộ Hội các cấp phải gương mẫu, đoàn kết, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, năng động, sáng tạo, sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với hội viên, phụ nữ.