Nuôi tằm con và liên kết sản xuất dâu tằm
Gia đình chị Đỗ Thị Liễu - anh Trần Nhật Tân, thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà là một trong những nông hộ chuyên nuôi tằm con, cung cấp giống tằm uy tín, chất lượng tốt của đất tằm Đông Thanh. Mỗi tháng, anh chị cung ứng từ 220 - 300 hộp trứng cho nông dân quanh vùng. Và chất lượng tằm con gia đình anh chị Tân Liễu được bà con đánh giá rất cao.
Chị Đỗ Thị Liễu, người phụ nữ chân chất kể lại, nhà chị vào thôn Tầm Xá, Đông Thanh định cư từ năm 1998. Bắt đầu từ trồng cà phê, chị học hỏi và trở thành một nông hộ nuôi tằm con xuất sắc. Với chị, nuôi tằm con gói gọn trong phương châm: cẩn thận - sạch sẽ - tuân thủ quy trình kỹ thuật. Và với phương châm ấy, tằm con của gia đình chị đang cung ứng rộng khắp cho nông dân Đông Thanh.
Chị Liễu chia sẻ, giống tằm mua về phải trải qua giai đoạn ấp. Vào giai đoạn ấp, nhiệt độ khu ấp phải ổn định ở 25 độ C. Sau 1 tuần trứng nở, tằm nhỏ xíu có thể sống bằng năng lượng dự trữ và sau 2 ngày bắt đầu cho ăn lứa dâu đầu tiên. Nuôi 12 ngày, tằm ngủ 3, ăn 4 là có thể xuất bán tới tay bà con. Nói đơn giản như thế nhưng nuôi tằm con là một trong những khâu khó khăn nhất của nghề nuôi tằm. Bởi tằm con, cũng như hầu hết các vật nuôi, dễ bị ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh cũng như các sinh vật gây hại như ruồi, kiến. Vì vậy tằm con rất dễ bệnh, dễ chết. Do đó, gia đình chị phải đảm bảo quy trình nuôi rất nghiêm ngặt.
Tằm con sau khi ra khỏi khu ấp được nuôi trong các khay gỗ đặt trên giá sắt, có thể kéo ra kéo vào để quan sát thường xuyên. Trong khay được lót giấy, trải vôi bột nghiền kỹ đã có pha sẵn thuốc dưỡng tằm. Tằm con được nuôi trong phòng sạch, thoáng, có cửa ra vào kín và hệ thống lưới đen dày che hành lang, chống nóng, hạn chế ánh sáng, tiếng động cũng như các sinh vật có hại xâm nhập. Mỗi ngày, tằm con được ăn dâu theo từng độ tuổi. Để phục vụ cho việc sản xuất 220 - 300 hộp tằm/tháng, gia đình anh chị Liễu - Tân trồng tới 3 ha dâu, trong đó, có dâu VA-06 lá mỏng, mịn chuyên dành cho tằm nhỏ và S7-CB dùng cho tằm lớn hơn. Đặc biệt, vườn dâu nhà chị Liễu chỉ bón một loại phân duy nhất, đó là phân bò. Theo chị Liễu, phân bò sạch hơn phân heo, phân chim cút do bò hầu hết ăn thực vật, phân ít bị ảnh hưởng bởi dư lượng thuốc khử trùng do gà, chim cút thường nuôi tập trung với số lượng lớn. Khi dâu được bón bằng phân bò, tuy lớn không nhanh bằng bón nhiều loại phân khác nhưng chất lượng dâu rất tốt, tằm con ăn đảm bảo sức sống mạnh, kén lên đều, đẹp. Chị Liễu từng thử nghiệm, bón dâu bằng phân hóa học hay các loại phân không hợp vệ sinh, tằm nuôi tới khi lên né dễ chết, chất lượng kén cũng không tốt.
Hiện, mỗi tháng, anh chị Đỗ Thị Liễu - Trần Nhật Tân cung ứng cho bà con trong xã từ 200 - 300 hộp tằm. Theo tính toán, giá một hộp kén anh chị nhập về là 300 ngàn đồng, chi phí dâu, chăm sóc, công lao động, khấu hao..., tổng chi phí xấp xỉ 700 ngàn đồng/hộp tằm. Với giá bán 1,1 triệu đồng, anh chị có lời 400 ngàn/hộp, là con số đáng mơ ước với nông hộ. Điều khá đặc biệt là với bà con trong thôn Tầm Xá, anh chị luôn giảm giá tằm, tốt hơn so với các nhà cung cấp khác. Chị Liễu tâm sự, bà con sống nhờ con tằm, phải nuôi sao để con tằm khỏe, bà con chăm dễ, chất lượng kén tốt thì gia đình mới giữ được uy tín cũng như bà con có thu nhập tốt hằng tháng.
Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh cho biết, hộ anh Trần Nhật Tân là hộ nuôi tằm con rất uy tín trong địa bàn. Ngoài kỹ thuật nuôi tốt, gia đình anh chị còn rất tâm huyết với nghề tằm, với bà con. Thôn Tầm Xá đang định hình, chuẩn bị thành lập mô hình liên kết tằm con từ đầu vào tới đầu ra, đảm bảo chất lượng kén tằm Tầm Xá và anh Trần Nhật Tân là thành viên chủ chốt trong liên kết. Thành lập được mối liên kết sản xuất dâu tằm, việc trồng dâu nuôi tằm của bà con dễ dàng hơn, đi vào quy mô hơn và chắc chắn sẽ mang lại lợi ích tốt cho người nông dân.