Nỗ lực “hồi sinh” nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường ở Tân Sơn
Tân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ với hơn 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó, dân tộc Mường chiếm 75,2% dân số toàn huyện và chiếm 29,52% dân tộc Mường trong toàn tỉnh.
Đồng bào Mường tại Tân Sơn còn lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Trong đó nổi bật nghề truyền thống dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Mường..
Theo các cụ già kể lại, nghề dệt thổ cẩm tại Tân Sơn được hình thành từ lâu đời, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mường. Trước đây, con gái Mường khi lên bảy, lên tám đã được bà và mẹ dạy cách trồng bông, quay tơ, kéo sợi, mười ba mười bốn tuổi đã biết ngồi khung cửi để dệt thành những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc phục vụ cho việc may chăn đệm chuẩn bị cho việc lấy chồng.
Con gái Mường khi đi lấy chồng phải mang theo của hồi môn đó là chăn, màn, gối, đệm tự tay mình dệt nên. Theo tục lệ, với người Mường, một cô gái đi làm dâu phải mang theo đủ chăn màn cho những người trong gia đình chồng. Trải qua nhiều thăng trầm, cùng với sự du nhập của văn hoá hiện đại, ngày nay người con gái Mường khi đi lấy chồng không nhất thiết phải mang theo đồ dùng do tự tay mình làm nữa mà có thể mang theo hàng mua từ chợ về. Bởi thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Tân Sơn đã có thời gian dài bị mai một.
Để bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường huyện Tân Sơn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tổ chức mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Mường.