Một số nội dung tham khảo về cuộc thi Tìm hiểu về biến đối khí hậu

27/09/2010
 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Tờ rơi tuyên truyền về biến đổi khí hậu.

2.Các bài viết về biến đổi khí hậu trên internet

3.Các phóng sự, tin bài trên các báo viết, báo hình.

 

MỘT SỐ NỘI DUNG:

1.Khái niệm:

"Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo".

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

Các biểu hiện của sự biến đổi khí hậu trái đất gồm:

Sự nóng lên của khí quyển và trái đất nói chung.
Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên trái đất.
Sự dâng cao mực nước biển do tan băng dẫn tới sự ngập úng của các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển.
Sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của trái đất dẫn tới nguy cơ đe doạ sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người.
Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hoá khác.
Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, các địa quyển.
Các quốc gia trên thế giới đã họp tại New York ngày 9/5/1992 và đã thông qua Công ước Khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Công ước này đặt ra mục tiêu ổn định các nồng độ khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp của con người đối với hệ thống khí hậu. Mức phải đạt nằm trong một khung thời gian đủ để các hệ sinh thái thích nghi một cách tự nhiên với sự thay đổi khí hậu, bảo đảm việc sản xuất lương thực không bị đe doạ và tạo khả năng cho sự phát triển kinh tế tiến triển một cách bền vững.

 

2.Nguyên nhân:

Khí nhà kính là những chất khí có khả năng hấp thụ bức xạ hồng ngoại do trái đất phát trở lại không gian sau khi nhận các bức xạ từ mặt trời. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng nhà kính, có vai trò như một tấm chăn làm cho bề mặt trái đất và bầu khí quyển được giữ ấm. Tuy nhiên nếu lượng khí nhà kính trong khí quyển quá nhiều, giống như tấm chăn được làm dầy hơn, sẽ làm cho trái đất nóng lên.
Nguyên nhân là do đốt 1 lượng lớn các nguyên liệu hoá thạch như than, dầu khí trong phát triển công nghiệp, chặt phá rừng bừa bãi và một số hình thức khai thác nông nghiệp đặc biệt là chăn nuôi và trồng lúa nước.Theo các nhà khoa học đấy chính là nguyên nhân chính dẫn đến nhiệt độ trái đất tăng.
Sự tăng bất bình thường của nhiệt độ bề mặt trái đất có thể dẫn đến những thay đổi trong hệ thống khí quyển toàn cầu, gây ra sự di chuyển của các đới khí hậu và các điều kiện thời tiết trung bình cũng như cực trị. Nhiệt độ trái đất tăng lên cũng có thể dẫn đến mực nước biển tăng và các dòng sông băng tan chảy…Những hiện tượng đó được coi LÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

3.Tác động của biến đổi khí hậu trong đời sống cộng đồng

 

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm thường vượt quá 20oC, lượng mưa trung bình 1500mm. Mùa lạnh và khô từ tháng 11-4, còn mùa nóng và mưa diễn ra từ tháng 5-10. Tuy nhiên các chỉ số này thay đổi theo chiều dài đất nước và theo cả địa hình cho nên mùa mưa với lũ lụt và mùa khô với hạn hán thưòng mang tính cực đoan và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Việt Nam nằm dọc theo đường di chuyển bão Tây-Bắc Thái Bình Dương và là một trong 10 nước trên thế giới được coi là dễ bị tổn thương nhất trước áp thấp nhiệt đới. Trung bình mỗi năm có 6-7 trận bão hay áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến vùng bờ biển của Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc và miền Trung.
Nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho thấy, từ năm Từ 1900 đến 2000, nhiệt độ trung bình năm tăng 0.1°C một thập kỷ. Mùa hè nóng hơn với nhiệt độ trung bình các tháng hè tăng từ 0.1°C đến 0.3°C một thập kỷ. nếu so với năm 1990, nhiệt độ chắc sẽ tăng trong khoảng từ 1.4-1.5°C vào năm 2050 và từ 2.5-2.8°C vào năm 2100. Điều này cho thấy xu thế tăng nhiệt độ cứ qua 10 năm lại lớn lên. Mùa nóng sẽ khắc nghiệt, và lượng mưa cùng với cường độ mưa sẽ tăng lên đáng kể ở phía Bắc. Sự biến đổi thất thường của thời tiết còn được thể hiện qua đợt mưa lớn trái mùa tại các tỉnh miền Bắc. Ví dụ: từ ngày 30/10 đến chiều 01/11/2008. Tại thủ đô Hà Nội lượng mưa lên tới gần 500mm đã gây ra cảnh úng lụt trầm trọng, thiệt hại cả về người và tài sản của nhân dân. Mùa khô sẽ càng sâu sắc và có nguy cơ biến các vùng dễ bị tổn thương như Nam Trung bộ thành bán hoang mạc. Phần lớn diện tích vùng ven bờ của Việt Nam bị đe doạ ngập lụt hàng năm, trong đó đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 75% tổng diện tích, và 10% diện tích của đồng bằng Sông Hồng. Ở một số khu vực như các tỉnh miền Trung và đồng bằng Sông Cửu Long, lũ xuất hiện với cường độ ngày càng tăng. Các trận bão gần đây mà Việt Nam phải hứng chịu đã trở nên khốc liệt và quỹ đạo các trận bão dường như đã chuyển hướng về phía Nam, vốn là những mảnh đất an toàn, trong những năm gần đây. Theo Chương trình môi trường LHQ (1993) mực nước biển bao quanh Việt Nam đã dâng cao 5cm từ giữa 1960 đến những năm 1990. Tổng cục Khí tượng-Thuỷ văn ước tính mực nước biển đang dâng cao với tốc độ trung bình là 2mm/năm. Xói lở bờ biển cũng đã và dang xãy ra, ví dụ ở Cà Mau có một số địa phương bị xói lở 600 ha, với các dải đất rộng 200m bị mất.


Mực nước biển dâng cao chắc chắn còn làm cho tình trạng xâm mặn ở các vùng ven biển trở nên tồi tệ, gây nên sự khó khăn trong khai thác nước ngọt phục vụ tưới và sinh hoạt. Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa cả nước với hơn 1.5 triệu ha đất nhiễm mặn, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Biến đổi khí hậu chắc chắn có tác động đáng kể đến nghề cá và nuôi trồng thuỷ sản của Việt Nam, với sự biến mất các loài cá quý hiếm, làm suy giảm mạnh sinh vật phù du sẽ dẫn đến tình trạng di cư và giảm mạnh khối lượng lớn cá. Do mực nước biển dâng cao, các trại nuôi trồng thuỷ sản buộc phải di dời và kéo theo đó là việc phải tái đầu tư vốn, thay đổi tập quán cũng như định cư sản xuất. Miền Trung Việt Nam là khu vực hay bị thiên tai nhất ở Việt Nam và có tỷ lệ nghèo cao. Hàng năm, khu vực này phải đương đầu với mọi loại hình thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Chỉ riêng trận lụt lịch sử diễn ra vào cuối năm 1999 đã cướp đi 800 sinh mạng và gây thiệt hại hơn 300 triệu USD. Thêm vào đó, chúng ta hẳn vẫn còn nhớ đến sự tàn phá của cơn bão Xangsane (tháng 10/2006) với sức gió mạnh lên đến trên cấp 13 (149km/h), gió giật lên đến 205km/h làm sóng biển dâng cao 7m. Trận bão này hầu như đã làm các tỉnh miền Trung “xơ xác”, đặc biệt là các địa phương như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi với hơn 20 vạn người chạy đi lánh nạn, hàng trăm người chết và bị thương, thiệt hại về tài sản do cơn bão lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.


Ở một mặt khác, Việt Nam gần đây đã đạt được những tiến bộ ngoạn mục cả về tăng trưởng kinh tế lẫn giảm nghèo. Sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới vào năm 2007, giao dịch thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng, tạo điều kiện để Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên nền kinh tế định hướng thị trường của Việt Nam cũng làm gia tăng cách biệt giàu nghèo giữa vùng sâu, vùng xa và các cực tăng trưởng như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Do vậy, người nghèo vốn sống lệ thuộc vào hoàn cảnh tự nhiên, thường phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu, và tác động của nó có thể đem lại những hậu quả đáng kể và lâu dài đối với khả năng ứng phó tổng thể của Việt Nam trong tương lai. Có thể khẳng định rằng thiên tai là trở ngại chính trên con đường đi tới phát triển bền vững và đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) ở Việt Nam.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video