TW Hội LHPN Việt Nam đánh giá thực trạng các mô hình sinh kế tại 26 tỉnh miền núi biên giới
Thời gian qua, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, các Quyết định, Nghị quyết của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; các kế hoạch của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam… để triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả hỗ trợ hội viên, phụ nữ giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ phụ nữ nghèo thuộc vùng khó khăn, DTTS, biên giới thông qua xây dựng, nhân rộng mô hình sinh kế theo hướng liên kết chuỗi, gắn với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương xây dựng các mô hình sinh kế bền vững...
UV Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo, TW Hội LHPN Việt Nam Lò Thị Thu Thủy chủ trì Hội thảo rà soát, đánh giá thực địa về các mô hình sinh kế do Hội LHPN các cấp thành lập, quản lý tại xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An (tháng 5/2023).
Đối với địa bàn DTTS miền núi, biên giới, Hội LHPN các cấp đã triển khai trọng tâm các hoạt động hỗ trợ sinh kế trong Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương và Dự án 8. Riêng với Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, tính đến tháng 3/2023, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với các Đồn Biên phòng và các đơn vị hỗ trợ thành lập, duy trì gần 1.100 mô hình sinh kế, hỗ trợ hơn 34 nghìn con giống, hơn 51 nghìn cây giống phù hợp với tập quán canh tác, khí hậu thổ nhưỡng, có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các địa bàn biên giới. Ngoài ra, các cấp Hội tại các địa bàn biên giới cũng chủ động, sáng tạo trong khai thác, huy động và kết hợp các nguồn lực khác nhau để thành lập và duy trì các mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Hoạt động của các mô hình đã góp phần tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia hoạt động Hội, giúp các cấp Hội thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, nắm bắt và tổ chức tuyên truyền, vận động tới các chị em vùng biên giới, biên cương, vùng DTTS.
Nhằm đánh giá lại hiệu quả hoạt động, những khó khăn, bất cập của các mô hình sinh kế được thành lập, vận hành tại khu vực DTTS, biên giới để làm cơ sở chỉ đạo, định hướng, đưa ra các can thiệp hỗ trợ phù hợp trong thời gian tới, trong tháng 5-6/2023, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức đánh giá thực trạng các mô hình sinh kế tại 26 tỉnh biên giới; đồng thời tiến hành đánh giá thực địa tại 3 tỉnh biên giới đại diện vùng miền, bao gồm Lạng Sơn, Đắk Nông và Nghệ An thông qua các hoạt động khảo sát bằng phiếu hỏi, phỏng vấn sâu, hội thảo với đại diện lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của địa phương… Trong đó, các nội dung chính cần quan tâm khảo sát, đánh giá bao gồm:
(1) Khái quát được một số loại hình mô hình chủ yếu đang hoạt động tại địa bàn các xã biên giới, tính chất, nội dung hoạt động của các mô hình.
(2). Các chủ trương chỉ đạo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của địa phương nói chung và việc xây dựng, thành lập, phát triển các mô hình sinh kế của phụ nữ tại cộng đồng.
(3). Đánh giá kết quả triển khai thực hiện xây dựng, quản lý vận hành các mô hình đó ntn (trong chỉ đạo điều hành, công tác phối hợp triển khai thực hiện các mô hình sinh kế giữa Hội LHPN các cấp với các sở ban ngành địa phương ntn, tác động của các mô hình trong việc góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tác đông đối với bản thân người phụ nữ khi tham gia các mô hình, tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng...)
(4). Những khó khăn, bất cập chủ yếu mà các mô hình đang gặp phải tại các địa bàn biên giới cũng như những khó khăn chủ yếu trng việc thành lập, quản lý vận hành các mô hình.
(5). Các kiến nghị, đề xuất, đặc biệt là các giải pháp, các ý tưởng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và khả năng nhân rộng của các mô hình sinh kế của phụ nữ tại địa bàn biên giới...
Tại Hội thảo rà soát mô hình sinh kế tại Lạng Sơn, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (bìa phải), Phó Ban Dân tộc – Tôn giáo, TW Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Kết quả đánh giá này cũng giúp Hội phụ nữ rà soát được các mô hình sinh kế tiềm năng, có thể được hỗ trợ phát triển, mở rộng quy mô bằng nguồn lực của Dự án 8 trong hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và chuẩn hóa các tiêu chuẩn theo quy định (như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông sản, OCOP…) giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội của mô hình”
Kết quả đầu ra của hoạt động khảo sát sẽ là căn cứ, dữ liệu để TW Hội LHPN Việt Nam tham mưu, xây dựng báo cáo về “Hiệu quả từ các mô hình, hoạt động can thiệp hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS vùng biên giới” tại Hội thảo "Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ dân tộc và việc thực hiện chính sách đối với nhóm phụ nữ đặc thù" phục vụ sơ kết 5 năm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư (Khoá XII) do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Yên Bái (tháng 7/2023) và tổ chức 1 Hội thảo cấp TW với mục đích “chia sẻ kết quả và tham vấn giải pháp nâng chất lượng, nhân rộng mô hình cho phụ nữ DTTS vùng biên giới”, dự kiến vào khoảng tháng 9/2023 tại Hòa Bình.