Tìm giải pháp thực tiễn nâng cao hiệu quả công tác phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam
Qua từng thời kỳ cách mạng, quan điểm và tư tưởng về giải phóng phụ nữ và bình đẳng nam nữ của Hồ Chí Minh là định hướng quan trọng cho phong trào phụ nữ và công tác Hội trong suốt chiều dài lịch sử hơn 90 năm qua. Nghị quyết 11 của Đảng về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đã xác định “Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình”, trong đó, vai trò nòng cốt là các cấp Hội LHPN Việt Nam.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhận định, công tác phụ nữ và hoạt động Hội nhiệm kỳ 2022 – 2027 được thực hiện trong bối cảnh phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho công tác bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ; phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế, có đóng góp tích cực trên các lĩnh vực; khoảng cách giới trong các lĩnh vực dần được thu hẹp.
Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72 trong số 146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022
Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72 trong số 146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Năm 2023, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027.
Hội LHPN Việt Nam đã có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Bối cảnh hiện nay cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác phụ nữ và hoạt động Hội: thách thức do tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số; đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ còn nhiều khó khăn; các công trình nghiên cứu khoa học về công tác phụ nữ còn hạn chế, còn thiếu các nghiên cứu tổng kết thực tiễn; nhiều vấn đề mới đặt ra liên quan đến phụ nữ, phong trào phụ nữ; chưa có những cơ sở lý luận để giải quyết thấu đáo; nguồn lực cho công tác phụ nữ chưa được ưu tiên… Do đó, Hội thảo là diễn đàn quan trọng nhằm thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác phụ nữ trong bối cảnh phát triển mới của đất nước và thế giới. Đồng thời, Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp đổi mới hoạt động của Hội LHPN Việt Nam, thúc đẩy phong trào phụ nữ đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Trước thềm Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 54 bài viết từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phụ nữ và giới. Trong đó, 35 bài viết đã được lựa chọn để xuất bản trong kỷ yếu hội thảo, tập trung vào các nghiên cứu sâu sắc và đề xuất giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.
Hội thảo gồm 7 bài trình bày được tổ chức thành 2 phiên: “Lý luận về công tác phụ nữ; bối cảnh hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ và công tác phụ nữ” và “Tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 và những vấn đề đặt ra”.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá các lý thuyết và thực tiễn trong công tác phụ nữ tại Việt Nam và quốc tế; thảo luận về tác động của bối cảnh trong và ngoài nước đối với công tác phụ nữ, các vấn đề đặt ra đối với công tác phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Việt Nam trong nhiệm kỳ 2022- 2027 cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao vai trò nòng cốt của Hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.
Bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương ghi nhận các ý kiến đóng góp sâu sát, thiết thực, phù hợp với thực tiễn; các bài viết đã xoay quanh chủ đề hội thảo cũng như nêu được các căn cứ lý luận về công tác phụ nữ, lý thuyết về giới, về pháp luật, nữ quyền và các cái vấn đề đặt ra đối với hệ thống Hội trong tình hình hiện nay. Một số vấn đề mới cũng đã được phân tích tại hội thảo như vấn đề an ninh phi truyền thống, bạo lực trên không gian mạng, vấn đề về chuyển đổi xanh…
Ý kiến của các đại biểu cũng sẽ là nền tảng quan trọng để đề xuất các giải pháp thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII
Qua đó, Phó Chủ tịch đề nghị Hội đồng khoa học cơ quan TW Hội tiếp thu những ý kiến thảo luận nhằm giúp Hội định hướng hoạt động nghiên cứu trong năm 2025 liên quan đến vấn đề lý luận về công tác phụ nữ hiện nay cũng như hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc thù như phụ nữ cao tuổi và trẻ em. Ý kiến của các đại biểu cũng sẽ là nền tảng quan trọng để đề xuất các giải pháp thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.