Thanh Hoá: Hỗ trợ phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế với mô hình nuôi lợn
- Tổ hợp tác nuôi lợn nái đen của phụ nữ xã Tam Lư, huyện Quan Sơn
Hỗ trợ phụ nữ, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá. Đặc biệt, thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2021-2025, mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi lợn nái đen bản địa” (xã Tam Lư, huyện Quan Sơn) được sự hỗ trợ từ nguồn tin nhắn 1400 ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đã giúp hội viên được hỗ trợ sinh kế, từng bước cải thiện đời sống.
Để triển khai mô hình, Hội LHPN huyện Quan Sơn đã khảo sát nhu cầu của hội viên, phụ nữ xã để nắm bắt nhu cầu nguyện vọng, lựa chọn thành viên tham gia, lập danh sách đề xuất hỗ trợ. Năm 2022, mô hình chăn nuôi lợn đen giống bản địa do phụ nữ làm chủ được thành lập gồm 10 thành viên là các hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật tham gia, các thành viên tham gia mô hình được hỗ trợ 100 triệu đồng, mua 6 con lợn nái và 44 lợn con giống. Con giống được lựa chọn phù hợp với điều kiện và khí hậu tại địa phương; chất lượng thịt lợn chắc, thơm, được thị trường rất ưa thích và xuất bán được giá, đảm bảo thu nhập cho gia đình thành viên.
Việc thành lập mô hình giúp cho các thành viên liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, giám sát, giúp nhau chăm sóc con giống phát triển tốt; phát triển, mở rộng đàn lợn; phát huy lợi thế của kinh tế tập thể, tạo cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, góp phần tăng cường phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Kết quả, sau 1 năm thực hiện, tổng đàn lợn đã nâng lên 199 con, xuất bán 139 con, tổng số tiền thu được 333 triệu đồng, trừ chi phí, thu lãi về 193 triệu đồng/10 hộ.
Mô hình nuôi lợn nái đen bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho chị em. Qua 1 năm thực hiện đã có 3/10 hộ thoát nghèo góp phần tích cực vào chương trình phát triển kinh tế giảm nghèo, nâng cao chất lượng tiêu chí xã nông mới của địa phương. Thông qua mô hình, hội viên được nâng cao kỹ năng chăn nuôi, trao đỏi kinh nghiệp sản xuất, tạo sự gắn bộ đoàn kết, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội.
- Tổ hợp tác nuôi lợn tại bản Cú Tá, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh
Tổ hợp tác (THT) nuôi lợn tại bản Cú Tá, xã Tam Văn (Lang Chánh, Thanh Hoá) thành lập năm 2020 và được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 8 con lợn nái cho 8 thành viên. Từ 8 con giống ban đầu, các hộ chăn nuôi tăng lên 21 con lợn nái và tiếp tục nuôi sinh sản lợn con để trao cho hộ khó khăn khác. Đến nay, THT đã trao con giống cho 52 hội viên nuôi, nâng tổng đàn đến thời điểm kiểm tra hết quý II/2024 là 123 con, cả lợn con, lợn giống và lợn thành phẩm.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao con giống cho thành viên mô hình HTX nuôi gà ri do phụ nữ làm chủ xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước
Hội viên Lữ Thị Hà, thành viên THT được nhận con giống nuôi ngay từ khi mới thành lập để phát triển kinh tế hộ gia đình đã chăm chút con giống và vươn lên thoát nghèo. Hiện tại gia đình chị có 1 nái mẹ, 8 lợn con, 6 con lợn thành phẩm, 4 con trâu và gia cầm các loại. Đầu năm 2024, gia đình chị Lữ Thị Hà đã chia sẻ cho gia đình chị Lữ Thị Thắm 1 con lợn con để gia đình chị Thắm chăm sóc, có điều kiện thoát nghèo như gia đình chị.
Bên cạnh mô hình nuôi lợn, để thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026: Mỗi cơ sở hội giúp ít nhất 5 hộ, toàn tỉnh giúp ít nhất 2.800 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; đến cuối nhiệm kỳ giảm tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ còn dưới 2%, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã đa dạng và cụ thể hóa nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ, trong đó có giúp nhau ngày công, con giống, vốn, kiến thức... Năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã trao hơn 4.700 con giống cho HTX chăn nuôi tổng hợp do phụ nữ làm chủ xã Lương Ngoại (Bá Thước, Thanh Hoá). Mỗi thành viên của HTX là hộ nghèo được hỗ trợ 150 con gà giống, 3 bao thức ăn; hộ cận nghèo được hỗ trợ 140 con gà giống, 1 bao thức ăn, tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Đến nay, các thành viên HTX đang duy trì sản xuất tốt, đã có gà thương phẩm bán và gây giống để trao cho hộ nghèo khác nuôi. Hình thức chia sẻ giống cây, con cho hội viên khó khăn được đẩy mạnh ở các cơ sở hội thông qua thành lập các mô hình tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, như: tổ liên kết, HTX, THT. Các mô hình hoạt động bài bản, có xây dựng quy chế hoạt động và góp quỹ duy trì hoạt động. Đối với các hộ tham gia mô hình chăn nuôi được hỗ trợ bò, lợn, dê giống sinh sản, gà, vịt và thức ăn; các hộ tham gia mô hình trồng trọt được hỗ trợ giống cây ăn quả (bưởi, ổi, chanh leo...) và phân bón phù hợp với điều kiện kinh tế và tập quán sản xuất của địa phương. Các hộ nhận giống cây, con phải cam kết chăm sóc tốt, không tự ý chuyển giao cho hộ khác nuôi, không tự ý giết thịt, đổi sang trồng giống cây khác... Và phải tiếp tục chia sẻ một phần thành quả của mình giúp đỡ hộ khó khăn khác để tiếp tục lan tỏa ý nghĩa nhân văn của mô hình. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mô hình “Ngân hàng bò/trâu” do Hội LHPN tỉnh chỉ đạo đã được nhân rộng và trao 51 con, trị giá trên 500 triệu đồng. Riêng “Ngân hàng bò cái sinh sản” của Hội LHPN Như Thanh đã duy trì được 303 con; các cấp hội LHPN huyện Quan Sơn vận động, hỗ trợ trao 60 con lợn giống, trị giá 90 triệu đồng cho gia đình hội viên khó khăn... Toàn tỉnh có 78.061 lượt phụ nữ nghèo được các cấp hội, hội viên, phụ nữ giúp bằng nhiều hình thức (ngày công, cây con giống, vay không tính lãi...) tổng trị giá gần 50 tỷ đồng. Các cấp hội đã giúp 5.621 phụ nữ nghèo thoát nghèo, thoát cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 3,52%. |