Tạo thói quen bảo vệ môi trường
Phân loại rác tái chế để xây dựng mô hình biến rác thành tiền gây quỹ cho trẻ em, phụ nữ nghèo trên toàn tỉnh
“Xanh” từ nhà
Nhờ sự tích cực hưởng ứng của HV Hội LHPN xã Quảng Vinh, Quảng Điền và sự hỗ trợ kinh phí của hội LHPN các cấp, những “ngõ xanh” ở thôn Cổ Tháp (xã Quảng Vinh) đã thành hình hài, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thôn. Không những tuyến đường thôn được nâng cấp cao ráo, sạch đẹp, mà những cổng hoa, cổng cây xanh do HV phụ nữ các hộ gia đình thực hiện đã khiến cho các hộ dân thêm xanh, đẹp…
Đang chăm chút, cắt tỉa lại cổng hoa nhà mình, chị Lê Thị Thu, HV phụ nữ thôn Cổ Tháp hào hứng: Vốn yêu thích cây cối, hoa lá nên khi hội LHPN xã xây dựng mô hình “ngõ xanh”, tôi rất vui và hưởng ứng nhiệt tình. Trồng cây xanh, hoa lá ở trước nhà không những đẹp xóm, đẹp làng mà nhà mình đẹp trước tiên. Đi làm về thấy cái cổng hoa xinh xinh cũng bớt mệt mỏi. Không chỉ riêng tôi mà sau khi phát động, tất cả HV ở chi hội đều tích cực tham gia, hưởng ứng.
Chị Trần Thị Phương Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Điền cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN huyện Quảng Điền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động HV phụ nữ nâng cao nhận thức và hành động giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hội đã gắn phong trào xây dựng Thừa Thiên Huế xanh, sạch, sáng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bằng các hoạt động BVMT, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hiện, 100% cơ sở hội vận động HV, phụ nữ tiếp tục duy trì hoạt động phối hợp ra quân thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh". Các cơ sở hội đã trồng, chăm sóc hơn 11 nghìn cây hoa các loại tại các điểm công cộng; duy trì 8 mô hình "ngõ xanh" và 50 tuyến đường hoa trên toàn huyện.
Mấy năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, HV, Hội LHPN, phường Phú Thượng đã thay thế hẳn các chất tẩy rửa công nghiệp trong nhà bằng enzyme bồ hòn.
Chị Hoa cho biết, sau khi được Hội LHPN phường hướng dẫn và hỗ trợ các nguyên, vật liệu, tôi đã bắt tay làm thử và thấy cũng khá đơn giản. Mới đầu dùng enzyme bồ hòn để rửa chén, lau chùi không quen nhưng khi dùng quen thì “mê” luôn. Không riêng tôi, mà rất nhiều chị em phụ nữ cùng làm và sử dụng. Tôi còn làm để bán cho những chị em bận rộn không có thời gian làm.
Thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều mô hình để góp phần thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và xây dựng lối sống yêu thiên nhiên, BVMT đến với từng hội phụ nữ như: Điểm xanh văn hóa, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ theo phương pháp IMO, phân loại rác thải tái chế ngay từ hộ gia đình, 60 phút sạch nhà đẹp ngõ, 1 hố rác 1 cây xanh, biến rác thành tiền… đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, ý nghĩa và có sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của HV, phụ nữ trong việc BVMT và giúp HV gắn kết hơn.
Nhân rộng những mô hình hiệu quả
Gia đình có thửa đất rộng, sau khi xây nhà chị Hoàng Ý Hương, Phú Thượng chừa lại môt mảnh vườn để trồng các loại cây ăn quả. Mua phân bón hóa học vừa tốn tiền vừa gây nguy cơ cằn cỗi đất, nên chị Hương, đã tận dụng rác thải hữu cơ để ủ phân vi sinh theo phương pháp IMO mà Hội LHPN phường đã tập huấn, hướng dẫn. Từ khi được bón phân hữu cơ, vườn cây ăn quả của chị Hương không những luôn xanh tốt mà cho năng suất rất cao.
Mô hình “phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa” (viết tắt là IMO) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, được Hội LHPN tỉnh triển khai rộng khắp, đến từng cơ sở hội và từng HV. Hiện, các hộ đã sử dụng phương pháp ủ phân bằng phương pháp vi sinh bản địa để hạn chế lượng rác thải hằng ngày tại các hộ gia đình nhằm tạo ra chế phẩm phân bón để bón cho cây trong nhằm thay thế lượng phân hóa học bón cho cây. Để mô hình được triển khai bài bản, có chiều sâu và thực sự mang lại hiệu quả, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trường đại học Nông Lâm Huế tập huấn chuyển giao công nghệ, cách xử lý rác thải hữu cơ.
Qua hơn 2 năm triển khai, hiện nay, toàn tỉnh đã có 405 mô hình với 5.195 thành viên tham gia, mang lại hiệu quả cao. Việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa góp phần từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của hội viên và người dân trong việc tham gia BVMT. HV, phụ nữ đã dần thay đổi thói quen sử dụng dung dịch thay thế cho phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, cộng đồng.
Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Với sự phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động, mô hình hiệu quả, thiết thực, các cơ sở hội phụ nữ đã tạo nên phong trào BVMT, “Phụ nữ sống xanh” có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, HV phụ nữ và Nhân dân. Qua đó, góp phần giữ gìn môi trường sống, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.