Video

Quảng Trị: Hiệu quả từ mô hình “Phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”

13/11/2023
Với mục đích tuyên truyền vận động phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở triển khai, tuyên truyền toàn thể cán bộ hội viên thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tập trung vận động cán bộ hội viên tham gia thực hiện tốt mô hình “Phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quế Phượng (thứ 4 từ trái qua) cùng lãnh đạo xã tặng thùng rác và men vi sinh cho các HVPN tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng

Từ thực trạng cán bộ hội viên và người dân trên địa bàn huyện chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều trong khi công tác thu gom, phân loại xử lý còn hạn chế và đặc biệt là phải trả chi phí không nhỏ trong công tác vận chuyển, xử lý, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Phụ nữ Quảng Trị thực hiện phong trào giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường, hướng tới cộng đồng phát triển bền vững”, giai đoạn 2021-2025. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên phụ nữ về công tác bảo vệ môi trường, thu gom phân loại và xử lý rác tại nguồn. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia thực hiện vệ sinh môi trường được Hội LHPN cơ sở quan tâm, triển khai thực hiện gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động bằng những việc làm cụ thể như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường với những hình thức phong phú; tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải tại nơi công cộng, tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, tổng dọn vệ sinh các tuyến đường khu dân cư vào chiều thứ bảy hàng tuần; trồng cây xanh; thu gom phân loại rác thải tại hộ gia đình; vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường... chăm sóc các tuyến đường hoa gắn với thực hiện “Đoạn đường phụ nữ tự quản”...

Ra mắt mô hình Ngôi nhà xanh tại thôn Linh An, thôn xây dựng mô hình điểm gia đình 5 có 3 sạch

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh còn phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành từ huyện tới cơ sở thường xuyên trực tiếp hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình tại các hộ gia đình. Ngoài ra, các cấp Hội cũng tổ chức các Chương trình “Đổi rác thải (tái chế) lấy làn nhựa, nhu yếu phẩm, cây xanh, các vật dụng phòng chống dịch Covid-19”; đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 250 mô hình “Ngôi nhà xanh” gây quỹ tình thương, đến nay có 121 mô hình, CLB, tổ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni long”, “Dùng làn nhựa đi chợ”. Nhờ các cấp Hội chủ động sáng tạo trong công tác truyên truyền vận động và hiệu quả mà mô hình mang lại đã ngày càng thu hút đông đảo cán bộ hội viên tham gia, từ chỉ có hơn 30% gia đình hội viên phụ nữ tham gia đến nay toàn tỉnh đã vận động được 88 xã với 37.739 thành viên tham gia mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, trong đó có 248 mô hình “Phân loại xử lý rác tại hộ gia đình”.

Chị Lê Thị Làn, hội viên phụ nữ chi hội Vân Tường thực hiện xây dựng hố xử lý rác hữu cơ 2 ngăn tại hộ gia đình

Thông qua mô hình “Phân loại xử lý rác tại hộ gia đình” đã từng bước thay đổi nhận thức, tạo thói quen về thực hiện thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình của cán bộ, hội viên vì vậy lượng rác thải hữu cơ đưa ra môi trường được giảm thiểu đáng kể. Bên cạnh đó, việc xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh giúp cho hội viên có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn sức khỏe; giảm được áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác môi trường, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao, góp phần tích cực vào thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương.

Thu Hòa

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả