Quảng Nam: 195 trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại huyện Thăng Bình thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu”

Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn 100% cơ sở Hội cùng đồng loạt phát động trong cán bộ, hội viên phụ nữ; đồng thời kêu gọi sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, đơn vị và sự hưởng ứng của các nhà hảo tâm bằng nhiều hình thức kêu gọi, từ trực tiếp đến vận động, gửi thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, thông báo trên đài truyền thanh…
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, do Hội LHPN huyện quản lý. Trên cơ sở danh sách trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện được khảo sát, Hội đã gửi thư ngỏ và danh sách trẻ em mồ côi đến cho các đơn vị, cá nhân nhằm kêu gọi sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng. Sau khi tổng hợp bản đăng ký của các mạnh thường quân về việc nhận đỡ đầu trẻ mồ côi có họ tên, địa chỉ, số tiền, thời gian hỗ trợ cho trẻ cụ thể và có sự xác nhận của chính quyền nơi trẻ cư trú, Hội sẽ phân công cán bộ đến làm việc trực tiếp với từng “Mẹ đỡ đầu” và lãnh đạo địa phương để xác nhận lại việc nhận hỗ trợ. Việc trao hỗ trợ được thực hiện trực tiếp từ các “Mẹ đỡ đầu” với sự chứng kiến theo dõi của Hội hoặc ủy nhiệm để Hội trao và có hình ảnh gửi đến các “Mẹ đỡ đầu”. Việc hỗ trợ cho các cháu không chỉ dừng lại ở vật chất mà các “Mẹ đỡ đầu” và Hội thường xuyên đến thăm hỏi, quan tâm đến đời sống tinh thần, việc học tập của các cháu. Vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tết thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu, nhân dịp năm học mới, Hội và các “Mẹ đỡ đầu” đều đến thăm và tặng quà để giúp các em có được niềm vui, động lực, sự ấm áp trong cuộc sống và tiếp sức giúp các em vững bước hơn trên con đường đến trường.
Qua 3 tháng kêu gọi, triển khai thực hiện kế hoạch, vào tháng 3/2022 Hội LHPN huyện đã tổ chức Chương trình để các “Mẹ đỡ đầu” được gặp gỡ những đứa con của mình. Có 58 cháu được nhận đỡ đầu, số tiền hỗ trợ từ 200.000đ – 1.000.000đ/tháng/cháu. Trong đó, cán bộ Hội LHPN huyện nhận đỡ đầu 1 cháu với số tiền 400.000đ/tháng. Với phương châm “Các cấp Hội, cán bộ Hội gương mẫu, đi đầu trong thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, đỡ đầu trẻ em mồ côi” và ngay sau khi Hội LHPN huyện phát động, 100% cơ sở Hội đồng loạt hưởng ứng tổ chức thực hiện. Đến nay, 23/23 cơ sở Hội đã kêu gọi các đơn vị, tổ chức cá nhân nhận đỡ đầu được 113 cháu, nâng tổng số trẻ được nhận đỡ đầu cả cấp huyện và cơ sở là 195 cháu.
Chương trình đã dần tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện của cả cộng đồng nhằm góp phần cùng chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
“Mẹ đỡ đầu” là 1 trong 5 mô hình được tuyên dương tại Diễn đàn “Hành trình theo chân Bác”
Chia sẻ về những tâm đắc của Hội về chương trình, bà Phan Thị Thùy Trang, HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thăng Bình chia sẻ: “Mỗi cơ sở mỗi cách làm khác nhau, đa dạng, linh hoạt nhưng có điểm chung là lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội, các cháu trẻ mồ côi nhận thêm nhiều tình yêu thương. Mong rằng với ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc, chương trình sẽ tiếp tục được lan tỏa và nhận được sự đồng thuận ủng hộ của các cán bộ, hội viên phụ nữ, tiếp tục xây dựng, đóng góp, hình thành mạng lưới để quản lý chương trình, tăng cường kết nối, huy động ngày càng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ để mang yêu thương đến với những em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm động lực vượt qua hoàn cảnh, vươn lên vì một tương lai tươi sáng hơn”.
Mô hình “Mẹ đỡ đầu cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn” là một trong 05 mô hình tiêu biểu được tuyên dương tại Diễn đàn “Hành trình theo chân Bác” do Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức vào tháng 11/2022 và được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình vì đã có thành tích tốt trong thực hiện mô hình góp phần nhân rộng các mô hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Thăng Bình năm 2022.