Video

Phụ nữ và thuốc lá ở Việt Nam: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

03/11/2023
Giống như nhiều quốc gia khác ở châu Á, tỷ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam nhiều hơn nữ giới, nam giới là 42,3% và nữ giới chỉ là 1,7%.[1] Nhưng trên thực tế, thuốc lá đã và đang gây ra nhiều tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của phụ nữ do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá và hút thuốc thụ động.
Đội thi Bắc Giang tham gia hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông “Gia đình có sức khoẻ - Không khói thuốc” với tiểu phẩm Sức khoẻ là quý nhất

Từ thực tế trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội LHPN Việt Nam cùng phối hợp để tìm hiểu và làm rõ những mối đe dọa tiềm ẩn với sức khỏe phụ nữ gây ra bởi thuốc lá và sự cần thiết trong việc tăng cường các chính sách kiểm soát thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ Việt Nam.

Thuốc lá có hại cho phụ nữ

Thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất có thể dẫn đến tử vong cho ít nhất một nửa số người sử dụng. Sử dụng mọi loại thuốc lá đều có hại, bao gồm thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử hoặc vapes, các sản phẩm thuốc lá nung nóng (HTP) và shisha. Tại Việt Nam, một nghiên cứu năm 2006 ước tính mỗi năm có ít nhất 40.000 người chết do sử dụng thuốc lá, và con số này có xu hướng tiếp tục gia tăng [2], do đó số tử vong hiện nay nhiều khả năng sẽ cao hơn rất nhiều.

Tác động của thuốc lá đối với phụ nữ ở Việt Nam thường không được chú ý vì đây là nhóm đối tượng rất ít hút thuốc. Tuy nhiên, với tổng dân số của nước ta, thì tỷ lệ 1,7% phụ nữ Việt Nam hút thuốc, tương đương với hơn 400.000 phụ nữ đang sử dụng thuốc lá và những trường hợp này có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và các bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư miệng, họng và hệ tiêu hóa, bàng quang, tuyến tụy, thận, ung thư vú và cổ tử cung. Đây là thực trạng đáng báo động cần phải có hành động kịp thời.

Ảnh minh hoạ (nguồn ảnh internet)

Khói thuốc thụ động cũng là nguyên nhân gây hại cho phụ nữ

Mặc dù, phụ nữ ở Việt Nam ít hút thuốc hơn nam giới nhưng 48,2% phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động độc hại tại nhà và 25,4% phụ nữ hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc.[1]

Trong thời gian ngắn, việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể gây ra các tác động gây viêm và ảnh hưởng niêm mạc hô hấp ngay trong vòng 60 phút sau khi tiếp xúc và kéo dài ít nhất ba giờ sau đó. Về lâu dài, việc này có thể gây ra bệnh tim, mạch vành, đột quỵ, ung thư phổi, ung thư vú ở phụ nữ và các bệnh khác cũng như tử vong sớm.[3]

Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ. Ước tính có hơn 19.000 người ở Việt Nam chết do hút thuốc lá thụ động vào năm 2019, phần lớn (khoảng 60%) trong số những ca tử vong này là phụ nữ.[4]

Hút thuốc và khói thuốc thụ động ảnh hưởng nghiêm trọng tới phụ nữ mang thai và gây hại cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ảnh minh hoạ 

Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có sự sụt giảm đáng kể trong phản ứng rụng trứng và thụ tinh ở những người hút thuốc là phụ nữ trong lứa tuổi sinh nở. Vì vậy, hút thuốc lá kể cả chủ động và thụ động có thể gây vô sinh ở phụ nữ. Hút thuốc trong khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và sinh non, sinh con yếu ớt, nhẹ cân; làm tăng gấp đôi nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và dị tật bẩm sinh ở trẻ. [5, 6]

Phụ nữ tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong khi mang thai cũng có thể làm tăng 23% nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh và tăng 13% nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ.[6]

Trẻ em sống với người hút thuốc có nhiều nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn, bệnh tai giữa và tử vong khi dưới 5 tuổi. Việc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc cũng khiến trẻ em thường gặp phải những vấn đề liên quan đến hành vi và có khả năng tiếp thu kiến thức kém hơn ở trường. Ngoài ra, gần 70% trẻ em có bố mẹ hoặc người chăm sóc hút thuốc sẽ có khả năng thử hút thuốc ở tuổi 15.[6]

Các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đang nhắm vào trẻ em gái và phụ nữ

Nhận thấy rằng trẻ em gái và phụ nữ ở Việt Nam là những “khách hàng” tiềm năng chưa được khai thác, ngành công nghiệp thuốc lá đã không ngừng nhắm đến phụ nữ bằng các hoạt động tiếp thị và quảng cáo gắn việc hút thuốc với thời trang, sự quyến rũ, độc lập, khẳng định bản thân và quyền lực.

Trong những năm gần đây, chiến thuật trên đã được sử dụng ở Việt Nam để tiếp thị các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có hại này, chủ yếu qua kênh thương mại điện tử trực tuyến và thông qua mạng xã hội.[7]

Điều này đã gây ra rất nhiều hậu quả: Khoảng 1,5% học sinh nữ từ 13 đến 17 tuổi đã bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử. Tỷ lệ này thậm chí còn cao khoảng hơn gấp đôi (3,6%) ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.[8] Mặc dù hiện nay, thuốc lá điện tử chưa được phép lưu hành ở Việt Nam, nhưng trên thực tế chúng đang trở nên phổ biến hơn, đặc biệt được ưa thích trong giới trẻ.

Tác hại của thuốc lá điện tử đối với trẻ em, thanh thiếu niên, nam giới và phụ nữ

Thuốc lá điện tử thường chứa nicotin và các hóa chất khác có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch và hô hấp.

Nicotine gây ra những rủi ro sức khỏe đặc biệt đối với trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai. Tiếp xúc với nicotine khi còn trong bụng mẹ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, giảm thính lực và béo phì sau này. Đối với trẻ em và vị thành niên, nicotine ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ, khả năng học tập và khả năng kiểm soát tâm trạng. Nghiện nicotine cũng làm tăng nguy cơ nghiện các chất có hại khác như rượu và ma túy.[9]

Ảnh minh hoạ

Thuốc lá điện tử khiến người dùng tiếp xúc với khí/khói thuốc chứa nhiều chất độc hại, bao gồm cả các hóa chất gây ung thư. Sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra hội chứng tổn thương phổi cấp (viết tắt là EVALI). Ở Mỹ, hội chứng này đã khiến cho hơn 2.800 trường hợp phải nhập viện và 68 trường hợp tử vong vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.[10] Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử cũng có liên quan đến việc gia tăng khả năng sử dụng ma túy.[11]

Gần đây, tại Việt Nam, đã có sự gia tăng đáng báo động về tình trạng ngộ độc ở học sinh - thường là trẻ em gái do sử dụng thuốc lá điện tử hoặc nuốt phải tinh dầu thuốc lá điện tử. Bộ Y tế đã có những cảnh báo về nguy cơ sức khỏe của thuốc lá điện tử sau khi sử dụng khiến nhiều trẻ em, thanh thiếu niên phải vào viện cấp cứu.[12, 13]

Trẻ em gái và phụ nữ đối mặt với rủi ro từ việc trồng cây thuốc lá

Mặc dù trồng cây thuốc lá chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam, nhưng trẻ em gái và phụ nữ phải đối mặt với những tác hại đặc biệt từ việc trồng cây thuốc lá. Là lao động chính của ngành thuốc lá, phụ nữ và trẻ em đặc biệt dễ bị ngộ độc nicotine khi xử lý lá thuốc lá xanh, đồng thời, tiếp xúc với hóa chất độc hại và khói thuốc lá trong quá trình sấy lá. Phụ nữ mang thai và thai nhi phải đối mặt với rủi ro lớn hơn, bao gồm cả nguy cơ sảy thai.[14]

Cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ phụ nữ

Hiện nay, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống nạn dịch thuốc lá. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đối tác khác đã và đang tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, trẻ em và cộng đồng về tác hại của thuốc lá và hút thuốc lá thụ động. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức và chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa.

Ưu tiên chính là tăng cường thực thi các quy định của pháp luật về môi trường không khói thuốc, điều rất quan trọng để bảo vệ phụ nữ và cộng đồng khỏi khói thuốc thụ động. Cần thực hiện nghiêm việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, chúng ta phải có biện pháp phòng ngừa ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm vào phụ nữ để thay thế lượng nam giới hút thuốc lá có xu hướng giảm dần.

Để ngăn chặn được điều này, biện pháp quan trọng nhất là phải tăng thuế và giá thuốc lá để khuyến khích những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc lá và giảm sức hấp dẫn của việc hút thuốc đối với những người khác, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái.

Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cũng cần tăng cường việc thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ đối với các sản phẩm thuốc lá và sản phẩm chứa nicotine, bao gồm cả thuốc lá điện tử; Đẩy mạnh các nỗ lực cấm bán các sản phẩm thuốc lá và nicotine mới (vì hiện các sản phẩm này đều là hàng lậu) là yếu tố hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và giám sát việc phòng chống tác hại thuốc lá để giúp giới trẻ, đặc biệt là trẻ em gái hạn chế tiếp xúc và bị cám dỗ bởi thuốc lá điện tử hay các sản phẩm tương tự khác.

Nếu chúng ta có thể ngăn chặn một người nào đó bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ còn trẻ, thì điều đó giống như một loại vắc-xin bảo vệ họ suốt đời khỏi việc hút thuốc, bởi vì mọi người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ trưởng thành.

Bằng cách thực hiện các biện pháp này, Việt Nam có thể bảo vệ phụ nữ - đặc biệt là phụ nữ trẻ và trẻ em gái - khỏi tác hại của thuốc lá và nicotine.

Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới sức khỏe, tri thức, góp phần tạo nên một Việt Nam khỏe mạnh hơn!

Bài viết bởi:

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và

Bà Hà Thị Nga, Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

WHO có lịch sử lâu dài hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để phòng chống tác hại của thuốc lá, như một phần trong tầm nhìn của WHO để đạt được mức độ sức khỏe cao nhất có thể cho tất cả mọi người. Tìm hiểu thêm tại www.who.int/vietnam

Trong nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai các chương trình truyền thông về sức khỏe và các chương trình khác nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để họ có thể sống khỏe mạnh. Tìm hiểu thêm tại http://vwu.vnhttps://hoilhpn.org.vn.

Chương trình mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) và tuần lễ Quốc gia không thuốc lá do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế - Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức năm 2015

Tài liệu tham khảo

1.         Bộ Y tế Việt Nam, Khảo sát Toàn cầu sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) cấp tỉnh. 2020. 2021.

2.         D.T. Levy, et al., Vai trò của chính sách công trong giảm hút thuốc lá và tử vong do hút thuốc lá ở Việt Nam: Kết quả từ mô hình mô phỏng chính sách thuốc lá Việt Nam. Social Science & Medicine, 2006. 62(2006): p. 1819–1830.

3.         Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ. Các vấn đề sức khỏe do khói thuốc thụ động gây ra. 2022  [cited 2023 18 tháng 5]; Available from: https://www.cdc.gov/tobacco/secondhand-smoke/health.html

4.         Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME). Tử vong do tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại Việt Nam. 2019  [cited 2023 18 tháng 5]; Available from: https://vizhub.healthdata.org/gbd-results?params=gbd-api-2019-permalink/5cb5a0b4c37666f0c5f7e0bc2c3d2129.

5.         Jonathan M. Samet and Soon-Young Yoon, eds. Giới, phụ nữ và nạn dịch thuốc lá 2010, WHO

6.         WHO, Kiểm soát thuốc lá để cải thiện sức khỏe trẻ em và phát triển. 2023.

7.         Dương Hải, Vạch trần các chiêu trò marketing thuốc lá thế hệ mới nhắm vào giới trẻ, in Sức Khỏe & Đời Sống. 2020.

8.         Bộ Y tế Việt Nam, Khảo sát Sức khỏe Trường học Toàn cầu Việt Nam 2019 2021.

9.         Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh niên và thanh niên: Báo cáo của Phẫu Thuật Viên Trưởng 2016, Atlanta, GA: Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Trung tâm Quốc gia về Phòng chống Bệnh Mãn tính và Nâng cao Sức khỏe, Văn phòng Hút thuốc và Sức khỏe.

10.       Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Hoa Kỳ). Bùng phát tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử hoặc các sản phẩm Vaping. 2021  18/05/2023]; Available from: https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/e-cigarettes/severe-lung-disease.html.

11.       Trivers KF, et al., Tỷ lệ sử dụng cần sa trong thuốc lá điện tử trong giới trẻ Hoa Kỳ. JAMA Pediatr, 2018. 172(11): p. 1097–1099.

12.       Viet Nam News Agency, Bộ Y tế Việt Nam đưa ra báo động về việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh in Mạng Tin tức Châu Á (Asia News Network). 2023: Hà Nội.

13.       Lã Nghĩa Hiếu, Quảng Ninh: Nhiều học sinh nhập viện cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử, in Thanh Niên. 2023.

14.       WHO. Hỏi đáp: Ngày Thế giới không thuốc lá 2023 – Hãy trồng lương thực chứ không phải thuốc lá. 2023  [cited 2023 18 tháng 5]; Available from: :https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/world-no-tobacco-day-2023---grow-food--not-tobacco.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Bà Hà Thị Nga, Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả