Video

Phụ nữ là nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

06/11/2024
Sáng 6/11, nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp tuyên truyền về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 - 2027 của Bộ Tài nguyên & Môi trường và TW Hội LHPN Việt Nam, Ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam và Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại Diễn đàn “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn” được tổ chức sáng 6/11

Tham dự Diễn đàn có sự góp mặt của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, đại diện lãnh đạo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia, nhà khoa học có nghiên cứu về môi trường; lãnh đạo các vụ/ban liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, TW Hội LHPN Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội LHPN TP. Hà Nội và 200 hội viên, phụ nữ trên địa bàn Hà Nội.

Vấn đề chất thải rắn sinh hoạt - thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng

Diễn đàn “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng về vai trò, trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để bảo vệ môi trường; tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan, kết nối các nhà lãnh đạo, nhà khoa học và các mô hình khởi nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tiết mục văn nghệ với thông điệp về bảo vệ môi trường

Trong những năm qua, với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề chất thải rắn sinh hoạt đã và đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước mỗi ngày khoảng gần 68 nghìn tấn, riêng khu vực đô thị phát sinh khoảng hơn 38 nghìn tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng gần 28 nghìn tấn/ngày; khoảng 3,9 triệu tấn rác nhựa mỗi năm, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông và hơn 80% số túi ni lông đó bị thải bỏ chỉ sau một lần dùng. Đáng chú ý, 70% chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt, vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, nước, vừa gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể gây lãng phí một lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt có thể tái chế, tái sử dụng do người dân chưa có thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Vì vậy, việc tái chế chất thải rắn sinh hoạt không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, là khâu quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và hiện thực hóa cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 (Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, năm 2021).

Phụ nữ tiên phong, chủ động, sáng tạo mang đến thay đổi tích cực cho cộng đồng

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định: “Phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng là những người tiên phong, chủ động, sáng tạo mang đến những thay đổi tích cực cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế hướng tới việc tái sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tác động tiêu cực đến môi trường”.

Phụ nữ là những người tiên phong, chủ động, sáng tạo mang đến những thay đổi tích cực cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Đặc biệt với tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam được đánh giá đứng thứ hạng cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 27,2%, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% và chiếm hơn 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam. Sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, trong đó nhiều doanh nghiệp nữ quyết tâm ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới mô hình sản xuất theo hướng bền vững mang đến các dịch vụ về chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, các sáng kiến thúc đẩy tiêu dùng xanh, thể hiện trách nhiệm xã hội, đem lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng góp phần quan trọng vào chu trình phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Với trách nhiệm của mình, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt thông qua cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào “Chống rác thải nhựa”, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ với nhiều giải pháp toàn diện thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế của chị em trên khắp mọi miền đất nước. 

Các cấp Hội khuyến khích các sáng kiến tạo ra các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường

Các cấp Hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho hội viên, phụ nữ và người dân trong việc thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; khuyến khích các sáng kiến tạo ra các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, có giá trị thực tiễn cho cộng đồng góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.

Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong tái chế, tái sử dụng tài nguyên từ nguồn chất thải rắn sinh hoạt của các cấp Hội phụ nữ được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng hướng tới đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ 01/01/2025.

Thông qua Diễn đàn, Phó Chủ tịch bày tỏ tin tưởng và mong rằng hội viên, phụ nữ sẽ tiếp tục tích cực thực hiện, vận động gia đình, người thân chủ động tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thúc đẩy tiêu dùng xanh trong cộng đồng góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến sự phát triển bền vững.

Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn

Diễn đàn bao gồm hai phiên với chủ đề “Vai trò phụ nữ và cộng đồng trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” và “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn”. Tại đây, các đại biểu, chuyên gia đã chia sẻ những thông tin hữu ích về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, những lợi ích quan trọng từ việc phân loại chất thải; các mô hình hiệu quả của các cấp Hội Phụ nữ trong phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng được tiếp cận với những thông tin từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, đơn vị truyền thông về kinh nghiệm thực tiễn phát huy vai trò của phụ nữ trong việc triển khai mô hình phát triển kinh tế xanh, sản xuất sạch góp phần bảo vệ môi trường; những sáng kiến, giải pháp, thuận lợi, khó khăn, thách thức của phụ nữ cũng như cộng đồng trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

 

* Chương trình phối hợp tuyên truyền về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 - 2027 của Bộ Tài nguyên & Môi trường và TW Hội LHPN Việt Nam được ký kết nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động hỗ trợ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, xây dựng mô hình về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là nội dung về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân; từ đó nâng cao nhận thức và hình thành thói quen của các tầng lớp Nhân dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, từ đó giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, coi chất thải là tài nguyên, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và đảm bảo môi trường bền vững.

Trong đó, tập trung vào các nội dung hoạt động:

(1) Tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật, văn bản về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các cấp Hội Phụ nữ; trên hệ thống truyền thông của Hội LHPN Việt Nam (Cổng thông tin điện tử của Hội LHPN Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tờ Thông tin Phụ nữ, fanpage của Hội LHPN Việt Nam, fanpage Phụ nữ sống xanh và hệ thống fanpage của các tỉnh/thành Hội) và trên hệ thống truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

(2) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sự kiện phù hợp về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong các chiến dịch, sự kiện lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tuần lễ quốc gia Nước sạch – Vệ sinh môi trường (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5), Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” (tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm), “Ngày Quốc tế không rác thải ” (ngày 30/3 hàng năm)...

(3) Vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, tổ chức, cơ sở thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn nhân rộng một số mô hình, điểm sáng, gương điển hình về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại cơ sở để nhân rộng trên cả nước.

(4) Tổ chức giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân hội viên, phụ nữ.

Minh Trang

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả