Phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Phát biểu tại buổi lễ, bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Trong các chiến lược phát triển quốc gia và chính sách phát triển ngành của nước ta, giới và môi trường nói chung, phụ nữ và môi trường nói riêng là một trong những vấn đề xuyên suốt, đồng thời là mục tiêu quan trọng được xác định. Trong công việc, cuộc sống hàng ngày, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới, với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, nên phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.
Tại một số nước, trong đó có Việt Nam, phụ nữ thường gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe do sự phơi nhiễm các chất ô nhiễm. Phụ nữ nghèo thường ít được tiếp cận các quyền sử dụng đất, giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ khuyến nông, tài chính..., điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các nguồn cung tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn chế, cùng các vấn đề môi trường khác. Nhưng mặt khác, phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh, chăm sóc cho gia đình; và được xem là những nhà giáo dục đầu tiên, do đó nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng, hay người quản lý thì phụ nữ cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại Lễ ký kết
Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc ra quyết định liên quan đến quản lý rác thải không phải chỉ là mục tiêu bình đẳng giới, mà còn là để sử dụng hiệu quả tư duy, kỹ năng đa dạng, hiệu quả của phụ nữ trong quản lý môi trường và phát triển bền vững.
Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của lực lượng phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, Hội LHPN Việt Nam xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nhiều nhiệm kỳ qua, thông qua Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phong trào "Chống rác thải nhựa". Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác thải; tái chế rác thải nhựa… đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng; khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội trong bảo vệ môi trường.
Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã xác định bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa 11 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", tiếp tục khẳng định "lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu", "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế".
"Với định hướng đó, Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường và Hội LHPN Việt Nam là việc làm hết sức có ý nghĩa, là sự cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, góp phần thực hiện quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (với 6 điều quy định rõ ràng về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt)", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định.
Ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại Lễ ký kết
Tại buổi lễ, ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ tình hình môi trường hiện nay tại Việt Nam cũng như vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường và những thách thức sắp tới. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận với vai trò là tổ chức đại diện cho phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã luôn quan tâm chỉ đạo, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường.
Hội LHPN Việt Nam là một trong những tổ chức đặc biệt tích cực, đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng, tiêu biểu có thể kể đến các kết quả thiết thực từ phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường và Hội LHPN Việt Nam ký cam kết thực hiện từ năm 2018.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã góp phần tích cực thay đổi trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường tại cộng đồng. Các mô hình phụ nữ thu gom phế liệu, “biến rác thành tiền”, “phân loại rác thải tại nhà”, “đổi rác thải nhựa mua bảo hiểm y tế”... đã khẳng định vai trò của phụ nữ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như khẳng định sự đồng hành của Hội LHPN Việt Nam với Bộ Tài nguyên & Môi trường trong công tác quan trọng này.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 - 2027 giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường và Hội LHPN Việt Nam sẽ góp phần thu hút toàn thể nhân dân tham gia công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đóng góp có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường nhằm đạt được các mục tiêu về Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Nội dung phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tài nguyên & Môi trường: 1. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật, văn bản về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các cấp Hội Phụ nữ; trên hệ thống truyền thông của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Cổng thông tin điện tử của Hội LHPN Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tờ Thông tin Phụ nữ, fanpage của Hội LHPN Việt Nam, fanpage Phụ nữ sống xanh và hệ thống fanpage của các tỉnh/thành Hội) và trên hệ thống truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sự kiện phù hợp về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong các chiến dịch, sự kiện lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tuần lễ quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5), Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” (tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm), “Ngày Quốc tế không rác thải ” (ngày 30/3 hàng năm)... 3. Vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, tổ chức, cơ sở thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn nhân rộng một số mô hình, điểm sáng, gương điển hình về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại cơ sở để nhân rộng trên cả nước. 4. Tổ chức giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân hội viên, phụ nữ. |
Cam kết của Hội LHPN Việt Nam: - Tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng, thiết thực để nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ và nhân dân trong bảo vệ môi trường nói chung và công tác phân loại, thu gom, tái chế rác thải nói riêng. - Chủ động xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt. - Tiếp tục nghiên cứu, đóng góp, đề xuất chính sách phù hợp giúp phụ nữ tham gia hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường; đưa những hành động, việc làm bảo vệ môi trường, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn trở thành thói quen, thành nếp sống văn hóa của mỗi gia đình và toàn xã hội. |