Video

Nữ “kiến trúc sư” chống lụt

27/05/2023
Với phương châm: “Không carbon, không rác thải, không nhà tài trợ vì không đói nghèo”, nữ kiến trúc sư đầu tiên của Pakistan, bà Yasmeen Lari đã thiết kế và phát triển nhà chống lũ cũng như bếp sinh thái cho các cộng đồng nông thôn ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu.
Kiến trúc sư Yasmeen Lari bên ngôi nhà bằng tre chống lũ lụt.

Là một quốc gia đông dân thứ năm trên thế giới và đói nghèo, Pakistan chịu trách nhiệm cho dưới 1% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này lại là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các hiện tượng thời tiết cực đoan do sự nóng lên toàn cầu gây ra. AP dẫn một thống kê tại Pakistan cho thấy, hàng triệu ngôi nhà đã bị phá hủy trong các thảm họa thiên nhiên liên tiếp trong những năm gần đây, từ trận động đất năm 2005 đến lũ lụt năm 2010.

Mùa hè năm 2022, có tới một phần ba đất nước Pakistan đã bị nhấn chìm trong trận lũ lụt kỷ lục, khiến 8 triệu người phải đi lánh nạn. Trong thảm họa thiên nhiên đó, những ngôi nhà bằng tre mà bà Lari phát triển đã phát huy tác dụng. Tại làng Pono Colony, cách thành phố Karachi của Pakistan khoảng 200 km, hàng trăm ngôi nhà bằng tre được xây dựng trước trận lũ lụt bất thường đó đã cứu được nhiều gia đình ở các vùng nông thôn nghèo khó. Cấu trúc nâng cao của những ngôi nhà này cho phép nước chảy ào ạt xuống dưới sàn nhờ những cây tre neo sâu trong lòng đất chống lại áp lực.

Một trong những thiết kế đáng chú ý của bà Lari là túp lều hình trụ, được người dân tỉnh Sindh, phía nam Pakistan gọi là “chanwara”. Đây là phiên bản nâng cấp của nhà một mái truyền thống nằm rải rác ở tỉnh Sindh. Những ngôi nhà “chanwara” được xây dựng bằng vật liệu sẵn có tại địa phương như vôi, đất sét, tre và tranh. Với sự hướng dẫn của chuyên gia, các gia đình có thể tự lắp ráp nhà với chi phí 170 USD và dễ dàng di chuyển.

Kiến trúc sư Lari nhớ lại, ý tưởng thiết kế “chanwara” xuất hiện trong lần bà tham gia dự án xây dựng nhà ở xã hội ở bang Lahore, phía đông Pakistan vào những năm 1970. Khi đó, một phụ nữ đã hỏi bà câu hỏi tưởng chừng vu vơ: “Những con gà mái sống ở đâu?”. “Câu hỏi đó khắc sâu trong ký ức của tôi. Nhu cầu của phụ nữ thật sự là mối quan tâm của tôi khi thiết kế các dự án”, bà Lari nói.

Ngày nay, trọng tâm của kiến trúc sư Lari không còn là chuồng gà mà là cách bố trí của những chiếc bếp lò truyền thống, được đặt cao và trang bị ống khói để thoát khói. “Trước đây, bếp đặt trên sàn nhà rất mất vệ sinh. Trẻ nhỏ đốt lửa, chó hoang liếm chảo và vi trùng lây lan”, bà Lari giải thích. Kiến trúc sư nhấn mạnh: “Nhìn thấy phụ nữ trở nên độc lập và có phương tiện để làm mọi việc khiến tôi rất vui”.

Sinh năm 1941 tại Dera Ghazi Khan, Pakistan, Lari theo gia đình chuyển đến Anh khi cô mới 15 tuổi. Lari sau đó theo học ngành kiến trúc tại Đại học Oxford Brookes. Bà là kiến ​​trúc sư nổi tiếng, tác giả của một số tòa nhà đáng chú ý nhất ở Karachi, như trụ sở Trung tâm Tài chính và Thương mại, Công ty Dầu khí quốc gia (PSO), nhưng bà Lari thích đưa bí quyết của mình phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất.

Bà đã thành lập Hiệp hội Lari ở Karachi và thông qua Quỹ Di sản Pakistan, bà đã hỗ trợ xây dựng 50.000 ngôi nhà tự xây bền vững và hơn 80.000 bếp sinh thái. Bà Lari là người ủng hộ việc sử dụng các vật liệu truyền thống như bùn, vôi hay tre và đã sử dụng chúng để tạo ra những ngôi nhà nông thôn The Lari Octa Green ở Makli. Theo bà, việc sử dụng “những kiến thức và kỹ thuật cổ xưa” có thể giảm lượng khí thải carbon trong các công trình. Những dự án gần đây của bà bao gồm trung tâm cộng đồng bằng tre khổng lồ ở Makli, dự án tạo ra gạch đất nung cho một con phố ở trung tâm Karachi trong quá trình làm việc với các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.

Với nỗ lực cống hiến vì cuộc sống của cộng đồng người yếu thế, bà Yasmeen Lari vừa được trao giải “Royal Gold Medal 2023” của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh (RIBA), trở thành phụ nữ đầu tiên được trao giải này nhờ nỗ lực làm thay đổi đời sống người dân Pakistan trong 23 năm qua.

nhandan

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả