Những 'bông hồng' ngày đêm giữ sạch môi trường
Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) có nhiều chuyển biến tích cực. Đóng góp vào thành quả chung đó có sự nỗ lực không nhỏ của tập thể nữ công nhân đến từ HTX Dịch vụ Môi trường Kim Đông. Cùng với người dân trong xã, những “bông hồng thép” nơi đây đang ngày đêm nỗ lực gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại địa phương.
Tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn (Ninh Bình), bên cạnh sự phát triển về kinh tế, bảo vệ môi trường luôn là tiêu chí được Đảng bộ và nhân dân quan tâm, nhằm xây dựng một địa phương giàu mạnh bền vững.
Năm 2018, tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ của cấp trên và tận dụng nguồn nội lực hiện có, Đảng bộ, chính quyền xã Kim Đông đã mạnh dạn xây dựng một nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn xóm 6 xã Kim Đông với công suất xử lý 20 tấn rác/ngày. Đến năm 2019, nhà máy xử lý rác thải đã hoàn thành xong việc xây dựng, song vấn đề đặt ra lúc này là đội ngũ nhân lực chưa đảm bảo.
Được sự động viên, hỗ trợ từ UBND xã Kim Đông, Hội Phụ nữ Huyện Kim Sơn, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, tháng 10/2019, HTX Dịch vụ Môi trường Kim Đông chính thức được thành lập với 17 thành viên, gồm 5 người trong ban quản lý và 12 công nhân. Họ đều là những nữ cán bộ từng công tác tại Hội Phụ nữ của xã.
Quy trình xử lý khoa học
Chia sẻ với VnBusiness, bà Nguyễn Thị Xuân – Giám đốc HTX Dịch vụ Môi trường Kim Đông cho biết, những ngày đầu thành lập bà và các công nhân trong HTX cũng chỉ xử lý rác theo cách mà nhiều mô hình cũ vẫn làm: thu gom, mang về lò đốt, loại rác nào không đốt được thì chôn lấp.
Tuy nhiên, do phụ thuộc quá nhiều vào lò đốt, rác thải bị tồn đọng nhiều, lại gây ô nhiễm không khí và đất. Nhận thấy phương pháp cũ không phù hợp, bà Xuân bắt đầu tìm hiểu cách để phân loại và xử lý rác thải sao cho khoa học, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên quý giá từ rác.
“Ban ngày tôi làm việc ở nhà máy, buổi tối về mở điện thoại và sách báo ra nghiên cứu. Ngoài đọc tài liệu, tôi còn đi hỏi những người nuôi tôm công nghiệp trong xã về cách họ xử lý chất thải để áp dụng cho công việc của mình”, bà Xuân chia sẻ.