Video

Những “địa chỉ tin cậy” trong phòng, chống bạo lực gia đình

08/07/2024
Qua 3 năm thực hiện Mô hình điểm “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình, góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng địa phương.
Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình

Địa chỉ tin cậy cộng đồng" tại thôn Tân Bình (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) là 1 trong 3 mô hình điểm được Hội LHPN tỉnh xây dựng vào cuối năm 2022 nhằm góp phần phát hiện, tiếp nhận kịp thời tin báo về vụ việc bạo lực gia đình ở địa phương. Từ đó nhanh chóng tổ chức can thiệp để giải tỏa hoặc làm chấm dứt hành vi bạo lực gây tổn thương hoặc có khả năng gây tổn thương về thể xác, tinh thần, kinh tế... cho nạn nhân ở các thôn đặc biệt khó khăn. 

Chị Triệu Thị Kim - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Bình, Phó Chủ nhiệm Mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" cho hay, mô hình được khảo sát lựa chọn nhà chị Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn làm địa chỉ tạm lánh, đây là khu vực đông dân cư, giao thông đi lại thuận tiện, điều kiện vật chất, nơi tạm lánh đáp ứng các yêu cầu đề ra. Cùng với việc tập huấn về kỹ năng phát hiện, lên tiếng, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và kỹ năng vận hành mô hình cho Ban Chủ nhiệm, thành viên tham gia, Hội LHPN xã còn tổ chức các buổi tuyên truyền về kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Từ khi vận hành mô hình đến nay đã phối hợp hòa giải, động viên nắm tình hình 2 vụ bạo lực gia đình trên địa bàn nên chưa có nạn nhân bị bạo lực tạm lánh. Qua đó góp phần nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, từng bước phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân nói chung và hội viên phụ nữ trên địa bàn nói riêng. 

Theo bà Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" là một trong các mô hình hoạt động can thiệp của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 được Hội LHPN triển khai. Mô hình là cơ sở cung cấp chỗ ở, tạm lánh và bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình (đa số là phụ nữ và trẻ em) tại các “Địa chỉ tin cậy”, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. 

Tại các "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" còn tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới và kỹ năng để phòng tránh bạo lực gia đình... tạo môi trường lành mạnh trong gia đình, cộng đồng. Mô hình đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và đoàn thể chính trị- xã hội, đặc biệt là Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, Ban Công an, Tổ hòa giải và Hội LHPN xã, phối hợp với dòng họ, gia đình, người quen biết ngay tại cộng đồng để hòa giải, tư vấn, hỗ trợ nhằm ngăn ngừa và phòng, chống bạo lực gia đình xảy ra.

Qua 3 năm triển khai thí điểm, Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” đã góp phần bảo vệ phụ nữ và trẻ em, những người yếu thế trong xã hội tránh khỏi bạo lực gia đình, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Nhờ làm tốt công tác nắm bắt tình hình, đồng thời thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên thời gian qua tại địa bàn các thôn, xã thực hiện mô hình không có tình trạng bạo lực gia đình và nạn nhân tạm lánh tại “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, không có đơn thư đề nghị xử lý về bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em. Đến nay, ngoài 3 mô hình điểm do Hội LHPN tỉnh thành lập, Hội LHPN huyện Di Linh đã triển khai nhân rộng thêm 2 Mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại Thôn 5, xã Đinh Trang Thượng và thôn Ka Sá, xã Gia Bắc.

“Địa chỉ tin cậy cộng đồng” là một mô hình thiết thực, là chỗ dựa đáng tin cậy của nhiều phụ nữ. Thông qua mô hình đã thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhiều người dân hơn cũng như chuyển biến tích cực trong nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình và hướng đến xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ cách làm”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cil Bri chia sẻ.

https://baolamdong.vn/

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả