Nhân lên giá trị “xanh”
Từ hành động nhỏ….
Chị Đặng Thị Ghến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Mỹ cho biết, từ những buổi tập huấn ban đầu của dự án phi chính phủ CWS về nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, Hội Phụ nữ xã đã nghĩ đến việc thu gom nilon, chai, lọ nhựa để làm gạch sinh thái. Trước đây, rác thải nhựa được các gia đình thu gom, đốt tại hố rác của nhà nhưng còn không ít hộ vẫn chưa có ý thức trong việc thu gom, xử lý rác thải nhựa.
Những ngày đầu vận động hội viên phụ nữ thu gom rồi hướng dẫn chị em làm gạch sinh thái vấp phải nhiều khó khăn. Chị Ghến cùng với các chi hội trưởng cứ lặng lẽ làm, vừa làm vừa vận động các hội viên khác. Chị Ghến bảo, gọi là gạch sinh thái nhưng đó là những chai nhựa, bên trong được nhồi chặt nilon nên nó có thể chịu được áp lực. Vì vậy, có thể sử dụng những chai nhựa này làm gạch để xây dựng các công trình như bàn ghế, khuôn viên, vườn hoa…
Việc thay đổi thói quen của người dân không phải là việc có thể làm ngay được mà phải tuyên truyền nhiều lần. Nghĩ như vậy nên chị Ghến và nhiều chi hội trưởng đã nêu gương từ việc làm nhỏ nhất. Chị Ghến cùng các chi hội trưởng phụ nữ nêu gương tự mình thu gom, phân loại rác thải của gia đình mình trước. Nilon hay chất thải nhựa sau khi sử dụng được các chị rửa sạch, phơi khô rồi cắt nhỏ cho vào chai, lọ nhựa cho đến khi đầy chai. Trong nhà mỗi chị đều có sẵn một chiếc thùng thu gom và phân loại. Mỗi tháng, mỗi gia đình có thể làm được từ 5 đến 10 chai nhựa hay còn gọi là viên gạch sinh thái như vậy. Chị Ghến đi họp thôn hay đến từng chi hội cũng mang theo những chai nhựa bên mình để làm công tác tuyên truyền, vận động chị em làm theo.
Chị Ma Thị Vấn, chi hội trưởng phụ nữ thôn Ngầu 2 cho biết, ban đầu vận động rất ít hội viên thực hiện. Chị Vấn tự phân loại tại gia đình mình trước rồi vận động các thành viên trong gia đình mình cùng hỗ trợ. Từ đó, việc thu gom, phân loại rác thải trong gia đình chị để làm gạch sinh thái đã trở thành thói quen. Chị còn đi đến các gia đình thu gom rác thải nhựa, nilon về để làm gạch sinh thái. Tháng đầu tiên, chị và các thành viên trong gia đình làm được gần 100 viên gạch sinh thái. Chị mang toàn bộ số gạch này cùng với các chi hội trưởng khác để làm bàn ghế cho xã. Hai bộ bàn ghế được xây dựng từ gạch sinh thái đã xua tan đi những băn khoăn, lo lắng của các chị em và người dân trong xã về khả năng chịu lực của những viên gạch sinh thái được làm từ nilon và chai nhựa.
Bồn hoa được xây dựng từ những viên gạch sinh thái.
… Nhân lên phong trào làm gạch sinh thái
Hiện nay, Hội Phụ nữ xã Hùng Mỹ có 7 chi hội, trong đó có 6 chi hội đã triển khai việc thu gom, phân loại và làm gạch sinh thái đến 100% gia đình hội viên. Không chỉ có hội viên phụ nữ mà nhà trường, người dân cũng có ý thức thu gom, phân loại để làm gạch sinh thái. Chị Đặng Thị Hồng, thôn Ngầu 2 cho biết: “Nhà mình từ trẻ nhỏ đến người già giờ hạn chế dùng túi nilon. Túi nilon đã qua sử dụng gia đình mình để riêng rồi gom lại, cắt cho vào các chai nhựa. Làm gạch sinh thái cũng kỳ công những mỗi ngày một hành động nhỏ thì sẽ giúp ích rất nhiều cho môi trường”.
Từ những chai, lọ nhựa được phụ nữ và nhân dân ở đây chế tạo thành những viên gạch sinh thái làm bàn ghế cho xã, làm bồn hoa tại các nhà văn hóa thôn, làm lọ hoa trang trí… Phong trào thu gom rác thải nhựa để làm gạch sinh thái ở Hùng Mỹ là mô hình đầu tiên của phụ nữ trong tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, nhân lên giá trị xanh cho cộng đồng. Chị Ghến bảo, mục tiêu quan trọng nhất của phong trào này là để nhân dân nhận thức được việc hạn chế dùng các sản phẩm từ nhựa như túi ni lông, chai nhựa... Và nếu có sử dụng thì cần biết cách thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Hàng năm, xã Hùng Mỹ đều tổ chức ngày hội vệ sinh môi trường, một trong các nội dung của ngày hội đó là các thôn thi làm các công trình, đồ dùng có ích từ rác thải nhựa. Phong trào thu gom rác thải nhựa để làm gạch sinh thái từ hội phụ nữ cũng lan đến tất cả các trường học. Cô giáo Ma Thị Cảnh, Tổng Phụ trách Đội trường Tiểu học Hùng Mỹ cho biết, hàng tháng Đội đều phát động chương trình thu gom rác thải nhựa để làm gạch sinh thái. Các em đều rất hào hứng tham gia.
Chị Hà Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chiêm Hóa cho biết, phong trào thu gom rác thải nhựa để làm gạch sinh thái giờ không chỉ có ở Hùng Mỹ mà đã được nhiều Hội Phụ nữ các xã học tập và bắt đầu thực hiện như Bình Phú, Yên Lập, Minh Quang… Phong trào này sẽ còn lan rộng hơn nữa vì đây thực sự là việc làm có ý nghĩa thiết thực, chung tay bảo vệ môi trường.
Phong trào làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa ở Hùng Mỹ chỉ là một hành động nhỏ góp phần bảo vệ môi trường, nhưng đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng đến người dân, làm thay đổi ý thức tự giác của người dân trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa và xử lý rác thải nhựa có lợi cho môi trường.