Ngôi nhà bình yên cho nạn nhân bị bạo lực gia đình
Mô hình địa chỉ tin cậy được thành lập với 25 thành viên tham gia. Hội LHPN xã đã tiến hành khảo sát, lựa chọn nhà chị chi hội phó chi hội phụ nữ thôn làm địa chỉ tạm lánh, đây cũng là khu vực đông dân cư, giao thông đi lại thuận tiện, điều kiện vật chất, nơi tạm lánh đáp ứng các yêu cầu đề ra. Để hỗ trợ mô hình hoạt động, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã trao hỗ trợ các vật dụng thiết yếu như giường, tủ quần áo, nồi cơm điện, bếp, bát đũa, ấm nước... giúp nạn nhân có điều kiện sinh hoạt, ổn định tư tưởng trong thời gian tạm lánh.
Từ khi thành lập đến nay, mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng đã tổ chức được 15 buổi tuyên truyền về các kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... với 876 lượt người tham dự; phát hơn 2.000 tờ rơi tuyên truyền; phối hợp hòa giải, động viên nắm tình hình 02 vụ bạo lực gia đình trên địa bàn.
Nhờ thường xuyên nắm bắt tình hình, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên thời gian qua tại địa bàn thôn, xã không có tình trạng bạo lực gia đình và nạn nhân tạm lánh tại “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, không có đơn thư đề nghị xử lý về bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em.
Chị Triệu Thị Kim - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thanh, Phó chủ nhiệm mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" chia sẻ: mặc dù ban đầu mô hình mới thành lập gặp không ít khó khăn, rào cản như: một số thôn chưa thực sự quan tâm đến công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; nguồn kinh phí duy trì hoạt động của mô hình khó khăn; một số nạn nhân có tính cam chịu không dám tố cáo hành vi bạo lực, sợ hàng xóm dị nghị nên khó khăn khi tiếp cận để giúp đỡ nạn nhân…nhưng với lòng nhiệt tình, tâm huyết, các thành viên của Địa chỉ tin cậy đã không nản lòng, thường xuyên nắm bắt tình hình, tư tưởng của người dân để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và giữ gìn hôn nhân hạnh phúc, sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ khi cần thiết và kịp thời báo cáo, phản ánh về Địa chỉ, từ đó chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Song song với công tác tuyên truyền phòng ngừa, Hội LHPN xã Tân Thanh còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tạo nền tảng thúc đẩy các hoạt động của Địa chỉ tin cậy, chú trọng xây dựng các mô hình phù hợp với nhu cầu thiết thân của phụ nữ như: nuôi heo đất tiết kiệm, hỗ trợ sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn. Bên cạnh đó, mô hình Địa chỉ tin cậy không những là nơi tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, mà còn là nơi để các hội viên phụ nữ gặp gỡ, trao đổi chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa của người bị bạo lực; các thành viên mô hình luôn bảo đảm an toàn, thông tin bí mật về người báo tin và nạn nhân bị bạo lực.
Không chỉ là nơi tạm lánh nạn, hòa giải, tư vấn, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” còn là cầu nối giúp nạn nhân nắm được những kiến thức về pháp luật để bảo vệ sự an toàn của bản thân khi tính mạng bị đe dọa; đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ và người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, vận động chị em xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.