Video

Nghệ An: Người có uy tín là phụ nữ - Con dâu bản Khe Ló

06/09/2022
Người có uy tín trong cộng đồng DTTS thường là đàn ông đứng tuổi. Thế nhưng ở Nghệ An lại có đến hàng chục Người có uy tín là nữ, đặc biệt ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có 5 Người có uy tín là những phụ nữ xuất sắc
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Người có uy tín bản Khe Ló Lương Thị Tâm: “Em cứ lặng lẽ làm để bà con tin vậy”

Người có uy tín trong cộng đồng DTTS thường là đàn ông đứng tuổi. Thế nhưng ở Nghệ An lại có đến hàng chục Người có uy tín là nữ, đặc biệt ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông có 5 Người có uy tín là những phụ nữ xuất sắc. Rất tiếc chúng tôi chỉ gặp được 3 người trong số họ, mà ai cũng “càng xin nghỉ thì phiếu càng cao”.

Tôi kể cho chị Lương Thị Tâm câu chuyện trong bộ phim “Hạnh Phúc đến Vạn Gia”, rằng Hạnh Phúc là một cô gái trẻ, thông minh và can đảm. Cô về làm dâu thôn Vạn Gia, vừa đấu tranh với cái xấu, cái cũ ở đó, vừa làm ăn rất giỏi, lại thương người, có trách nhiệm xã hội… Dần dần, từ không thích tính cách của Hạnh Phúc, bà con đã suy tôn cô làm người đứng đầu của thôn. Nghe xong câu chuyện, Tâm ngượng ngùng: “Em cũng từ Châu Khê về làm dâu bản Khe Ló, cũng được bà con bầu làm Trưởng bản, Người có uy tín, nhưng em không xuất sắc như nhân vật anh vừa kể đâu”.

Bí xanh mọc trên đất xấu

Không hiểu sao, từ khi gặp Lương Thị Tâm ở bản Khe Ló, tôi lại nhớ đến nhân vật Hạnh Phúc trong bộ phim truyền hình Trung Quốc - “Hạnh Phúc đến Vạn Gia”. Quê Tâm ở xã Châu Khê, theo chồng về làm dâu bản Khe Ló và được bà con bầu làm Trưởng bản, Người có uy tín; được Chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư. Tâm kể, những ngày mới về làm dâu, thấy bản nghèo quá, cô có rất nhiều ý tưởng để bà con cùng nhau thoát nghèo. Ngặt là mình mới về, nói chưa ai nghe. “Thế là cứ lặng lẽ làm cho người ta tin đã”, Tâm chia sẻ.

Bản Khe Ló có 35 ha đất nông nghiệp, nhưng không phải chân ruộng nào cũng có nước tưới thuận lợi, nhất là 2,5 ha sát với đường cái quan. Tâm mở đầu “công cuộc” chuyển đổi cây trồng bằng cách thuê 1.500 m2 đất của người quen để trồng bí xanh. Đã bao đời nay, bà con cứ mặc định, đó là đất lúa, nên nhiều người ái ngại cho ý tưởng của Tâm. Sau vụ bí đầu tiên, quả trĩu cành, lại được giá, nên sau đó cả 2,5 ha đất ruộng xấu kia đã trở thành “vựa” bí. Tâm cho biết, bí xanh cho thu hoạch 2 vụ 1 năm. Nếu như trồng lúa chỉ được 3,5 triệu đồng thì mô hình bí xanh gấp đến gần 10 lần - 34 triệu đồng.

Bà con bản Khe Ló chăm sóc ruộng bí xanh

Không những thế, đôi vợ chồng trẻ còn tích cực chăn nuôi, chồng đi làm ăn xa, vợ sớm hôm tần tảo. “Rồi mình sẽ có con, chúng nó phải được chăm sóc tốt, phải được học hành đầy đủ… Khi còn trẻ phải chịu khó lam lũ, dành dụm. Không lẽ mình còn trẻ mà lại cam chịu đói nghèo sao”, Tâm nói như thế.

Tâm còn mạnh dạn nói với bọn trẻ trong bản nên đi học nghề, có nghề trong tay sẽ không còn nghèo nữa. Tâm cho biết: “Em nói thế mà chúng nó nghe thật. Anh biết không, cả bản có đến 40 em đi xuất khẩu lao động, mấy chục em đi học nghề, giờ chúng nó đều có công ăn việc làm cả rồi, gửi tiền về giúp gia đình nhiều lắm. Anh xem, bản Khe Ló chúng em bây giờ, nhà cửa khang trang, đường sá đẹp đẽ”.

Xóa sổ các hủ tục

Đời sống của bà con bản Khe Ló không còn khốn khó như trước, đã có đến 70 gia đình thuộc diện khá giả trên tổng số 145 hộ dân. Ngoài tích cực làm ăn, phát triển kinh tế, một nguyên nhân để hộ nghèo ở bản Khe Ló liên tục giảm là những hủ tục trong sinh hoạt gây tốn kém, lãng phí được xóa sổ.

Tâm kể, hồi trước, cứ có một người qua đời là cả bản lại tập trung ăn uống mấy ngày. Mỗi ngày giết thịt 1 con lợn, gọi là tấu, tốn kém lắm. Có nhà phải làm đến 6 con lợn, xong đám tang thì nợ nần cũng đầm đìa. Đám cưới cũng thế, 1 ngày cưới nhà gái, 2 ngày cưới nhà trai, ăn uống, nhậu nhẹt linh đình thâu đêm suốt sáng… “Nhậu nhẹt thế, ăn uống thế, không nợ, không nghèo mới lạ”, con dâu của bản Khe Ló thốt lên.

Phụ nữ xã Môn Sơn tham quan mô hình bí xanh

Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng bản và là Người có uy tín, Lương Thị Tâm đã chủ động bàn bạc với các đoàn thể Nhân dân trong bản, cùng quyết tâm xóa sổ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới việc tang.

Tâm kể, trong bản có thầy mo Ngân Văn Đoàn, là giáo viên nghỉ hưu, rất có uy tín. Em tìm gặp ông để bàn bạc, không thể ngờ, chính ông là người đầu tiên “di chúc” cho cháu con, khi ông qua đời không được tổ chức đám tang linh đình, không được để quá 24 giờ đồng hồ… Lại không ngờ, một thời gian ngắn sau thì ông qua đời. Gia đình đã làm đúng theo di nguyện của người quá cố. Kể từ sau đám tang thầy Đoàn, ở bản Khe Ló, khi có người qua đời, nhà nào cũng tổ chức trang trọng mà gọn nhẹ, tiết kiệm. Rồi một trăm phần trăm bà con đã hưởng ứng ký cam kết thực hiện nếp sống mới.

Người có uy tín Lương Thị Tâm tỏ ra rất phấn khích khi nói về việc cưới: “Thanh niên bây giờ khác xưa rồi. Không còn làm đám cưới linh đình những mấy ngày nữa đâu. Các em ý thức rất rõ rằng, cưới to thì nợ nhiều, không dại gì sau ngày cưới lại phải è cổ để trả nợ, trả đến mấy năm vẫn chưa hết nợ. Có những cặp tân hôn, cưới nhau buổi trưa thì buổi chiều đã lên xe trở về công ty để kịp ca làm việc sáng mai”.

Giới thiệu với tôi về những con đường bê tông tinh tươm của bản, con dâu bản Khe Ló cũng không quên khoe: Từ năm 2020, bản em đã được công nhận là bản nông thôn mới rồi. Tôi chào người đứng đầu bản Khe Ló bằng cách lặp lại câu chuyện đầu buổi: Em giống như “Hạnh Phúc đến Vạn Gia” vậy.

baodantoc

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả