Video

Nâng cao nhận thức và hành động chung tay phòng, chống mua bán người

30/07/2020
Sáng 29/7, tại Trung tâm Văn hóa huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, diễn ra buổi truyền thông về "Phòng, chống mua bán người" và phiên tòa giả định về công tác “Phòng, chống mua bán người”. Chương trình do Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công an và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu khai mạc buổi truyền thông "Phòng, chống mua bán người" sáng 29/7 tại Nghệ An

Phát biểu tại buổi truyền thông, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm của tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái pháp luật. Giai đoạn 2016- 2020, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai.

Nạn nhân của mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái nhưng nam giới và trẻ em trai cũng là nạn nhân của mua bán người vì mục đích bóc lột lao động, thậm chí để lấy nội tạng. Thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và ở quy mô ngày càng mở rộng. Từ thực trạng phần lớn nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số, nhiều năm nay, các cấp Hội đã đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, góp phần phòng ngừa từ gốc của nạn mua bán người. Nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người tại cộng đồng, ở vùng miền núi, vùng cao, biên giới, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống đã được tổ chức; các hoạt động tư vấn cho phụ nữ có ý định di cư, kết hôn với người nước ngoài, trực tiếp hỗ trợ nạn nhân, xây dựng các mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về đã được triển khai ở nhiều địa phương.

Tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa tặng quà cho 10 phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn

Ở huyện Con Cuông, Hội LHPN đã xây dựng vận hành CLB "Lá chắn"; CLB "Phòng chống mua bán người", hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán trở về… Mặc dù có nhiều cố gắng giải quyết nhưng tình hình tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn phức tạp. Một vài nguyên nhân được chỉ ra là nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế; thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi; sự phối hợp của các cấp, các ngành thiếu đồng bộ.

Chính vì vậy, sự kiện truyền thông này là dịp để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống mua bán người, chủ động phòng ngừa tội phạm. Cũng tại sự kiện này đã diễn ra "Phiên tòa giả định" do luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và cộng sự đến từ Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM thực hiện, có sự tương tác với người dân.

Quang cảnh phiên tòa giả định

Tình huống giả định được đưa ra tại phiên tòa: Đầu năm 2019, qua điện thoại Lò A Pá đã làm quen với Kha Thị Tím và Hù Thị Xá trú tại xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Đến tháng 4/2019, Pá về Nghệ An chơi ở huyện Con Cuông và gặp Thào Chí Sinh (là chú họ của Pá). Khi gặp nhau, Pá nói chuyện với Sinh là quen Kha Thị Tím, Hù Thị Xá và có ý định lừa đưa sang Trung Quốc bán để lấy tiền tiêu nhưng chưa biết ai mua.

Lúc này, Sinh nói "tao có mối bên Trung Quốc, nếu con gái trẻ thì được giá khoảng 15.000 NDT/người, già và xấu thì rẻ hơn, mày quen biết chúng nó thì rủ đi chơi rồi đưa lên Hà Giang để lừa đưa sang Trung Quốc bán, được tiền tao và mày chia nhau".

Sáng ngày 16/5/2019, Lò A Pá gọi điện cho Kha Thị Tím và Hù Thị Xá nói dối là ở trên Hà Giang có ông chủ có nhu cầu thuê người làm trả mức lương cao, nếu muốn thì Pá sẽ dẫn đi giúp xin việc làm.

Tham gia buổi truyền thông có các đại biểu tỉnh Nghệ An, người dân huyện Con Cuông.

Nghe vậy, Tím và Xá tin nên đồng ý cùng Pá đi tìm việc làm. Pá gọi điện thoại thông báo cho Sinh biết và hẹn Sinh cùng nhau tìm cách đưa Tím, Xá tới thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Trên đường đi, Sinh giả vờ hỏng xe và gọi điện thoại cho Pá quay lại đón Xá để Sinh đi sửa xe máy. Sau đó, Sinh đi về nhà, còn Pá chở Tím và Xá tiếp tục theo đường liên xã đến khu vực giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Khoảng 19 giờ cùng ngày, Pá dựng xe máy vào bụi cây ven đường rồi đưa Tím và Xá đi bộ khoảng 300m sang biên giới Trung Quốc. Tại đây, họ gặp 3 người đàn ông Trung Quốc cùng 1 chiếc xe ô tô sơn trắng loại 9 chỗ. 

Tím và Xá sau khi bị lừa bán cho các đối tượng người Trung Quốc đã bị đưa sâu vào nội địa đất nước Trung Quốc đến một nhà người dân tộc Mông không rõ họ, tên, địa chỉ và bị giữ ở đó.

Tại đây Tím và Xá được biết đã bị mua về làm vợ, nếu bỏ trốn sẽ bị giết. Lợi dụng lúc sơ hở khi đi làm nương, ngày 19/11/2019, Tím đã bỏ trốn được và đến Công an Trung Quốc trình báo rồi được giải cứu trao trả về Việt Nam qua đường cửa khẩu tiểu ngạch.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (thứ 2 từ trái qua) tham dự phiên tòa giả định với tư cách bảo vệ quyền lợi cho bị hại.

Ngày 25/11/2019, tại Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An, bị hại Kha Thị Tím tố cáo toàn bộ hành vi phạm tội của các bị cáo Lò A Pá và Thào Chí Sinh. Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An, cả 2 bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội như trên.

Căn cứ các tình tiết và chứng cứ nêu trên. Lò A Pá và Thào Chí Sinh là những người có năng lực về hành vi biết rõ việc bán người ra nước ngoài để hưởng lợi là hành vi pháp luật nghiêm cấm nhưng vì tư lợi các bị cáo đã bán 2 chị Kha Thị Tím và Hù Thị Xá qua Trung Quốc.

Hành vi của các bị can đã phạm vào tội "Mua bán người" được quy định tại điểm d, đ khoản 2 Điều 150 Bộ luật hình sự.

Phiên tòa giả định với những con người giả định nhưng để lại những bài học ý nghĩa cho chị em phụ nữ. Hiện nay tình trạng "Mua bán người" trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, gia tăng cả về tính chất và mức độ, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên. Vì vậy, công tác giáo dục tuyên truyền cho những thanh niên nhận thức được việc cảnh giác với các đối tượng xa lạ trên mạng xã hội.

PNVN

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả