Lâm Đồng: Hiệu quả từ mô hình “Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu gây quỹ giúp hội viên nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”
Mô hình được thành lập với 50 thành viên là những tuyên truyền viên tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và Nhân dân thu gom rác thải nhựa, các loại giấy, báo cũ, vỏ lon bia, nước ngọt, sắt vụn.
Được biết, ngôi nhà xanh được thiết kế bằng khung thép cao 1,7m, rộng 1m, lợp mái tôn, có khóa, bọc lưới sắt xung quanh, gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển. Ngôi nhà xanh thứ nhất được đặt tại địa chỉ số 429 đường 2/4 Nghĩa Lập 3 (nhà chi hội trưởng phụ nữ), ngôi nhà xanh thứ 2 đặt tại số 8/2 Nguyễn Chí Thanh (điểm công cộng) để tiện cho người dân, hội viên, phụ nữ đi qua đường bỏ phế liệu hàng ngày.
Thời gian đầu, thói quen bỏ rác thải như chai lọ, sắt vụn, bìa các tông, hộp xốp bừa bãi còn khá phổ biến; nhiều chị em phụ nữ còn chưa ý thức đối với việc thu gom phế liệu, bán lấy tiền ủng hộ quỹ, cho rằng việc thu gom gây mất thời gian trong khi tiền thu về chẳng đáng là bao. Vì vậy, khi xây dựng mô hình còn gặp không ít khó khăn. Ban Chủ nhiệm và các thành viên của mô hình đã đến từng hộ gia đình tuyên truyền, kiên trì vận động và chia sẻ mục đích, ý nghĩa của việc thành lập mô hình; đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ. Với rác thải hữu cơ, các gia đình đào hố rác để chôn lấp và tận dụng làm phân bón, với rác thải vô cơ (rác thải không tái chế được), các gia đình sẽ tự thu gom, sau đó đưa đến nơi tập kết để xử lý tập trung. Các rác thải tái chế được như vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy… mỗi gia đình tích góp lại để ủng hộ cho ngôi nhà xanh. Sau 3 tháng triển khai, mô hình đã hình thành thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình, đồng thời gây được nguồn quỹ giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và góp phần hình thành ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, giữ gìn vệ sinh môi trường, thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau trong hội viên phụ nữ.
Từ khi triển khai đến nay, “Ngôi nhà xanh” đã được hội viên, phụ nữ và người dân hưởng ứng nhiệt tình. Đều đặng hàng tuần, rác thải nhựa đều được bỏ vào ngôi nhà xanh thay vì vứt bừa bãi ra vệ đường như trước. Bà Nguyễn Thị Huyền, tổ dân phố Nghĩa Lập 3 chia sẻ: “Mô hình này rất ý nghĩa bởi không chỉ nâng cao ý thức cho hội viên phụ nữ mà cả người dân cũng có thể thu gom rác thải nhựa để đóng góp gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em nghèo”. Hàng ngày, những chai nhựa hay lon nước sau khi dùng hết đều được bà gom lại, không những vậy, khi đi chợ nhìn thấy chai lọ vứt ngoài đường bà cũng nhặt mang về để đóng góp vào “Ngôi nhà xanh”.
Lễ ra mắt mô hình Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu gây quỹ giúp hội viên nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Sau gần một năm thành lập, đến nay Ngôi nhà xanh đã được nhân rộng ra chi hội phụ nữ Nghĩa Lập 5 (đây là ngôi nhà xanh thứ 3 được đặt tại địa chỉ số 632 đường 2/4) và kết nạp thêm 30 thành viên mới, nâng tổng số người tham gia 80 chị. Trong những đợt tổ chức thu gom phế liệu, ra quân dọn vệ sinh môi trường, chị em trong mô hình không dùng túi nilong mà thay thế bằng dùng làn nhựa, bao tải để hạn chế rác thải nilong ra môi trường.
Thông qua các hoạt động, mô hình đã tổ chức được 12 đợt thu gom với trên 2 tấn phế liệu, số tiền thu về trên 11 triệu đồng. Từ nguồn thu này, mô hình đã hỗ trợ 167 phần quà cho 172 hội viên, phụ nữ, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị trấn.
Ngoài ra, mô hình còn duy trì sinh hoạt định kỳ 01 tháng/lần, trong mỗi đợt sinh hoạt, ban chủ nhiệm thông qua kết quả hoạt động mô hình, định hướng nội dung hoạt động tháng tiếp theo; lồng ghép tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ; phòng cháy chữa cháy. Thông qua các buổi tuyên truyền của mô hình, đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các thành viên; từ đó xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình giữa các hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn ngày càng sâu đậm hơn.
Thấy được hiệu quả của mô hình Ngôi nhà xanh do Hội LHPN tỉnh thành lập, Hội LHPN huyện Đạ Huoai đã nhân rộng tại xã Hà Lâm với 18 thành viên tham gia; thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên hội viên ủng hộ phế liệu… đến nay đã bán được 2 triệu đồng hỗ trợ cho 2 cháu mồ côi, hỗ trợ quỹ học bổng Lê Thị Pha giúp các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập nhân dịp năm học mới.
Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Thảo nhìn nhận: “Ngôi nhà xanh” là một trong những mô hình mang lại hiệu quả và đang được nhân rộng, trở thành điểm sáng về giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, không chỉ gây quỹ giúp hội viên nghèo và học sinh khó khăn mà mô hình còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho chị em phụ nữ trong thực hiện tiêu chí “3 sạch”, bảo vệ môi trường sống, tạo thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình.