Huế: Biến rác thành... tiền
Tích tiểu thành đại
Cháu Văn Đức Nguyên, lớp 2, thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền mồ côi mẹ. Trước hoàn cảnh của cháu, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng để phụ gia đình tiền trang trải cuộc sống, giúp cháu yên tâm đến trường.
Nhiều hoàn cảnh khác tại xã như cháu Văn Thị Mỹ Hạnh (lớp 8), cháu Nguyễn Mạnh Hải (lớp 7), Phan Thiên Hiếu (lớp 4), Lê Bảo Ngọc (lớp 2) cũng được Hội LHPN xã nhận hỗ trợ hàng tháng.
Bà Hoàng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Thái cho biết: Tất cả 7 chi hội đều tích cực tham gia thu gom phế liệu để gây quỹ. Trong tháng 6, hội cũng sẽ trang bị đầy đủ “Ngôi nhà xanh” để các chi hội thuận lợi hơn trong việc thu gom phế liệu. Mỗi tháng trung bình các chi hội sẽ bán được 1-2 lần, mỗi lần thu về 300-500 ngàn/đồng. Không những “Biến rác thành tiền”, thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa mà mô hình này cũng nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và xây dựng tình đoàn kết, sự sẻ chia cho chị em hội viên.
Chị Hoàng Thị Thanh, hội viên Hội LHPN xã Quảng Thái chia sẻ: Trước đây, mỗi lần nhà có vài ba vỏ lon nước ngọt, ít bịch nhựa đều đem bỏ đi, nhưng từ khi có những “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu của Hội LHPN là tôi lại dồn lại để chung tay gây quỹ cùng chị em. Nói là mô hình của hội viên phụ nữ chứ thấy mẹ làm là mấy đứa con, ông chồng cũng phụ một tay, có ý thức hơn trong việc phân loại rác.
Có nguồn quỹ “dồi dào” hơn từ việc thu gom phế liệu, “Biến rác thành tiền”, Hội LHPN xã Quảng Công có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa. Những “địa chỉ tin cậy” là những hộ nghèo, những học sinh khó khăn được giúp đỡ kịp thời, 6 em nhỏ hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu, trợ cấp với kinh phí 300 ngàn đồng/tháng; tổ chức tặng quà nhân dịp Trung thu cho các em nhỏ…
Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Công cho biết: Toàn hội có 9 chi hội nhưng có 18 “Ngôi nhà xanh”, địa điểm để chị em hội viên thu gom phế liệu gây quỹ. Nguồn kinh phí thu được từ những lần “khui” “Ngôi nhà xanh” có thể chưa cao, từ 250 ngàn đồng/lần, nhưng “tích tiểu thành đại’, các chi hội có thêm nguồn kinh phí để tổ chức các chương trình, hoạt động ý nghĩa và tạo thêm sân chơi cho các hội viên.
“Ngôi nhà xanh”, gắn kết tình hội viên
Từ 58 mô hình năm 2021, đến nay có 100% chi hội ở Quảng Điền có mô hình thu gom, phân loại rác thải. Trong đó, có 50 mô hình “Biến rác thành tiền” thu gom hàng tháng, 24 mô hình “Biến rác thành tiền” bằng “Ngôi nhà xanh”, và 15 mô hình “đổi rác thải nhựa lấy hàng tiêu dùng”, thu hút hơn 80% hội viên phụ nữ tham gia. Số tiền thu được từ mô hình các cấp hội đã hỗ trợ cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, mỗi tháng 300 ngàn đồng/trẻ; trao gần 100 suất quà cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn mỗi suất từ 200-300 ngàn đồng; cho 9 chị mượn vốn để phát triển kinh tế gia đình (buôn bán, làm nấm, mua lưới cụ…).
Một số chi hội dùng số tiền bán rác thải để tu sửa các tuyến đường hoa... Từ việc bán rác thải tái chế, các chi hội đã làm nhiều việc có giá trị và ý nghĩa. Từ những vật dụng bỏ đi được chị em phụ nữ thu gom để xây dựng quỹ hội. Những việc làm tưởng chừng nhỏ nhặt đó góp phần bảo vệ môi trường, thay đổi nhận thức của các thành viên trong gia đình về việc phân loại rác, tạo nên những nguồn lợi từ rác. Những nguồn quỹ để chăm lo hỗ trợ cho hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi vươn lên trong cuộc sống được nhân lên từng ngày nhờ những “Ngôi nhà xanh”, nhờ sự gắn kết, chung tay của các hội viên.
Bà Trần Thị Phương Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Điền cho biết: Hiện những “Ngôi nhà xanh” được các chi hội đặt ở các điểm công cộng như: dọc đường, nhà văn hóa, các quán ăn, nhà hàng, các chợ, trong khu dân cư... rất thuận lợi, bất cứ khi nào mọi người dân đều mang rác thải tái chế đến bỏ vì thế không những một tháng khui một lần mà nhiều chi hội mỗi tháng khui nhà ít nhất là 2 lần.
“Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải tái chế không chỉ đơn giản là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, mà chính từ việc “làm nhỏ, ý nghĩa lớn” của mô hình sẽ tạo nguồn thu để giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những hội viên nghèo... Qua đó tạo thêm sự đoàn kết, san sẻ, yêu thương lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong các cấp hội.
Thông qua mô hình đã giúp hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải, bảo vệ môi trường của các hội viên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên và nhân rộng thêm mô hình.