Hội LHPN tỉnh Hòa Bình thực hiện tốt phương châm “Xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”
Việc hướng các chi hội phụ nữ cơ sở hoạt động theo nội dung “3 có, 3 biết” gồm: có hội viên tiên phong, có hoạt động hàng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động và biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của hội viên đã góp phần tập hợp, thu hút hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh từ chi hội.
Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 6, phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình được hội viên, phụ nữ xem là mái ấm thứ hai của mình. Chị em rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội và cùng nhau xây dựng “thương hiệu” “nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”. Hàng tháng, chi hội đã thực hiện thường xuyên nhiều hoạt động có ý nghĩa như: thu gom phế liệu bán gây quỹ giúp các hội viên phụ nữ, gia đình khó khăn có sinh kế; tổng dọn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp; duy trì sinh hoạt văn hóa, thể thao rèn luyện sức khỏe... Trong chi hội, chị em biết nhau tận tường và thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống; cán bộ hội biết hội viên, nắm chắc hoàn cảnh của chị em để xây dựng kế hoạch giúp đỡ... góp phần xây dựng lối sống đẹp, việc làm ý nghĩa. Đến nay, chi hội đã trao tặng 02 con trâu trị giá 32 triệu đồng, nhận đỡ đầu 3 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hỗ trợ các cháu 14 triệu đồng và tặng 12 suất quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn TP Hòa Bình.
Chi hội phụ nữ xóm Mư, xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi nổi lên với phong trào giúp nhau mua thẻ BHYT. Từ khi xã Mỵ Hòa về đích nông thôn mới cuối năm 2022, Hội Phụ nữ xã và Chi hội phụ nữ xóm Mư nhận thấy việc sử dụng thẻ BHYT gia đình là rất quan trọng đối với mỗi hội viên, và đặc biệt là người thân trong gia đình. Tháng 7/2023 Chi hội thành lập mô hình: "Hội chị em giúp nhau mua thẻ BHYT" với 25 thành viên tham gia tại 03 tổ, mua được 92 thẻ ngay trong tháng đầu thành lập. Những tháng tiếp theo mỗi hội viên tiết kiệm từ 300 đến 500 nghìn đồng dùng để mua thẻ bảo hiểm y tế quay vòng, ưu tiên những người già, người có hoàn cảnh khó khăn được mua thẻ BHYT trước. Đến nay chi hội đã thành lập được 6 tổ, thu hút 102 hội viên tham gia, mua được 240 thẻ BHYT.
“3 có, 3 biết” là những nội dung rất cần thiết và quan trọng, đặc biệt đối với chi hội, đơn vị cơ sở gần hội viên, trực tiếp quản lý, bám, nắm hội viên để cùng với Hội cấp trên thực hiện tốt vai trò của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên phụ nữ.
Để Hội thực sự là “ngôi nhà chung” của chị em, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã tổ chức nhiều mô hình đặc thù và duy trì, phát triển hiệu quả như: mô hình “Phụ nữ đi làm ăn xa”, “Tổ phụ nữ cao tuổi”; “Nhóm chủ nhà trọ”, nhóm “Phụ nữ xa quê”… Bên cạnh đó là triển khai nhiều hoạt động quan tâm đến đời sống, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời tập trung chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình, các CLB thu hút hội viên đặc thù, hội viên có cùng sở thích.
Với đặc thù của một địa phương có đông số lượng hội viên, phụ nữ là người công giáo (có những chi hội 90% chị em công giáo), Hội LHPN huyện Lạc Thủy thành lập mô hình điểm "Hội viên phụ nữ công giáo sống tốt đời đẹp đạo" chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại Chi hội phụ nữ thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ, với 23 phụ nữ tham gia và mô hình “Thu hút phụ nữ công giáo tham gia sinh hoạt Hội”, tại Chi hội Phụ Nữ thôn Đồng Danh, xã Phú Thành (nơi có trên 65% phụ nữ công giáo) với 57 phụ nữ tham gia. Hoạt động của các mô hình tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với các thành viên. Đồng thời phát động các phong trào thi đua trong phụ nữ tôn giáo, lan tỏa tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo” 7 nội dung tốt đời (thực hiện nếp sống tốt, trật tự xã hội tốt; giáo dục y tế tốt, thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình tốt; bảo vệ môi trường tốt; thực hiện nghĩa vụ công dân tốt); 3 nội dung đẹp đạo (đẹp trong đạo đức lối sống; đẹp trong tinh thần bác ái yêu thương; đẹp trong nếp sống đạo) bằng những việc làm cụ thể như phụ nữ tôn giáo chung sức xây dựng nông thôn mới, các mô hình liên kết phát triển kinh tế, các đợt tình nguyện vì phụ nữ, trẻ em nghèo… Đến nay, Hội LHPN huyện Lạc Thủy thành lập 14 mô hình phụ nữ đặc thù (05 mô hình phụ nữ cao tuổi, 01 mô hình phụ nữ tiểu thương, 03 mô hình phụ nữ đi làm ăn xa, 02 mô hình phụ nữ công giáo, 03 mô hình thanh niên trẻ), 08 “mô hình 1+ 1” và 07 “mô hình 3 có, 3 biết” tập hợp thu hú 1.178 chị em tham gia sinh hoạt.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lạc Sơn xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Thu hút phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp huyện Lạc Sơn giai đoạn 2022 - 2026". Đề án nhằm hỗ trợ phụ nữ cao tuổi và theo dõi phụ nữ đi làm ăn xa, qua đó giúp cho phụ nữ được tiếp cận đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phụ nữ yếu thế, phụ nữ cao tuổi được quan tâm chăm sóc, nữ thanh niên được tiếp cận với các kiến thức về chăm sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc, hạn chế các trường hợp kết hôn sớm, được tiếp cận với kiến thức tư vấn hôn nhân và gia đình…Từ khi triển khai Đề án đến nay, Hội LHPN huyện Lạc Sơn đã thành lập được 21 "Tổ phụ nữ cao tuổi" với 564 thành viên tham gia.
Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã được tổ chức triển khai ở cơ sở - Chánh Văn phòng – Tổ chức (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình) Nguyễn Thị Việt Nga cho biết: Hiện toàn tỉnh 174 cơ sở Hội (151 cơ sở Hội xã/phường/thị trấn; 23 cơ sở Hội lực lượng vũ trang); 1.508 chi hội; 4.075 tổ phụ nữ. Trong nửa nhiệm kỳ đã thu hút 6.557 hội viên, nâng tổng số hội viển khu dân cư toàn tỉnh hiện có 149.995 hội viên; kết nạp 2.092 hội viên danh dự; giới thiệu 894 hội viên ưu tú cho Đảng và có 631 hội viên được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến nay, có 01 cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội; 100% cấp huyện đã đăng ký chỉ tiêu phát triển hội viên theo thực tế nguồn tại địa bàn để đảm bảo căn cứ khả thi.