Video

Hoà Bình: Hiệu quả từ mô hình “Đổi phế liệu lấy cây xanh” của Hội LHPN xã Phú Thành

05/08/2024
Nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống, góp phần bảo vệ và xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Hội LHPN xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy đã có nhiều hoạt động sáng tạo, triển khai thực hiện nhiều hoạt động có hiệu quả liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo hội viên hội phụ nữ tham gia.
Hiệu quả từ mô hình “Đổi phế liệu lấy cây xanh” của Hội LHPN xã Phú Thành

Trong đó, nổi bật là mô hình “Đổi phế liệu lấy cây xanh” đã đổi mới sáng tạo nội dung góp phần bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động thiết thực.

Xuất phát từ thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, phế liệu như vỏ lon, chai nhựa, bìa cattong, sắt vụn… sau khi sử dụng, người dân thường vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường, năm 2021 Hội LHPN xã Phú Thành đã thành lập mô hình “Đổi phế liệu lấy cây xanh” tại 2 chi hội (Rị và Tân Phú).

Mô hình có 320 hội viên đang sinh sống tại 02 xóm tham gia.Vào ngày 15 hàng quý, ban quản lý mô hình sẽ tổ chức đi thu gom, các hội viên tham gia sẽ mang phế liệu thu gom được từ gia đình đến tập trung tại một điểm tập kết. Phế liệu được bán đi, số tiền dùng để đi mua cây xanh trồng tại khuôn viên nhà văn hóa, đường trung tâm của thôn. Tính đến nay mô hình đã thu được hơn 3 triệu đồng từ tiền bán phế liệu, số tiền đó đã mua giống cây và trồng được 50 cây tùng ngũ sắc, 20 cây bằng lăng tại xóm Rị và Tân Phú.

Chị Bùi Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Thành cho biết: Lúc mới thành lập mô hình, các chị em chưa mặn mà hưởng ứng, chỉ có một số ít tham gia, phần vì chị em chưa có thói quen phân loại rác thải tại gia đình, phần vì chưa nhận thức đúng, đủ về sự cần thiết của phân loại rác thải. Trước thực tế đó tôi và ban chấp hành Hội LHPN xã đã đến từng nhà hội viên tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa của mô hình, đồng thời hướng dẫn cách phân loại, thu gom đối với rác thải tái chế, cách xử lý đối với rác vô cơ và hữu cơ. Dần dần, chị em hiểu, nâng cao nhận thức, thực hành phân loại rác thải và tích cực tham gia mô hình. Do Ban quản lý mô hình thu gom phế liệu hàng quý nên một số chị thu gom được nhiều, không có chỗ để đã bán trước và đến thời điểm thu gom mang tiền đến nộp vào cho Ban quản lý.

Chị Nguyễn Thị Liễu, chi hội trưởng phụ nữ thôn Tân Phú chia sẻ: “Trước khi tham gia mô hình gia đình tôi chưa có thói quen phân loại rác, tất cả rác đều cho chung vào thùng để bộ phận thu gom mang đi. Từ khi tham gia mô hình không chỉ riêng bản thân tôi mà chồng và 2 con tôi cũng tích cực phân loại rác, lọc ra các loại phế liệu, rác thải có thể tái chế cất riêng, để ở góc bếp, đến ngày 15 hàng quý mang đến điểm tập kết cho Ban quản lý mô hình. Tôi thấy mô hình này rất thiết thực, chị em tham gia phấn khởi, được góp một phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng cảnh quan môi trường tại khu dân cư mình sinh sống”.

Qua hơn 3 năm thực hiện mô hình “Đổi phế liệu lấy cây xanh” của Hội LHPN xã Phú Thành không những góp phần giảm lượng rác thải lớn ra môi trường mà còn giúp người dân hình thành thói quen thu gom, phân loại rác, đồng thời tích cực tuyên truyền mọi người xung quanh cùng thực hiện. Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục phát động thành viên tham gia mô hình tại 02 thôn tích cực hưởng ứng thực hiện, trồng thêm được nhiều cây xanh trên địa bàn, nhân rộng mô hình ra các thôn/xóm còn lại, qua đó lan tỏa thông điệp sống "xanh", bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới của hội viên phụ nữ xã Phú Thành nói riêng, huyện Lạc Thủy nói chung.

Đinh Thùy

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả