Hòa Bình: Để không còn những hệ lụy của tảo hôn
Buồn chuyện đã rồi
Em S.Y.T, sinh năm 2008 ở xóm Xà Lĩnh 1, xã Pà Cò, huyện Mai Châu đã kết hôn khi mới 12 tuổi. Chồng của T cũng chỉ sinh năm 2006. S.Y.T chia sẻ: Em và anh T.A.N mặc dù vẫn còn đi học, nhưng chúng em đã tìm hiểu và hai đứa thấy ưng nhau nên quyết định lấy nhau. Vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc, chồng em đã tiến hành nghi thức bắt em về làm vợ. Sau đó, chúng em được bố mẹ tổ chức đám cưới.
Còn K.Y.M (xã Hang Kia, Mai Châu), được gia đình bạn trai đón về làm vợ khi mới bước sang tuổi 13. Trong thời gian chung sống, do phát sinh nhiều mâu thuẫn K.Y.M bỏ về nhà mẹ đẻ, thì phát hiện mình có thai. Tính đến thời điểm sinh con, K.Y.M mới được 15 tuổi nên sức khoẻ yếu, phải nằm theo dõi, điều trị gần 10 ngày.
Những hệ lụy của tảo hôn đã ảnh hưởng đến chất lượng dân số, đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, đến việc thực thi các chính sách xoá đói, giảm nghèo, mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững nơi đây có nguy cơ bị kéo lùi.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh có 1.881 trường hợp tảo hôn, 18 trường hợp hôn nhân cận huyết thống (HNCHT), trong 22.825 trường hợp kết hôn (có 383 trường hợp cả 2 vợ chồng cùng chưa đủ tuổi, chiếm 26,68% trường hợp tảo hôn). Một số huyện có tỷ lệ tảo hôn, HNCHT cao như: Kim Bôi; Mai Châu; Lương Sơn; Đà Bắc...; Đa phần các trường hợp tảo hôn, HNCHT tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc Mông, Tày, Mường, Dao.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, HNCHT do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương còn nhiều hạn chế; trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào DTTS chưa cao, còn phong tục tập quán, quan niệm lạc hậu, hủ tục trong hôn nhân; việc quản lý con em của gia đình, nhà trường chưa được chú trọng. Thêm vào đó, sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng, du nhập của văn hóa ngoại lai, thiếu kinh nghiệm giới tính… dẫn đến tình trạng yêu sớm, có thai trong độ tuổi vị thành niên.
Tăng cường tuyên truyền đẩy lùi nạn tảo hôn
Thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020", tỉnh Hòa Bình đã chú trọng các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân tại các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. Lựa chọn đối tượng chính để tác động làm hạt nhân tuyên truyền là cán bộ người DTTS; tuyên truyền viên các xã, xóm; già làng, trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể; Người có uy tín, học sinh…
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho đồng bào xã Mai Hịch, huyện Mai Châu (Hòa Bình)
Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện: Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu khảo sát, lựa chọn địa điểm tại các vùng xảy ra tình trạng tảo hôn và HNCHT để xây dựng mô hình triển khai thực hiện.
Tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT được triển khai trên địa các xã: Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn; xã Phú Cường, huyện Tân Lạc; xã Yên Lập, huyện Cao Phong; xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi; xã Hợp Thanh huyện Lương Sơn; xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn; xã Tân Minh, huyện Đà Bắc; xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy; xã An Lạc huyện Lạc Thủy; xã Pà Cò, huyện Mai Châu và Trường PT Dân tộc Nội trú THCS và THPT B huyện Mai Châu.
Mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS. Giảm ít nhất 2 - 3% trên năm số trường hợp tảo hôn và đến năm 2025, cơ bản xoá bỏ tình trạng kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS; tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhằm góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS.
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh tập trung vào tổ chức các hoạt động truyên truyền nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hoá, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ, các tổ, nhóm.
Xây dựng pano, áp phích, biên soạn tờ rơi, tờ gấp, tài liệu và các sản phẩm truyền thông tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; các trường phổ thông có cấp Trung học phổ thông, cấp Trung học cơ sở đóng trên địa bàn các xã vùng DTTS...
Với sự vào cuộc quyết liệt và tích cực, hi vọng trong thời gian tới, vấn nạn tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Hòa Bình sẽ được đẩy lùi và chấm dứt.