Video

Gieo hoa giữ đất tổ tiên

29/01/2023
Đất đai cha ông để lại được bảo toàn, gia đình bình an, người đàn bà tuổi 65 thấy nhẹ lòng. Bà nói: “Những năm đất tăng giá, tôi và ông chồng cứ lo không giữ gìn được đất đai của tổ tiên. Giờ thì yên tâm rồi”.
Bà Trần Thị Lan dành thời gian chăm chút, tỉa tót cho từng chậu hoa trong vườn

Nắng sáng vừa hừng lên, bà Trần Thị Lan (ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) kéo ống dây nước ra vườn tưới mấy giàn hoa lan. Mỗi tuần một lần, bà sẽ bón phân, xịt thuốc dưỡng lá, phòng ngừa sâu bệnh. Bà nói: “Trồng hoa lan phải chịu cực. Để dưỡng cây hoa lan từ cây giống lên chậu, ra hoa thì mất gần 1 năm. Thời gian trong ngày, hễ rảnh là tôi ra vườn ngắm nghía, tỉa tót từng chậu hoa, lặt bỏ từng lá vàng”.

Bà dẫn tôi xem những chậu lan, hoa kiểng để một góc riêng trong vườn. Bà cười khoe: “Cây kiểng này tôi dành cho chị em của xã “đổi rác lấy quà” trong ngày hội môi trường sắp tới. Tụi “nó” tốt rồi, chăm tới tết là vừa độ nở hoa”.

Vườn bà Lan rộng gần 5.000m2 với các dòng hoa lan ngọc điểm, dã hạc, mokara, dendro... mang thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm cho gia chủ. Vườn là đất cha ông để lại. Thế nhưng, để giữ cơ ngơi này tới hôm nay, là cả sự mạo hiểm, dấn thân của người đàn bà yêu đất đai, yêu vườn tha thiết.

Lớn lên trong gia đình nông dân, năm 1979, bà Lan lập gia đình và về chung sống với nhà chồng tại ấp Trung, xã Tân Thông Hội này. Hơn 40 năm bám đất, làm vườn, vợ chồng bà Lan nuôi 4 đứa con lớn khôn, dựng vợ gả chồng, xây dựng nhà cửa. Hành trình kể lại nghe đơn giản, nhưng đó là quãng dài đầy nước mắt, mồ hôi: “Có đất đai, trâu bò, mà không có kinh nghiệm trồng tỉa, vợ chồng tôi thất bát liên miên. Cái nghèo vây bám, nuôi con ăn học thì lại mang nợ quanh năm. 18 năm trời trầy trật, khổ không tả hết, năm nào trúng mùa thì cũng chỉ đủ đắp đổi ngày 3 bữa. May sao, năm 2000, được nhiều người tư vấn chuyển đổi con giống, tôi bàn với chồng chuyển từ chăn nuôi bò vàng sang bò sữa để có thu nhập hằng ngày”.

Sau nhiều đêm thức trắng tính toán, suy tư, vợ chồng bà Lan bán hết 10 con bò vàng lớn nhỏ trong chuồng mà chỉ mua được 1 con bò sữa đang mang thai với giá hơn 2 cây vàng. Đầu tư hết vốn liếng, bà Lan thấy trong dạ bồn chồn, bất an. Nhiều ngày, bà lân la sang các hộ chăn nuôi bò sữa để học hỏi kinh nghiệm. 2 tháng sau, bò sinh được 1 con bò con và bắt đầu cho sữa. Dù đã được hướng dẫn nhưng khi “lâm trận”, bà Lan mới thấy lúng túng. Loay hoay mãi vẫn không vắt được sữa, tức muốn khóc, bà Lan phải cầu cứu hàng xóm…

Rồi thì, việc vắt sữa, cắt rốn cho bò con… bà Lan cũng thuần thục. Khi thấy công việc tiến triển, bà lại cùng chồng bàn việc vay 15 triệu đồng để mua thêm 1 con bò cho sữa. Cũng từ đó, để có kinh nghiệm, bà Lan chăm chỉ tham gia các khóa học bồi dưỡng, lớp nghề sơ cấp chăn nuôi bò sữa, học kinh nghiệm từ những người bạn... Nhiều năm trong nghề, bà Lan có thể tự bắt bệnh, sơ cấp cứu những bệnh thông thường ở bò. Nhưng cũng có những lúc rủi ro. “Bò sinh xong rồi quỵ cũng xem như mất của. Lúc dịch bệnh, mỗi ngày mất 1-2 con, xót xa lắm”, bà Lan nhớ lại. Sau 16 năm chuyển đổi vật nuôi, năm 2016, đàn bò gia đình bà lên đến 70 con từ nhỏ đến lớn. Cao điểm, mỗi ngày sản lượng sữa trong đàn vắt được khoảng 400kg, thu nhập của gia đình lên đến 90 triệu đồng/tháng, trừ chi phí bà còn lãi khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Khi công việc chăn nuôi còn “hái” ra tiền, bà nhiều lần động viên các con ráng tìm cách phát triển kinh tế ngay trên đất nhà mình, đừng bỏ đất. Nghe mẹ, người con trai lớn của bà Lan mới lân la tìm đến nhiều gia đình quen biết trong ấp, trong xã học nghề trồng hoa lan, rồi nhập cây con giống về trồng thí điểm trên 1.000 giống lan ngọc điểm.

Đến năm 2018, chồng bị tai biến, công việc chăn nuôi mất đi người hỗ trợ, bà Lan quyết định bán bò cùng con trai phát triển hoa lan. Ban đầu, bà bỏ ra trăm triệu đồng để làm giàn, lưới, thêm trăm triệu đồng nữa để nhập thêm cây giống từ nước ngoài. Vườn lan được nhân giống và phát triển từng ngày…

Đất đai cha ông để lại được bảo toàn, gia đình bình an, người đàn bà tuổi 65 thấy nhẹ lòng. Bà nói: “Những năm đất tăng giá, tôi và ông chồng cứ lo không giữ gìn được đất đai của tổ tiên. Giờ thì yên tâm rồi”. Bây giờ bà Lan trở nên thảnh thơi hơn để tham gia việc hội, với bà đó cũng là cách trả ơn cuộc đời, trả ơn hội với những lớp học làm kinh tế gia đình, dạy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giúp bà gìn giữ được đất của cha ông như ước nguyện.

phunuonline

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả