Cô giáo Khmer làm đồ chơi bằng rễ bần, dừa điếc,...
Có khác là vật liệu đồ dùng cô thêm nhiều, không chỉ là dừa điếc, rễ bần,… mà còn có ván ép vụn, chai nhựa. Với cô giáo Khmer yêu nghề, mến trẻ niềm say mê công việc, sự sáng tạo đã giúp đồ dùng, đồ chơi của cô đổi mới không ngừng.
Cô giáo của đồ dùng, đồ chơi
Phòng kho của Trường Mầm non Tân Mỹ và nhà cô giáo Vinh Thị Cẩm Vân lúc nào cũng đầy đồ dùng dạy học, đồ chơi. Đó là những sản phẩm do cô Vân và các cô trong trường tự làm để tiết học sinh động, để các bé hiểu hơn về thế giới xung quanh mà vẫn tiết kiệm tiền cho trường.
Cô Vân cười thật tươi, khoe: “Tôi mới đi đại hội Đảng về, lượm mấy chục chai nước suối để làm đồ chơi cho bé”. Vừa nói, chị Vân thoăn thoắt kéo các thùng ra khỏi kệ: “Đồ chơi trong lớp được trình bày theo chủ đề hàng tháng, những đồ chơi khác thì cất lại, để dành”.
Tại lớp chồi cô Vân dạy, các bé đang “xúm xa xúm xít, xít lại gần cô mà háo hức nghe cô nói”. Những chiếc nón bo làm bằng giấy báo được sơn màu nhìn y như thật, những chiếc giỏ xách nhỏ xinh xinh bằng nắp chai, đôi dép được làm bằng chiếu cũ, vải vụn,… Trên tay cầm nón bo, cô Vân hỏi: “Đố các con đây là cái gì?”
Khi bé trả lời là “nón” cô lại hỏi “nó là nón gì, cho bạn trai hay bạn gái đội vậy các con?” Cô mở rộng vấn đề: “Các con đi ra đường phải đội nón để tránh bị bệnh nhe”; rồi cô Vân cầm lên đôi dép tiếp tục giới thiệu với các trẻ… Những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt ấy sẽ giúp các bé có thêm các kỹ năng trong cuộc sống. Bé Mai Thị Anh Thư (5 tuổi) đang học lớp cô Vân nói: “Con thích học cô Vân lắm, vì cô Vân có nhiều đồ chơi”.
Nguyên nhân khiến cô Vân làm những đồ dùng, đồ chơi cho bé từ những năm tháng dạy học ở điểm lẻ Gia Kiết- Cần Thay cách đây cả chục năm là vì cô Vân thấy thương học trò khó khăn, trường thì không có đủ đồ dùng, đồ chơi.
Một lần đi đò ngang sông, cô thấy rễ bần mọc đầy các mé sông quê mình và ý tưởng dùng rễ bần làm đồ dùng, đồ chơi xuất hiện. Vậy là hết giờ dạy, cô Vân lại nghiên cứu mày mò làm đồ chơi cho học trò. Những rễ bần được cô tỉ mỉ gọt rồi sơn thành đủ loại trái cây. Những trái dừa điếc khô được cô gọt nhẵn bóng làm các vật dụng hình tròn mà “xài chục năm không hư hao gì”.
Lớp học của cô Vân luôn sinh động với nhiều dụng cụ học tập ở nhiều chủ đề. Đối với cô Vân “cây nhà lá vườn” như trái mù u, gáo dừa, mo cau, cây tre, cây trúc hay những phế phẩm như hộp sữa, chai nhựa, lon bia... là cả kho nguyên liệu để biến chúng thành vô số học cụ.
18 năm gắn bó với nghề, cô Vân không nhớ mình đã làm bao nhiêu bộ đồ dùng đồ chơi. Đặc biệt là chất liệu kiểu dáng luôn luôn thay đổi, bền đẹp.
“Đây là đồ dùng đồ chơi theo Thông tư 02 cho trẻ mầm non, mua tốn tiền lắm, nhưng mình làm bằng cây nhà lá vườn, vừa bền vừa tiết kiệm lại an toàn cho trẻ”- cô Vân giới thiệu thêm- “Còn đây là bộ sản phẩm gạch gốm, tôi làm bằng ván ép, rất chắc chắn bền đẹp mà nhẹ nữa, sản phẩm này chuẩn bị thi cuộc thi sáng tạo Trần Đại Nghĩa”. Nói rồi cô Vân quăng xuống đất những viên gạch đồ chơi y như thật, khác với gạch thật những viên gạch này không hề sứt mẻ gì.
Để có một sản phẩm đồ chơi hoàn mỹ thật không dễ dàng, đôi bàn tay cô Vân gầy guộc với những vết chai là do làm đồ dùng học tập để lại. Nào là chuốt tre, cắt lon bia, chai nhựa, cạo bóng trái dừa, đẽo gọt rễ bần,… Cô Vân chia sẻ: “Chỉ riêng công đoạn phối màu sơn sao cho giống thật cũng là vấn đề rồi. Như cục gạch này, tôi phải phối màu 3 lần mới thành công”.
Nỗ lực “ươm mầm xanh”
18 năm gắn bó với nghề nhưng con đường học tập và giảng dạy của cô Vinh Thị Cẩm Vân không mấy suôn sẻ. Cô là con gái thứ 2 trong gia đình có 5 anh chị em, hoàn cảnh khó khăn nên mới tốt nghiệp THPT thì cô Vân không học tiếp mà trở thành giáo viên hợp đồng của Trường Mầm non Tân Mỹ.
Cô Vân thật tươi khi nói về quá trình công tác của mình: “Tôi là chị Hai, nhà có 4 em nhỏ với 2 công đất. Ba là giáo viên tiểu học, lương không được là bao, nên tôi không đi học tiếp mà đi làm phụ gia đình”. Đến khi các em ổn định thì cô Vân mới bắt đầu đi học làm cô giáo mầm non.
“Ba tôi là thầy giáo rất yêu nghề, ông luôn mong muốn các con nối nghiệp ông”- cô Vân nói. Cả 5 anh chị em cô Vân đều có nghề nghiệp ổn định, trong đó, 3 người kế tục sự nghiệp của cha trở thành nhà giáo.
Bác Hồ nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Cô Vân thích làm cô giáo và đặc biệt quan tâm đến lứa tuổi mầm non. Với cô, những mầm non ấy cần được nâng niu và dạy bảo trong môi trường giáo dục tốt nhất.
Chiếc giỏ xách bằng nắp chai của cô Vân
Lòng yêu nghề đã giúp cô Vân luôn gắn liền với trường, với lớp mặc kệ những năm tháng phải lội bộ 3km mới đến điểm dạy, những ngày mưa dầm dề thì cô giáo học trò gì cũng lấm lem. Cái lớp học đầu tiên cô dạy có 24 học trò với 3 độ tuổi. Học trò thì nghèo, nhiều em đi chân đất, để bụng đói, bé trai tóc dài như bé gái đến trường.
Phụ huynh cũng nghèo và ý thức cho con đi học còn chưa có. Vậy là cô Vân đi đến từng nhà vận động cho các con đi học, vận động tiền mua học phẩm, đồng phục cho các con,… Niềm vui lớn nhất của cô Vân là thỉnh thoảng có học trò đã lên cấp 1 vô thăm. “Các con học lớp 1, 2, 3 rồi vẫn nhớ về cô giáo, 1 nhánh bông hồng cho ngày 20/11 mà lại rất vui”- cô Vân nói.
Yêu trẻ, mến nghề, cô Vân được phụ huynh tin tưởng giao con em và sẵn sàng ủng hộ mọi hoạt động của nhà trường. Kết quả đạt được không chỉ thể hiện ở sự thay đổi về số lượng, sĩ số học sinh mà quan trọng hơn đã tạo ra được những chuyển biến về nhận thức và sự đồng tình của phụ huynh ở xã Tân Mỹ.
Cô Vân nói: “Ngày xưa cha mẹ không quan tâm bậc học mầm non đâu, rất ít bé đến trường. Nay thì cha mẹ quan tâm, các bé được chăm sóc tốt từ nhà đến trường”.
Cô Phó Hiệu trưởng Lưu Thúy Phượng- Trường Mầm non Tân Mỹ- cho rằng: Cô Vân đạt danh hiệu “Viên phấn vàng”, là đảng viên gương mẫu trong tham gia các phong trào, làm đồ dùng đẹp, sáng tạo. Ngoài ra, cô còn làm dân vận rất tốt, trẻ vùng sâu được cô vận động ra lớp rất nhiều. Cô luôn được phụ huynh và đồng nghiệp tín nhiệm vì là người năng nổ, nhiệt tình không ngại khó. |