Bình Định: Mô hình “Dệt thổ cẩm” - Hy vọng mới cho nhiều phụ nữ xã Vĩnh An
Theo bà Trần Thị Hoàng Vương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Sơn, Hội phụ nữ huyện đã vận động 10 phụ nữ Bana tham gia Tổ hợp tác (THT) dệt thổ cẩm làng Kon Giọt 1. Cùng với đó, Hội tích cực khai thác các nguồn lực để hỗ trợ thành lập mô hình; vận động được 20 triệu đồng hỗ trợ nhóm mua nguyên vật liệu, khung dệt, len sợi…; vận động ngành GD&ĐT huyện khuyến khích cán bộ, giáo viên các trường trên địa bàn xã đặt mua trang phục thổ cẩm mặc vào các dịp lễ, chào cờ, khuyến khích học sinh sử dụng trang phục thổ cẩm nhiều hơn. Hơn nữa, Hội còn kết nối với các điểm du lịch trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Bana Vĩnh An đa dạng từ áo váy, vỏ chăn đến cà vạt, ví tay... Để duy trì và phát triển, Hội sẽ tổ chức cho các thành viên học tập nhiều mô hình hay trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, nâng cao khả năng tiêu thụ.
Chị Đinh Thị Nhe, Trưởng mô hình dệt thổ cẩm xã Vĩnh An, chia sẻ: “Chị em chúng tôi rất hào hứng, ai cũng muốn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm bền lâu, sản phẩm làm ra được tiêu thụ tốt, nhiều người biết đến. Không chỉ tạo thêm việc làm mà từ đó còn truyền dạy cho thế hệ sau biết để giữ lại bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Để tạo ra một sản phẩm dệt thổ cẩm mất rất nhiều thời gian. Ngày nay, đồng bào không còn trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu thủ công để tạo ra nguyên liệu mà đã có sợi len công nghiệp thay thế. Tuy vậy, công đoạn xử lý nguyên liệu công nghiệp cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian, trải qua các khâu như kéo, tách sợi len, sau đó đem ngâm nước cháo, sáp ong, phơi khô nhiều ngày để chống xù lông, cứng sợi, rồi quấn tròn lại thành từng cục mới có thể dệt. Công đoạn dệt cũng khá tỉ mẩn, người dệt cần khéo léo tính toán, sắp sếp để tạo ra những hoa văn độc đáo thể hiện văn hóa của dân tộc mình. Với một chiếc áo khoác nam hay một bộ váy nữ, người dệt có thể mất từ vài tuần đến vài tháng tùy theo kích cỡ, độ phức tạp của sản phẩm.
Phụ nữ Bana xã Vĩnh An thi dệt thổ cẩm tại Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XVI - năm 2022 (Ảnh: N.ÁNH)
Bà Đinh Thị Nghiêm 54 tuổi, thành viên của mô hình ở làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An tâm sự: “Tôi biết dệt từ năm 14 tuổi, khi ấy vì yêu thích nghề dệt nên hay tới nhà xem người trong làng dệt. Mấy cô thấy vậy chỉ cho tôi biết dệt và giữ mãi đến giờ. Dù sản phẩm dệt không ai mua nhưng tranh thủ thời gian, tôi vẫn cứ ngồi bên khung dệt để dệt trang phục truyền thống cho gia đình dùng hoặc dệt giúp cho bà con, họ hàng trong làng. Nghe Hội phụ nữ xã mời tham gia mô hình dệt thổ cẩm, tôi mừng lắm, đồng ý ngay. Vì tham gia mô hình được làm việc mình yêu thích, có tiền bán sản phẩm coi như có tiền công lao động, cho dù giá trị ngày công không cao nhưng lớn tuổi rồi tôi không làm được việc nặng, nghề dệt này phù hợp với hoàn cảnh của mình”.
Hiện nay, ở Vĩnh An người dệt thổ cẩm giỏi đa phần là những người lớn tuổi, may mắn là khoảng 20% thanh niên còn biết nghề; nếu sản phẩm thổ cẩm được tiêu thụ tốt sẽ dễ thuyết phục các thanh niên nâng cao tay nghề. Các thành viên của mô hình đang hoàn tất 60 bộ sản phẩm theo đơn đặt hàng để bàn giao trong lễ ra mắt mô hình sắp tới, nhìn chung, bà con ai cũng phấn khởi. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ huyện cũng nỗ lực phối hợp với UBND xã Vĩnh An giới thiệu, tìm khách hàng cho thổ cẩm Bana Vĩnh An.