“Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” góp phần xây dựng làng quê đáng sống ở Quảng Trị
Đây cũng là mô hình nhằm thực hiện đề án 938 về Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”. Với sự nỗ lực tích cực của các cấp Hội, từ mô hình điểm ở thôn thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, đến nay đã nhân rộng thành 73 mô hình trên 9 huyện, thị, thành phố với 9136 thành viên tham gia.
Mô hình được thành lập và vận hành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy - UBND xã/ phường/thị trấn, chi bộ thôn và sự điều hành của Ban Điều hành mô hình, có nhiệm vụ giúp cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng dân cư tham gia và tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương; Ban điều hành các mô hình thảo luận xây dựng quy chế hoạt động của mô hình; xây dựng kế hoạch hàng tháng, quý. Điểm đặc biệt của mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” là Ban Điều hành do Bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn, khu phố trưởng làm trưởng ban điều hành; 100% mô hình có thành viên là nam giới, trong mỗi kỳ sinh hoạt, hội họp nam giới tham gia từ 25 - 35% trong tổng số thành viên.
Để xây dựng nội dung hoạt động các mô hình, trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng thiếu an toàn đối với phụ nữ trẻ em, Ban Điều hành xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu hướng đến, những yếu tố cần có của mô hình, tập trung vào: không còn tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng; không có tệ nạn ma túy, trộm cắp xảy ra trong thôn; không bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới; phòng tránh tai nạn thương tích từ gia đình và cộng đồng: đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, ngã...; phân loại rác thải tại hộ gia đình; hộ gia đình sử dụng các thực phẩm an toàn hàng ngày; không gian vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể thao được xây dựng bảo đảm điều kiện tiếp cận của phụ nữ và trẻ em (bao gồm cả nhóm người khuyết tật)…
Các cấp Hội cũng tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho Ban điều hành, thành viên mô hình. Đã có 43 lớp tập huấn cho 4.459 thành viên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm vai trò, kỹ năng của ban điều hành, các thành viên tham gia mô hình. Phối hợp lồng ghép tổ chức 87 buổi truyền thông cho 4.350 thành viên mô hình, cán bộ hội viên phụ nữ về xử lý rác thải tại nguồn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, chăm sóc sức khỏe sinh sản…
Lễ ra mắt mô hình LQAT cho phụ nữ và trẻ em tại xã A Vao, huyện Đakrông
Tại các mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình nhỏ như: mô hình nhóm U10, mô hình xử lý rác thải tại nguồn, mô hình sinh kế. Đến nay, đã thành lập được 18 “Nhóm cha mẹ có con từ 0 - 10 tuổi” với 446 thành viên; 91 tổ thu gom, xử lý rác thải tại nguồn với 2.262 thành viên, 187 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, được xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả. Từ các nguồn vận động đã hỗ trợ 86 mô hình sinh kế cho 140 thành viên với tổng số tiền là 266.1 triệu đồng; hỗ trợ 21 nhà tiêu hợp vệ sinh, 1.790 thùng rác, giỏ rác; 2.485 cây xanh, 20 sân chơi an toàn; lắp đặt 06 camera an ninh cho 2 thôn.
Để tiếp tục lan toả ý nghĩa của mô hình, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức cuộc thi trực tuyến “Sáng kiến thúc đẩy mô hình Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” năm 2023 với 35 sáng kiến từ 70 mô hình tham gia, trong đó nhiều sáng kiến có chất lượng, có tính khả thi cao như “Lắp đặt camera an ninh” tại thôn Tăng Cô Hang, xã Lìa, “Sân chơi từ vật liệu tái chế cho trẻ em” tại thôn Bình Minh, xã Phong Bình,...
Các mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” từ khi thành lập và hoạt động đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân trong cộng đồng. Tham gia sinh hoạt mô hình, các thành viên được trao quyền để trở thành tình nguyện viên trực tiếp tham gia và tổ chức các hoạt động an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Mặt khác, các thành viên trong mô hình cũng tích cực hỗ trợ lẫn nhau và trợ giúp sinh kế cho hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo; tham gia đỡ đầu trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn; tiên phong, tích cực tiếp nhận thông tin và đề xuất, kiến nghị giải pháp cùng các đoàn thể phối hợp khắc phục, xử lí vấn đề nổi cộm phát sinh trên địa bàn.
Mô hình đã trở thành điểm sáng, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, tạo được sự lan tỏa trong cách ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa của người dân; Từ đó đã và đang góp phần góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ trẻ em. Các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc tại địa phương được phát hiện và kiến nghị giải quyết kịp thời, đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng NTM, tiến tới xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trên địa bàn.