Từ rác thải đến thời trang
Trong ngôi nhà xưởng trên đảo Satun, Rohaning Palaya, 32 tuổi, một cư dân của đảo, đang dùng búa đục lỗ xỏ dây giày trong khi “đồng nghiệp” của cô đang lúi húi dán đế. Từ vài năm nay, họ đã kiếm thêm thu nhập từ việc làm giày, dép mà không cần phải đi xa để làm việc trong thành phố. Palaya cho biết: “Tôi có một đứa con còn nhỏ và những đứa khác đang trong tuổi đi học. Tôi cần một công việc gần nhà và công việc này cho phép tôi có thời gian chăm sóc con mình”.
Rohaning là một trong số ít phụ nữ trong làng làm việc với Tlejourn, dự án tái chế rác thải từ dép cũ trôi dạt trên biển thành những đôi giày, dép thời trang. Trước khi doanh nghiệp xã hội ra đời, một số phụ nữ trong làng thất nghiệp và phải dựa vào sự hỗ trợ tài chính của chồng. Ngày nay, với thu nhập tăng thêm từ việc làm giày, cuộc sống của họ đã được cải thiện. Rohaning nói: “Công việc mang lại thêm thu nhập cho mọi người trong cộng đồng. Cuộc sống của tôi đã thay đổi tốt hơn”.
Theo Channel News Asia, Tlejourn do ông Nattapong Nithi-Uthai, giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ của Trường đại học Prince of Songkla ở tỉnh Pattani sáng lập, sau khi ông chứng kiến số lượng lớn rác thải từ dép cũ từ biển trôi dạt vào bờ. Ông Nattapong không biết những đôi dép cũ này đến từ đâu hoặc đã di chuyển bao xa trước khi dạt đến một số bãi biển đẹp nhất ở miền nam Thailand. Vào thời điểm đó, ông Nattapong đang cần thu thập rác thải để hướng dẫn một nhóm sinh viên tái chế trong khuôn khổ Chương trình lãnh đạo trẻ thuộc One Young World - một sự kiện toàn cầu quy tụ các tài năng trẻ từ nhiều quốc gia và lĩnh vực khác nhau để tạo ra tác động xã hội thông qua các sáng kiến và dự án kinh doanh mới.
“Các tình nguyện viên nói rằng đã thu gom được 80.000 kg rác biển trong ba tháng và riêng phần của tôi nặng 8.000 kg, trong đó có khoảng 100.000 giày, dép. Tôi không hình dung được sẽ có nhiều rác thải đại dương đến vậy. Thật không thể tưởng tượng được khi bạn không tận mắt nhìn thấy”, người sáng lập Tlejourn cho biết. Phải mất ba tháng làm việc hằng ngày để các tình nguyện viên môi trường trong một nhóm có tên là “Anh hùng rác thải” thu thập tất cả số rác đó. “Núi” dép xỏ ngón trước nhà và thực trạng tiềm ẩn về rác thải biển đã thôi thúc ông Nattapong tìm kiếm giải pháp.
Nhóm của ông đã chọn phát triển một mô hình kinh doanh có thể biến những đôi dép tông bị vứt đi trên bãi biển Thailand thành những đôi dép mới có chất lượng và giá trị cao hơn. Đặc trưng trong các sản phẩm của Tlejourn là những đôi giày, dép đầy mầu sắc được làm từ những mảnh giày, dép nhỏ bị bỏ đi. Ngày nay, Tlejourn đã phát triển thành một doanh nghiệp xã hội không chỉ tái chế rác thải đại dương mà còn hỗ trợ nền kinh tế địa phương và nâng cao nhận thức về rác thải biển thông qua các sản phẩm của mình. Ông Nattapong khẳng định: “Giải pháp của chúng tôi không phải về công nghệ mà là về tư duy”.
Trong những năm qua, Tlejourn đã mang đến cho hàng tấn rác thải một cuộc sống và mục đích mới bằng cách mang lại cho nó giá trị thương mại. Doanh nghiệp cũng đã hợp tác với các thương hiệu giày khác để truyền tải thông điệp của mình đến nhiều người tiêu dùng hơn. Dù vậy, mục tiêu của dự án không chỉ là làm sạch bãi biển, đại dương hay mở rộng kinh doanh. Những gì họ muốn thấy là một sự thay đổi trong suy nghĩ của cộng đồng, không chỉ về rác thải và môi trường mà còn về cách các doanh nghiệp có thể thay đổi các ưu tiên để giúp tái định hình xã hội tốt đẹp hơn.
Do đó, Tlejourn đã xây dựng một trung tâm đào tạo và sản xuất tại một ngôi làng địa phương. Không gian mở cửa và chào đón bất kỳ người dân địa phương nào mong muốn kiếm thêm thu nhập bằng cách tái chế giày, dép. Chính những suy nghĩ nhân văn của nhà sáng lập đã giúp dự án ngày càng nhận được nhiều đánh giá tích cực của chính quyền địa phương cũng như người dân trong thời gian qua.