Tạo điểm tựa giảm nghèo cho phụ nữ với trái hồng không hạt Gia Thanh
Mỗi dịp thu về, miền đất Gia Thanh lại ngập tràn sắc xanh, vàng, đỏ của trái hồng. Đây là thứ quả đặc sản tiến vua nức tiếng gần xa không chỉ về chất lượng của quả mà còn là loại cây mang lại giá trị kinh tế vô cùng cao. Lâu nay hồng Gia Thanh đã gắn liền với con người cũng như vùng đất trung du này, với nét bình dị của sản phẩm quà quê ngọt thơm mang hương vị đất và người Phú Thọ.
Bà Lưu Thị Hường (bìa trái) - Chủ tịch LHPN xã Gia Thanh - trao đổi cùng hội viên HTX
Hồng không hạt Gia Thanh từ lâu đã được nhiều người biết đến là giống hồng ngon nức tiếng mỗi năm chỉ có 1 vụ. Từ cuối tháng 7 âm lịch đến hết tháng 8 âm lịch là chính mùa của những trái hồng Gia Thanh. Vì chỉ có trong thời gian ngắn như vậy nên ai cũng muốn thưởng thức, mua chậm là hết mùa và không phải muốn ăn là lúc nào cũng đặt hàng được.
Có nhiều năm gắn bó với cây hồng không hạt, chị Nguyễn Thị Mai Hương, Chủ nhiệm HTX Hồng không hạt Gia Thanh, cho biết, trước khi chuyển đổi cơ cấu sang trồng hồng, nhiều bà con vẫn trồng sắn, trồng bạch đàn cho thu nhập thấp và bấp bênh, đời sống khó khăn, chưa thể vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Thực hiện đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, nhiều năm qua, xác định hồng không hạt là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, người dân ở Gia Thanh đã tích cực mở rộng diện tích trồng, xây dựng thương hiệu và bảo tồn giống hồng của địa phương.
Hồng Gia Thanh có màu vàng nhạt, nếu cắt ngang có hình ngôi sao màu vàng, ăn vị ngọt thơm, giòn sần sật, mát dịu
Để nâng cao giá trị sản xuất, HTX Hồng Gia Thanh đã triển khai xây dựng chương trình phát triển cây hồng theo hướng VietGAP. Tham gia mô hình, các hội viên được hướng dẫn thực hành tốt từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến cấp tem nhãn để bảo đảm thương hiệu sản phẩm.
Theo chị Mai Hương, đặc điểm của Hồng Gia Thanh là giống hồng ngâm không hạt quả to, hình thức đẹp, hình thoi cao thành chứ không tròn, tai vểnh lên, có 4 cạnh hình vuông, với lớp vỏ xanh, khi đến độ già sẽ được hái, rồi về ngâm. Cách ngâm hồng rất đơn giản: cho vào chậu nước sạch ngâm 2 ngày 2 đêm, ngày thay nước 2 lần, sau đó để ráo nước 1 ngày và ăn dần, tránh để Hồng chín đỏ mới ngâm, khi đó hồng sẽ bị nứt. Khi ngâm xong dùng dao gọt thử nếu không thấy có nhựa đen chảy ra thì đó là hồng đã chín và hết chát, nếu có nhựa đen thì hồng ngâm chưa đủ.
Hồng Gia Thanh rất được ưa chuộng trên thị trường, quả dễ bán và được giá hơn so với các giống hồng khác
Khi chín, trái Hồng Gia Thanh có màu vàng nhạt, nếu cắt ngang có hình ngôi sao màu vàng, ăn vị ngọt thơm, giòn sần sật, mát dịu. Cây tương đối dễ trồng, lá to mịn có màu xanh thẫm. Quả to, không có rãnh và đặc biệt không có hạt. Nhờ những ưu điểm trên mà hồng Gia Thanh rất được ưa chuộng trên thị trường, quả dễ bán và được giá hơn so với các giống hồng khác.
Đặc biệt, loại hồng này được trồng sạch, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu hay hóa chất bảo vệ thực vật, cho ra thị trường những trái hồng tươi ngon không độc hại.
Bà Lưu Thị Hường, Chủ tịch LHPN xã Gia Thanh, cho biết, hiện nay, hồng Gia Thanh được coi là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hồng không hạt Gia Thanh" cho loại quả này và cấp phép sử dụng nhãn hiệu tập thể cho 159 hộ gia đình trồng Hồng xã Gia Thanh. Năm 2021, sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao.
HTX Hồng không hạt Gia Thanh được thành lập tháng 6/2024 có 9 thành viên tham gia. Để tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, HTX đã được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, huyện, tỉnh và các ban ngành, đoàn thể tích cực giới thiệu trên các phương tiện thông tin điện tử. Trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục vận động hội viên tham gia các dự án phát triển kinh tế đối với loại sản phẩm đặc trưng này của Phú Thọ, dự án bắt đầu từ 30 ha nay đã tăng thêm diện tích trồng lên trên 160ha.
Những giải pháp thiết thực trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã và đang giúp phụ nữ Gia Thanh phát triển thành công nhiều sản phẩm thế mạnh, giá trị vượt trội, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, làm giàu.