Phụ nữ vùng cao Quảng Nam khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa
Có được thành công như hôm nay là những ngày tháng vất vả, khởi nghiệp nhiều lần, doanh thu thấp, thậm chí thất bại; mãi đến năm 2020, chị Tuyết đã tìm được hướng đi đúng dựa trên tiềm năng sẵn có ở quê hương. Bên cạnh đó, chị Tuyết cũng mong muốn khởi nghiệp trên cơ sở liên kết bà con trong vùng để cùng nhau phát triển bền vững.
Chị Tuyết cho biết, quê hương chị có nguồn nguyên liệu bản địa dồi dào, chị em đồng bào Gié Triêng bao đời gắn liền với sản xuất, chăn nuôi, thế mạnh là nuôi heo đen bản địa. Tuy nhiên người dân nơi đây đa số chăn nuôi nhỏ lẻ, theo cách truyền thống, thiếu kỹ thuật… nên heo dễ dịch bệnh, hiệu quả kinh tế đạt thấp.
Giải quyết vấn đề này, chị Tuyết đã tăng cường hướng dẫn bà con theo cách “cầm tay chỉ việc”, vừa phát huy cách nuôi truyền thống, vừa ứng dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh,… để phát triển đàn và đảm bảo sản phẩm thịt heo đạt được chất lượng cao, chế biến thành phẩm trọn vị, đặc trưng. Chị thu mua toàn bộ heo bản địa mà bà con trong vùng xuất bán, chị cam kết cùng đồng hành với phụ nữ nơi đây để chị em vững vàng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thế nhưng, cũng như nhiều dự án khởi nghiệp khác, con đường khởi nghiệp của chị Tuyết cũng nhiều lần lâm vào tình cảnh “hụt hơi” khi bên cạnh trở ngại vốn có của phụ nữ khi khởi nghiệp lại nảy sinh thêm nhiều yếu tố rào cản, khó khăn về thủ tục, giấy tờ, quy định…
Trong hành trình đó, chị Tuyết đã nhận được sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp Hội LHPN huyện Phước Sơn, giúp chị an tỏa sản phẩm khởi nghiệp của chị. Riêng năm 2023, chị Tuyết bán ra thị trường được hơn 1 tấn thịt sấy khô thành phẩm và hàng trăm lít rượu nếp than.
Chị Tuyết chia sẻ: “Tham gia chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội LHPN thị trấn Khâm Đức, Hội LHPN huyện Phước Sơn để sản phẩm khởi nghiệp của gia đình khẳng định được chổ đứng vững vàng trên thị trường. Thu nhập ngày càng ổn định hơn, có nhà xây kiên cố, có xe ô tô phục vụ kinh doanh và điều kiện cho các con ăn học, chăm ngoan, phát triển khỏe mạnh”.
Chị Tuyết cho biết, chị đã lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp từ phương pháp thủ công sang máy móc bán tự động để đảm bảo số lượng thành phẩm đầu ra. Mục tiêu tạo ra sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương, vừa thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cộng đồng phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây.