Những phụ nữ dân tộc Giáy “tay trắng” khởi nghiệp thành công
Năng động nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng
Hiện tại Phan Thị Hen (sinh năm 1991) vừa kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm, vừa làm homestay ở Sapa, Lào Cai. Nhưng trước đó, chặng đường khởi nghiệp của Hen không hề dễ dàng.
Hen chia sẻ: "Bố mẹ mình nghèo, ngoài chăn nuôi, làm vườn thì còn đi thồ vật liệu, 25 nghìn đồng/chuyến. Cơm trắng không có mà ăn, toàn phải ăn mèn mén với ngọn rau bí, canh bí nên rất nhanh đói. Cả ngày bố mẹ kiếm được 50 nghìn đồng, đường xa nên đi được một chuyến trời đã tối. Con ở nhà chỉ mong bố mẹ về để có gạo nấu cơm…".
Kinh tế gia đình rất khó khăn nên Hen chỉ học hết lớp 12 rồi nghỉ học xin đi làm thuê, tiền công tính theo ngày.
Phan Thị Hen
"Làm thổ cẩm hồi đầu khó khăn, vất vả lắm"- Hen nhớ lại - "Thời điểm đó người Giáy chỉ có hai người làm thổ cẩm. Nhiều người có tâm lý sợ phải cạnh tranh, sợ đi bán hàng vì ngại giao tiếp, giới thiệu sản phẩm, chỉ muốn đi làm thuê thôi".
Nhưng Hen thì khác, nghĩ đến việc, nếu không liều thì không thể thay đổi cuộc sống được, Hen đã quyết tâm… khởi nghiệp. Khi đó bố mẹ nghèo, không có tiền cho con và cũng không muốn con bươn chải kinh doanh nhưng cô vẫn quyết tâm ra ngoài làm.
Hen tự thuê nhà ở bản Lao Chải, vay một người bạn được 4 triệu để mua đồ về bán. "Máy khâu chưa có nên mình khâu tay hoàn toàn. Mỗi lần đi lấy hàng mình đều phải thuê xe đi. Mình tìm mua những miếng thổ cẩm thêu được người dân tộc bán rẻ về, tự tay tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Sau một thời gian tích cóp, Hen mua được máy khâu, nắm được thị hiếu khách hàng thích loại sản phẩm nào và tự mày mò thiết kế các sản phẩm như balo, túi xách…".
Các sản phẩm thổ cẩm do Phan Thị Hen mày mò thiết kế
Sau khi mua máy khâu về, Hen tự mày mò học suốt một tuần mới có thể sử dụng được. Ngoài sản phẩm tự sản xuất, nhiều người tin tưởng gửi đồ cho Hen bán.
Năm 27 tuổi Hen mới lập gia đình và về làm dâu ở Tả Van (Sapa, Lào Cai). Bố mẹ cho đất ở khu vực đường xá hoang vắng, hai vợ chồng tự chặt cây dựng nhà. Hen vẫn nhận làm sản phẩm thổ cẩm do khách đặt may.
Em trai Hen cưới vợ. Cô cùng em lên kế hoạch mở homestay, ngày lễ kéo khách đến nghỉ ngơi và tham quan quanh bản. Ngoài ra, Hen còn cho thuê trang phục dân tộc, bán đồ lưu niệm… "Khách đến homestay được giao lưu với người dân bản địa nên họ rất thích. Đồ ăn cũng là sản phẩm người dân trong bản tự nuôi, trồng và khách cũng được thử món mèn mén đặc trưng ở đây. Bên cạnh đó, khách còn được trải nghiệm tự tay vẽ sáp ong…"- Hen chia sẻ.
Không gian quanh bản
Hen hào hứng khoe, trong nhóm văn nghệ của cô có 10 chị em, đều là những người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Mỗi khi nhiều việc chị em lại huy động nhau cùng làm (giã bánh dày, đồ xôi, làm cốm… tại homestay).
Hiện tại, sản phẩm thổ cẩm của Hen đã có chỗ đứng trên thị trường, lượng khách đặt sỉ nhiều. Ngoài sản phẩm phục vụ đa dạng khách hàng, Hen còn làm những sản phẩm thêu hoa văn cổ ngày xưa, chủ yếu bán cho khách nước ngoài với giá dao động từ 3 đến 4 triệu đồng. Hen cũng muốn tích cực tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm, trực tiếp gặp gỡ khách hàng…
Người phụ nữ dân tộc Giáy chia sẻ, việc kinh doanh của cô đã tạo điều kiện cho bà con trong bản có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Cô thu mua toàn bộ những miếng hoa văn, bình thường chỉ vứt xó, không biết làm gì, dạy may, dạy thêu… cho tất cả những người có nhu cầu học. "Mình muốn mọi người trong bản đều có thể quảng bá về văn hóa của dân tộc mình đến khách du lịch, để họ đến và muốn quay trở lại, bà con cũng có thêm thu nhập để có cuộc sống tốt hơn".
Lan tỏa nét văn hóa đẹp của người dân tộc Giáy
Năm 2021, Lù Thị Đông vay 200 triệu đồng để hai vợ chồng đầu tư nuôi cá hồi. Đông kể, trước đó thấy một người chú nuôi cá thành công nên vợ chồng cô đã quyết tâm làm theo mô hình này.
Lù Thị Đông (phải)
Số tiền vay được đầu tư xây bể, mua vòi, cá giống. Vì bể ở xa (cách nhà 20km) nên chỉ riêng công vận chuyển, thuê nhân công xây bể cũng chiếm tới một nửa số vốn vay.
Đông kể, nuôi rồi mới biết rất vất vả vì cá hay bị nấm bệnh phải tắm muối thường xuyên và có thuốc trị nấm. Cá cũng hay bị chết nếu nguồn nước bẩn, cá bị nấm lây nhau cũng chết nhiều.
Bao công, bao thời gian vất vả nhưng đến khi chuẩn bị xuất được thì chồng Đông bị bệnh và qua đời. Quá đau buồn khi người đầu gối tay ấp bất ngờ ra đi, cô đã không thể để tâm chăm cá nên thời gian đó cá cũng chết nhiều.
Chồng mất, một mình Đông nuôi hai con trai nhỏ (12 tuổi và 10 tuổi). Các con thương mẹ vất vả nên đã biết tự chăm nhau, tự giác học và biết giúp mẹ việc nhà.
Ngoài nuôi cá hồi, đã trả được một nửa số nợ, Đông còn nấu rượu, nuôi lợn- đây cũng là nguồn thu nhập ổn định (có đầu ra thường xuyên) để cô chăm chút cho cuộc sống của ba mẹ con.
Phan Thị Hen, Lù Thị Đông muốn cùng nhóm văn nghệ lan tỏa được những nét văn hóa đẹp của người dân tộc Giáy đến với nhiều người hơn
Cũng như Phan Thị Hen, Lù Thị Đông dành thời gian tham gia nhóm văn nghệ, thường xuyên đi biểu diễn. Cô muốn cùng nhóm của mình lan tỏa được những nét văn hóa đẹp của người dân tộc Giáy đến với nhiều người hơn…