Nam Định: Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng với dự án khởi nghiệp “Hợp tác xã Dược liệu sinh thái Ngọc Trà”
Xuất phát từ thực trạng hiện nay, các loại nước uống sử dụng hoá chất và sản phẩm chăm sóc cá nhân có hại cho sức khoẻ ngày càng phổ biến, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Một số loại trà tồn dư chất bảo vệ thực vật. Để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm dược liệu tự nhiên, an toàn tốt cho sức khỏe của cộng đồng, chị Đỗ Thị Gấm, ở xã Hải Tây, huyện Hải Hậu đã quyết định sản xuất dòng sản phẩm an toàn gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, tạo việc làm có thu nhập ổn định, xây dựng vị thế cho phụ nữ tại địa phương.
Với kinh nghiệm làm nghề điều chế thuốc đông y, từ năm 2008, chị Gấm đã chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác của gia đình sang trồng cây dược liệu. Chị liên kết với một số hộ trong xã thành lập Hợp tác xã dược liệu sinh thái Ngọc Trà, thành viên của HTX là các gia đình chị em phụ nữ có sở hữu đất trồng dược liệu, là lợi thế cung cấp cho việc sản xuất sản phẩm của HTX. Ban quản trị của của HTX là các chị em phụ nữ trực tiếp lãnh đạo, điều hành. HTX đã tập trung ruộng đất, trồng 60 loại dược liệu trên diện tích 5 mẫu chủ yếu là: kim ngân, dây thìa canh, sài đất, bạc hà, kinh giới…
Việc trồng dược liệu áp dụng tuần hoàn sinh học, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Và để tạo thương hiệu cho sản phẩm, chị Gấm đã đầu tư xây dựng nhà kính để phơi, sấy dược liệu, cùng hệ thống máy: sao chè, chế biến, đóng túi... sản xuất các loại trà dưỡng nhan, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ sau sinh, trà cho bệnh nhân tiểu đường, mất ngủ và các loại dầu gội đầu, sữa tắm từ thảo dược… Quy trình sản xuất sử dụng nhà sấy, trực tiếp sử dụng năng lượng mặt trời giúp lưu giữ được chất dinh dưỡng trong nguyên liệu, đồng thời hạn chế tối đa nguồn khí thải, các sản phẩm được đóng gói hướng đến các chất liệu thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng.
Các sản phẩm được sấy khô bằng hệ thống máy sấy công nghệ cao
Với sự nhiệt tình của các thành viên HTX đã vượt qua nhiều khó khăn, sự cạnh tranh trên thị trường, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đánh giá của các ngành chức năng đã có một số sản phẩm của HTX được đánh giá OCOP 3 sao, cung cấp ra thị trường 6 tạ dược liệu, 1 tạ trà thảo mộc mỗi tháng. 9 sản phẩm trà thảo dược của HTX được đánh giá và phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn HACCP (TCVN 5603:2008). “Thanh Tâm uyển” và “Tĩnh tâm trà” được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2023, trong năm 2024, chị đăng ký xây dựng thêm 3 sản phẩm OCOP.
Chị Gấm khẳng định, nhu cầu về những sản phẩm thảo dược ngày nay rất lớn. Tuy nhiên, trước tình trạng thuốc kém chất lượng, nhất là thảo dược giả tràn lan, người dân càng chú trọng hơn về chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm. Do đó, việc đạt chứng nhận OCOP có vai trò quan trọng đối với HTX, nâng cao uy tín và giúp sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. “Trước kia mỗi tháng HTX xuất bán khoảng 20 - 30kg sản phẩm dược liệu, nhưng từ khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, mỗi tháng xuất bán trên 100kg, có tháng cao điểm đạt 200kg”, chị Gấm cho biết thêm.
Hiện nay, HTX có hơn 2ha đất trồng dược liệu, 200m2 nhà sấy, 200m2 kho chứa dược liệu, 160m2 xưởng sản xuất, 2 máy đóng trà túi lọc, 1 máy sao trà, 2 máy thái, 2 máy nghiền, 2 nồi nấu cao dược liệu, 1 nồi chưng cất tinh dầu. Hoạt động của HTX tạo điều kiện phát triển nông nghiệp sạch, phủ xanh những khu vực đất bỏ hoang của các hộ gia đình tại địa phương. Dự án góp phần tạo công ăn việc làm cho 18 lao động thường xuyên và 21 lao động thời vụ, với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng, đồng thời giúp chị em xây dựng vị thế trong cộng đồng, có sự tự chủ trong kinh tế.
Dự án khởi nghiệp “Hợp tác xã Dược liệu sinh thái Ngọc Trà” của chị Gấm là dự án khởi nghiệp của Nam Định vừa lọt vào vòng thi chung kết cấp vùng của Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024 do TW Hội LHPN Việt Nam phát động. Tham gia cuộc thi, chị Gấm mong muốn được hỗ trợ về tài chính; trang thiết bị, máy móc, công nghệ; hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trồng dược liệu tại địa phương.