Mô hình nuôi gà bằng thảo dược của phụ nữ huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định

27/05/2024
Chị Nguyễn Thị Len, sinh năm 1980, hội viên chi hội phụ nữ xóm 13, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định là một điển hình làm kinh tế giỏi, thành công với mô hình nuôi gà bằng thảo dược.
Mô hình sản xuất lúa thuốc của gia đình chị Len

Với tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, chị Len đã sử dụng diện tích đất vườn rộng để đầu tư chăn nuôi gà thả vườn, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, mô hình gà nuôi thịt bình thường không thực sự hiệu quả, thậm chí có lúc còn thua lỗ. Chị Len khát khao tìm một hướng phát triển mới bền vững bằng việc cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, tốt cho sức khoẻ. Chị đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu sách báo và các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, cũng như tìm hiểu nhu cầu của người dân về sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Qua đó chị nhận thấy, địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể dùng để chăn nuôi gà thảo dược như: lúa thảo dược nhà chị tự trồng, khoai, ngô, sắn, ốc, cá… cùng các cây thảo mộc có sẵn như: đinh lăng, chùm ngây, xả, gừng, gấc… có thể làm thức ăn cho gà, tạo ra sản phẩm gà sạch, có giá trị dinh dưỡng cao đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng ngày càng cao của người dân hiện nay.

Chị đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi gà thịt sang mô hình chăn nuôi gà thảo dược để lấy trứng. Chị bàn với gia đình mua 100 con gà đen về nuôi thử nghiệm tại vườn nhà. Vượt qua không ít khó khăn do dịch bệnh và kỹ thuật nuôi, chị dần dần tích luỹ kinh nghiệm và từ năm 2021, mô hình nuôi gà thảo dược của chị đã thành công.

Hiện nay trang trại nhà chị duy trì thường xuyên từ 700 con gà trở lên, mỗi ngày chị thu được khoảng 500 trứng gà, bán ra thị trường với giá từ 30 - 35 nghìn đồng/một chục quả. Trừ các khoản chi phí chị thu lãi được trên 300 triệu đồng/năm.

Chị Len chia sẻ: “Gà nuôi bằng thảo dược cho chất lượng sản phẩm sạch, hàm lượng Omega -3 trong trứng gà thảo dược cao, tốt cho sức khoẻ, an toàn với người tiêu dùng; cùng với đó, việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới giúp người chăn nuôi giảm được chi phí sử dụng thuốc kháng sinh thú y, giảm tỷ lệ gà chết, giảm chi phí thức ăn, mở ra hướng đi mới trong tiếp cận thị trường đối với sản phẩm trứng gà sạch và đặc biệt giảm tỷ lệ ô nhiễm với môi trường”. Sản phẩm trứng gà thảo dược của chị đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2023.

Khu chăn nuôi gà bằng thảo dược

Cùng với chăn nuôi gà thảo dược, chị Len hiện nay còn canh tác 15 mẫu lúa, trong đó có 12 mẫu lúa cao sản: gồm nếp và bắc hương với năng suất 2 tạ/sào, bán ra thị trường được 7 triệu đồng/tấn thóc; 3 mẫu lúa thuốc với năng suất 3 tạ/ sào. Lúa được chị dùng để nuôi gà thảo dược, bán cho người dân để làm các sản phẩm như: miến, gạo lứt, trà tiểu đường với giá 20.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu nhập từ việc trồng lúa là trên 200 triệu đồng/năm.

Từ kinh nghiệm thành công của gia đình, trong các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, chị Len nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với chị em trong chi hội và nhân dân trong làng, trong xã, để giúp mọi người tích cực tham gia xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.

Chị Len cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ tổ chức, đặc biệt là phong trào văn hóa, văn nghệ; gương mẫu tham gia các phong trào ở địa phương và xây dựng gia đình văn hóa. Chị là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua “ Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng.

Hội LHPN xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa HưngHội LHPN xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng

Video