Khởi nghiệp vì muốn hương chè xanh quê hương "bay xa"
- Được biết chị là người có kinh nghiệm làm chè xanh ở huyện Yên Lập được nhiều người biết đến và học hỏi. Xin chị cho biết bí quyết để có chè ngon là gì?
Để làm được chè xanh ngon thì phải chọn nguyên liệu chè búp tươi phải có màu xanh, non, mềm 1 tôm 2 lá. Khi làm héo (ốp chè) thì phải đảm bảo chè chín, nhiệt độ phải tương đối cao. Lúc lấy hương (đánh mốc) thì nhìn màu chè phải xanh tươi và ngửi có hương thơm.
Thực ra mới đầu làm chè tôi cũng khá băn khoăn là không biết làm ra sản phẩm có bán được nhiều hay không trong khi vốn phải đi vay. Có lần tôi vay được ít vốn đề mua chè tươi làm thì chè bị xuống giá và tôi bị thua lỗ. Nhưng tôi nghĩ, vạn sự khởi đầu nan, mới một lần thất bại thì sao đã vội nản chí, nên tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng. Đến bây giờ, có lẽ tôi đã trải qua được những giai đoạn khó khăn nhất và có những thành quả nhất định.
Hợp tác xã hiện có 21 thành viên
- Chị có thể chia sẻ về quá trình khởi nghiệp với nhiều khó khăn như chị vừa đề cập?
Có lẽ là từ tình yêu với cây chè Phú Thọ. Nơi Đất tổ Hùng Vương còn được coi là "cái nôi" của ngành chè Việt Nam. Cây chè ở đây còn gắn với lịch sử phát triển với những vùng trà xanh mướt mắt, và những câu chuyện thú vị.
Phú Thọ là vùng đất trung du với nhiều đồi lớn, phù hợp cho sự phát triển cây chè. Trước đây, người dân chủ yếu trồng những giống chè cũ phục vụ sản xuất chè đen xuất khẩu. Thu nhập thấp khiến người dân không mặn mà nên diện tích chè giảm mạnh.
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, đồng thời có chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, trồng giống chè có năng suất, chất lượng, góp phần đưa chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Từ ngày chưa có điện lưới của nhà nước tôi đã mua máy (bom chè) và thuê người quay bằng tay và vò cũng bằng tay. Mới đầu tôi cũng chỉ quay thuê sau đó thấy sản phẩm của mình được nhiều người nhận xét là "uống được". Từ đó tôi mới có ý tưởng trồng thêm chè để hái quay, cộng thêm thu mua chè tươi của bà con trong xóm để quay ra chè khô để bán. Đến khi có điện lưới tôi mới đầu tư mua thêm máy móc để làm chè, nhưng lúc đó số vốn của tôi chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng, vì vậy tôi đã quyết định vay thêm vốn để khởi nghiệp.
Hiện tại sản lượng chè của HTX khoảng 18 tấn/1 năm
- Được biết chị vừa đứng ra thành lập hợp tác xã (HTX), vậy sản lượng hằng năm như thế nào, có khả thi không thưa chị?
Hiện tại sản lượng chè của HTX khoảng 18 tấn/1 năm. HTX có 21 thành viên. Ngoài ra, bà con còn bán chè tươi cho các nhà máy. Nguồn nguyên liệu dồi dào, đảm bảo chất lượng và an toàn từ các hộ thành viên giúp cho sản lượng chè ổn định.
- Khi khởi nghiệp, ngoài vấn đề về vốn, khó khăn lớn nhất chị gặp là gì?
Có rất nhiều khó khăn, ví dụ như giá cả thị trường đối với sản phẩm chè không ổn định. Để làm ra được thành phẩm với yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo an toàn khi sử dụng thì phải có khâu lựa chọn nguyên liệu rất kĩ, thu mua với giá cao nên sản phẩm bán ra cũng có giá cao hơn. Vì vậy đôi khi không phù hợp với một số người tiêu dùng.
Ngoài ra, cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn nhưng tôi may mắn được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội LHPN các cấp. Hội LHPN tỉnh Phú Thọ hỗ trợ vốn 5 triệu đồng, Hội LHPN huyện Yên Lập hỗ trợ vốn 3 triệu đồng, Ủy ban nhân dân xã hỗ trợ làm hồ sơ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chị Nguyễn Thị Nguyệt hy vọng chè xanh Ngọc Lập có thương hiệu, được hỗ trợ quảng bá rộng rãi đến nhiều người hơn trong thời gian tới
- Để phát triển ngành chè ở địa phương, theo chị cần có sự quan tâm, hỗ trợ như thế nào?
Hiện nay, ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp" tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Ðây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình VietGap từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng.
Để phát triển ngành chè ở địa phương, tôi mong các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Chè xanh Ngọc Lập có thương hiệu, hỗ trợ quảng bá rộng rãi đến nhiều người hơn.
- Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!
Liên hệ: Chị Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ cơ sở sản xuất Chè xanh Ngọc Lập.
Địa chỉ: Xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Số điện thoại: 0346576901