Hậu Giang: Khi phụ nữ chủ động tham gia vào kinh tế tập thể
Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Nghiệp (HTX), ấp Hưng Thạnh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp hiện có 16 thành viên, trong đó có 4 thành viên nữ. Đây là HTX duy nhất trên địa bàn xã có thành viên tham gia là hội viên phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX, cho biết: “Tham gia, chị em chúng tôi có điều kiện được vay vốn để đầu tư thực hiện mô hình, được học tập thêm kinh nghiệm sản xuất, được hỗ trợ cây giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra nên hiệu quả sản xuất đạt cao hơn sản xuất riêng lẻ”.
HTX chuyên trồng chanh không hạt với tổng diện tích 16,9ha. Thời gian qua, đơn vị đã kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra nên tạo được nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Trung bình mỗi héc-ta chanh không hạt, thành viên thu lợi nhuận bình quân từ 100-150 triệu đồng/năm.
Tham gia vào HTX, gia đình bà Lê Thị Điệp đã chuyển đổi một phần diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Bà Điệp cho biết: “Là thành viên HTX, tôi được hỗ trợ 300 cây chanh giống và gia đình mua thêm 500 cây để trồng thử nghiệm trên 3.000m2. Trong năm đầu tiên, tôi còn được hỗ trợ 30% chi phí mua phân bón cho vườn chanh. Bên cạnh đó, tôi được tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc chanh nên vườn cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao”.
Do chanh không hạt cho thu hoạch nhiều đợt trong năm nên gia đình bà Điệp có nguồn thu nhập thường xuyên, từ đó việc chi tiêu trong gia đình cũng thoải mái hơn.
“3 công chanh, mỗi đợt tôi thu hoạch từ khoảng 1 tấn trái, những lúc chanh bán được giá thu nhập từ 20-25 triệu đồng/đợt. Tôi cũng đang có ý định mở rộng thêm diện tích trồng chanh để tăng thêm nguồn thu nhập trong thời gian tới”, bà Điệp chia sẻ thêm.
Ngoài 4 thành viên nữ đã tham gia HTX ngay từ đầu, sau 5 năm hoạt động có hiệu quả, các thành viên này cũng đã tuyên truyền, vận động chị em tiếp tục đăng ký vào.
“Hiện trên địa bàn ấp có khoảng 4 chị đang xin làm thành viên của HTX, chúng tôi đang xem xét và chuẩn bị kết nạp để cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế”, bà Oanh thông tin.
Theo bà Phạm Thị Hằng Ni, Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Hưng, thời gian qua, để giúp hội viên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế tập thể, Hội LHPN xã và các chi, tổ hội thường xuyên tuyên truyền cho chị em về các chủ trương, chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể để hiểu rõ và tích cực tham gia, qua đó có nhiều chị vào tổ hợp tác, hợp tác xã.
Nâng chất, mở rộng hơn mặt trận đoàn kết phụ nữ, Hội LHPN xã còn phối hợp cùng Hội Nông dân xã ra mắt Tổ hợp tác “Nuôi rắn ri voi” 8 thành viên, trong đó có 4 thành viên nữ, 1 thành viên nữ làm Tổ phó. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có Tổ hợp tác nuôi lươn, 12 thành viên, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 50%.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, thời gian gần đây, hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã ngày càng phát huy tốt vai trò của mình trong tham gia phát triển kinh tế. Các chị không chỉ thực hiện các mô hình sản xuất riêng lẻ mà còn chủ động tham gia vào kinh tế tập thể. Tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác, chị em nhận được nhiều lợi ích thiết thực từ việc được hỗ trợ vốn sản xuất, cây giống, con giống, tiếp cận khoa học, công nghệ, được bao tiêu đầu ra nông sản… từ đó giúp đời sống kinh tế ổn định hơn.
Việc thành lập, phát triển các mô hình kinh tế tập thể có phụ nữ tham gia đã phát huy vai trò của các cấp hội LHPN trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương; đây còn là giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao đời sống phụ nữ, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển quê hương.