CEO 11 tuổi ước mơ kiến tạo tương lai
Chạm vào đam mê để tỏa sáng
Cô gái người Mỹ Samaira Mehta (11 tuổi) không khác gì những đứa trẻ bình thường khác, thích đàn hát và vui chơi. Song kể từ khi cha tạo ra một đoạn mã trên máy tính và kêu con gái chạm tay vào, em ấn vào dòng chữ "nếu bạn xinh đẹp thì xin mời nhấn vào đây" thì đột nhiên dòng chữ biến mất. Mehta cứ thắc mắc hỏi cha tại sao lại như vậy. Sau khi biết cha đã dùng ngôn ngữ lập trình để trêu mình thì Mehta đã vô cùng thích thú, em cũng muốn thực hiện được những điều tương tự như cha. Đây là dấu mốc đặc biệt tạo ra sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời cô.
Mehta chia sẻ với bạn bè rất nhiều về niềm đam mê của mình, nhưng chẳng mấy ai quan tâm hay đồng cảm với sở thích của cô. Vì vậy, em quyết định sẽ làm một điều gì đó khác biệt để thu hút sự chú ý của bạn bè. Ở tuổi lên 7, em đã dùng ngôn ngữ lập trình để tạo ra trò chơi trực tuyến cờ bàn CoderBunnyz rồi mời bạn bè chơi cùng mình. CoderBunnyz là trò chơi dạy các khái niệm mã hóa cơ bản.
2 năm sau, em ra mắt thêm trò chơi mới CoderMindz - "trò chơi bảng trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới". Mehta đã sử dụng một số khái niệm mã hóa như giải mã trình tự và lập trình Java để giới thiệu một số khái niệm về trí tuệ nhân tạo: đào tạo, suy luận và nhận dạng hình ảnh. Trí tuệ nhân tạo là một chủ đề mà nhiều người đã nghe nói đến nhưng ít ai thật sự biết về nó.
Truyền tình yêu ngôn ngữ lập trình cho trẻ em trên thế giới
Điều khiến Mehta cảm động là các em nhỏ thích thú với trò chơi của mình hơn là bạn bè đồng trang lứa. Nhìn thấy hình ảnh của mình ngày trước trong những đứa trẻ này, em muốn chia sẻ với chúng niềm đam mê và kiến thức lập trình của mình. Cũng từ đó, Mehta bắt đầu tổ chức các buổi hội thảo cho trẻ em tại các thư viện, trường học và công ty. Niềm hạnh phúc lớn nhất của em khi làm công việc này là thấy những đứa trẻ vui thích khi học được những điều mới lạ và viết được những đoạn mã đầu tiên.
Samaira Mehta tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình khi mới 6 tuổi
Đó là động lực để em thành lập chương trình "Một tỷ trẻ em có thể lập trình viết mã" vào năm 2030, thời điểm Mehta sẽ tốt nghiệp đại học. Mehta chia sẻ thêm: "Một tỷ trẻ em có thể lập trình viết mã" là sáng kiến tôi bắt đầu với mục tiêu giúp 1 tỷ trẻ em trên thế giới tiếp cận lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ và các công cụ mã hóa. Ngay cả khi chúng không chọn trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp khi lớn lên, tôi vẫn tin rằng những kiến thức cơ bản về mã hóa có thể giúp chúng trở thành những nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo, và người sáng tạo tốt hơn trong tương lai".
Gia đình yêu quý của Samaira Mehta (những người mang khăn choàng màu cam)
Hiện nay Mehta là CEO của CoderBunnyz. Cùng với mẹ, em cũng là người đồng sáng lập công ty này, nơi bán các trò chơi do em tạo ra. Mehta đã từng có kinh nghiệm điều hành hơn 150 hội thảo về mã hóa tại các công ty như Google, Microsoft và Intel. Em cũng đã phát biểu tại hơn 50 hội nghị, bao gồm Đại hội Thế giới Di động, chương trình điện thoại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bề dày kinh nghiệm đó chẳng hề làm em thỏa mãn. Em ước gì có một thiết bị công nghệ có thể nhân bản em và đưa em đến mọi nơi để tham gia hội thảo và dạy nhiều trẻ em hơn.
Nỗ lực cho những điều lớn lao
Với những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ của Mehta, cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã gửi cho em một bức thư riêng. Bà khen ngợi và khuyến khích em tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình. Song những điều đáng tự hào đó cũng không ngăn được những ánh nhìn thiếu tôn trọng dành cho Mehta, thỉnh thoảng cô vẫn bắt gặp những ánh nhìn đầy thành kiến. Mehta kể: "Khi nhìn thấy tôi là một cô gái, một số người sẽ nghĩ: "Cô ấy chỉ là một cô bé 11 tuổi. Cô ấy có thể làm được gì chứ?". Tuy nhiên, Mehta không bao giờ để mình dao động bởi cô luôn tin tuổi tác chỉ là một con số. Bất cứ ai làm việc chăm chỉ cũng có thể đạt được những điều họ muốn.
Điều hạnh phúc nhất của Samaira Mehta là khi thấy những bạn nhỏ vui thích học ngôn ngữ lập trình
Từ kinh nghiệm của riêng mình, cô cho rằng phụ nữ thông minh không kém gì nam giới, kể cả trong lĩnh vực kỹ thuật. Nếu họ có đam mê và làm việc chăm chỉ, họ sẽ gặt hái được thành công. Không hề thỏa mãn với những gì mình có, Mehta luôn làm việc chăm chỉ để hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Ước mơ lớn nhất của em hiện giờ là sẽ trở thành tổng thống Mỹ.