“Bông hoa” trên vùng biên giới Quảng Bình

23/12/2023
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất biên giới, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, chị Cao Thị Dung, dân tộc Chứt, ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đã vươn lên thoát nghèo, trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế, được bà con nơi đây noi theo…
Chị Dung đang chăm đàn lợn

Những năm gần đây, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước với những chương trình, dự án hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Dân Hóa đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu và gia đình chị Cao Thị Dung là một trong những điển hình đó.

Lớn lên ở miền sơn cước còn lắm khó khăn, khổ cực nên từ nhỏ chị Dung đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cuộc sống người dân nơi đây. Chính vì vậy, chị luôn suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu thực tế, chị nhận thấy điều kiện tự nhiên ở xã Dân Hóa rất phù hợp để chăn nuôi lợn, đặc biệt là giống lợn bản địa và lợn rừng. Năm 2011, thông qua Hội LHPN xã Dân Hóa, chị Dung đã vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn. Theo lời chị Dung, thời điểm mới bắt đầu khởi nghiệp, chị gặp rất nhiều khó khăn, từ việc tìm địa điểm để xây dựng chuồng trại, lựa chọn con giống để chăn nuôi, cho đến kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh... Tất cả đều trải qua quá trình tìm tòi, học hỏi. Với đức tính cần cù, chịu khó, chị Dung đã không bỏ cuộc, mà thay vào đó chị đã cần mẫn học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, trên sách, báo và qua các lớp tập huấn do Hội LHPN và chính quyền địa phương tổ chức. Từ đó, chị áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên mô hình của chị phát triển ổn định và ngày càng được mở rộng.

Năm 2015, chị Dung tiếp tục vay Ngân hàng CSXH thêm 30 triệu đồng để mở rộng chuồng trại chăn nuôi và trồng rừng kinh tế. Đến nay, gia trại của gia đình chị thường xuyên duy trì trên 60 con lợn thịt và 100 con gà. Ngoài ra, chị còn trồng rừng kinh tế với hơn 10 nghìn cây keo đang phát triển tốt. Chị Dung cho biết, chỉ tính riêng việc chăn nuôi lợn, mỗi năm chị cho xuất chuồng từ 3-4 lứa lợn thịt, thu về hơn 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Trải qua hơn 10 năm cần mẫn chăn nuôi, tích lũy, đến hôm nay vợ chồng chị Dung đã trả được hết nợ ngân hàng, đồng thời tạo dựng được một cơ ngơi khá vững chắc và nguồn thu nhập ổn định. Hiện gia đình chị đã có một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi và có điều kiện tốt để chăm sóc, lo cho con cái ăn học chu đáo. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Dung còn được biết đến là một trong những hội viên phụ nữ gương mẫu, đi đầu trong các phong trào tại địa phương.

Chị Dung là tấm gương điển hình về đức tính cần cù, sáng tạo, cố gắng tìm tòi trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ở địa phương. Đặc biệt, chị luôn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn trong xã về kiến thức, vốn và con giống để chị em cùng vươn lên. Cùng với đó, chị Dung còn tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, động viên đồng bào DTTS giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Bích Thảo

Video