Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt

28/06/2017
“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ðây là niềm tự hào lớn lao của mỗi người con đất Việt bởi tín ngưỡng dân gian này đã có từ ngàn đời nay, như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ðền Tiên La (Thái Bình)- nơi lưu giữ, bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu

Từ ngàn đời nay, khắp dải đất hình chữ S, nhân dân tôn thờ Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thiên (mẹ của trời), Mẫu Thoải (mẹ của nước), Mẫu Ðịa (mẹ của đất), Mẫu Thượng Ngàn (mẹ của rừng),... ngoài ra còn có các vị Thánh Mẫu với lai lịch khác nhau. Tục thờ Mẫu ở Thái Bình đã được phát triển phổ biến, phong phú. Không có làng xã nào không có đền Mẫu, phủ Mẫu trong quần thể di tích của địa phương. Nhân dân thành kính tôn thờ những vị Thánh Mẫu, trong đó có vị là thiên thần, có vị là nhân thần. Và đền Tiên La, xã Ðoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - nơi thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, cũng là một trong những tâm điểm của tục thờ Thánh Mẫu.

Thời nước ta thuộc Ðông Hán, có nàng Thục Nương xinh đẹp tuyệt trần, trí tuệ uyên bác, là người “học một biết mười”, tài võ nghệ tinh thông. Thái thú Tô Ðịnh vì không lấy được Thục Nương đã nổi trận lôi đình, sai võ sĩ chém chồng và cha của nàng. Thục Nương bị quân Tô Ðịnh truy đuổi đã chạy về Tiên La tự xin được nương nhờ cửa Phật tại, dốc sức tu bổ ngôi chùa đẹp đẽ, khang trang. Từ ấy, đệ tử trong ấp ngoài hương về chiêm bái, luyện võ nghệ, lập đội dân binh tới mấy nghìn người. Ðược sự đồng lòng của nhân dân, Thục Nương dựng cờ thêu bốn chữ vàng “Bát nạn tướng quân”, lập đàn tế trời rồi đi giải phóng cả vùng Ða Cương (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay). Thục Nương dẫn ba quân về Mê Linh với chí hướng “đền nợ nước, trả thù nhà”, được Trưng Vương phong cho là “Ðông Nhung đại tướng quân”. Khi quân Hán chủ tâm phá tan căn cứ Tiên La, nghĩa quân của “Ðông Nhung đại tướng quân” chiến đấu anh dũng. Song thế giặc quá mạnh, Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục đã hóa thân tại căn cứ gò Kim Quy, chính là khu đền Tiên La ngày nay.

Sự độc đáo từ nghệ thuật kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng của quần thể di tích đền Tiên La, cùng tấm lòng thành kính tri ân của nhân dân đối với vị nữ tướng anh hùng, đã cộng hưởng tạo nên sức cuốn hút du khách thập phương tìm về ngôi đền cổ kính như sự hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc.

Nét đẹp văn hóa cổ truyền

Trở về đền Mẫu Tiên La những ngày cuối năm, được tham gia vào nghi lễ hầu đồng, một nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu từng bị quy kết là “mê tín dị đoan”, nay đã được xã hội nhận thức và được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mỗi chúng ta càng thêm tự hào về nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc đã được gìn giữ qua bao đời. Trong không gian trang nghiêm, thanh tịnh, mỗi cử chỉ, điệu múa như càng lôi cuốn hơn, lời ca, tiếng hát như vang vọng hơn, và tiếng đàn, tiếng nhạc cũng dặt dìu, réo rắt hơn. Hầu đồng là nghi lễ chính và rất quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, bởi là sự tái hiện hình ảnh các vị Thánh với ý nghĩa ban phát phúc - lộc - thọ cho các tín đồ đạo Mẫu. Sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị từ điện thờ, người phục vụ đến dàn nhạc, trang phục, lễ vật đã góp phần tạo nên cho nghi thức hầu đồng sắc màu huyền bí rất riêng, thiêng liêng mà cũng không kém phần độc đáo.

Trong nghi thức hầu đồng, các vị Thánh nhập hồn bao giờ cũng là những vị Thánh làm điều phước lành, phù hộ cho chúng sinh nhiều may mắn, trừ được rủi ro,... Bởi lẽ, những vị Thánh ấy lúc sinh thời đều là những người tài giỏi, đạo cao, đức trọng, có công với dân với nước. Vì thế, trong nghi lễ hầu đồng, bao giờ cũng có nghi thức xin thánh nhập. PGS, TS Ngô Ðức Thịnh - người đã có công lớn trong nghiên cứu đạo Mẫu Việt Nam nhìn nhận rằng: “Ðạo Mẫu chính là một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tôn thờ đạo Mẫu tức là tôn thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước”.

Tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt với ý nghĩa cầu xin sự an lành. Tuy nhiên, khi con người càng ỷ lại vào thế lực siêu nhiên với ước mong được ban phát nhiều “lộc” thì lại càng dễ bị lợi dụng, nhất là trong tín ngưỡng càng dễ dẫn tới những việc làm sai trái. Ðể đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng mãi là tín ngưỡng lành mạnh, là chỗ dựa tâm linh của người Việt, mỗi người cần có sự nhìn nhận đúng đắn và giữ gìn sự trong sáng của văn hóa dân tộc.

thaibinh.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video