Thực hiện Đề án 938 và Đề án 939 đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy tiềm năng của phụ nữ Quảng Trị

Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xác định việc triển khai 2 đề án phải tập trung các hoạt động đến tận cơ sở, phát huy nội lực, lồng ghép với các chương trình/dự án để tranh thủ nguồn lực. Thực chất, 2 Đề án đã được các cấp Hội trong cả nước triển khai với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, có nhiều tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp phụ nữ.
Trong 3 năm qua, Hội đã tập trung đầu tư nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hội với nhiều hình thức phù hợp để giúp 100% cán bộ Hội từ cấp cơ sở đến tỉnh được quán triệt, tiếp cận nội dung các đề án. Tổ chức trên 650 lớp tập huấn/ truyền thông, 14 hội thảo/diễn đàn, 11 hội thi để tuyên truyền, hỗ trợ gần 140.000 phụ nữ tiếp cận các kiến thức về pháp luật, an toàn thực phầm, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình... Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tập trung vận động nguồn lực hỗ trợ, san sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 là hai chương trình được các cấp Hội triển khai với tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia, thấu cảm cao; đã có 468/881 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Hội kết nối, vận động đỡ đầu; 6.430 suất quà, trị giá hơn 9,6 tỷ đồng hỗ trợ đến nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các tỉnh phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh.
Tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ 90.000 hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò, vị trí của phụ nữ trong phát triển kinh tế, đề xuất các ý tưởng khởi nghiệp; tổ chức 74 phiên chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm của hội viên phụ nữ, 3 hội thảo kết nối cung cầu; đề xuất và triển khai thực hiện thành công đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng mô hình kết nối cung - cầu hàng hóa hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”; vận động hỗ trợ thành lập mới 110 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã do phụ nữ quản lý...
Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh thực hiện xây dựng mô hình chỉ đạo điểm của 2 đề án, đánh giá rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng trên toàn tỉnh. Kết thúc giai đoạn 1, đã có 9/11 chỉ tiêu của 2 đề án đạt và vượt. Từ trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều điển hình cá nhân tiêu biểu, nhiều cách làm hay sáng tạo, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: CLB “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống XHTD”, “Làng quê An toàn cho phụ nữ, trẻ em”. Các ý tưởng khởi nghiệp từ các cuộc thi đã trở thành hiện thực thành công như “Trồng hoa kết hợp du lịch nghỉ dưỡng Miền Viên Thảo” của chị Đinh Thị Thu Thảo (Hướng Hóa); ý tưởng “Sản xuất và chế biến sản phẩm từ nông nghiệp” của THT dưa muối Vĩnh Tú; “Du lịch trải nghiệm 199.000” của chị Hỗ Thị Thương (ĐaKrông)…
Việc thực hiện các đề án trong những năm qua đã có những đóng góp nhất định trong việc hỗ trợ hội viên phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện giảm nghèo, khởi sự kinh doanh khởi nghiệp góp phần tăng thu nhập làm giàu chính đáng, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Tiếp tục thực hiện 2 đề án trong giai đoạn 2023 - 2027, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục bám sát 11 chỉ tiêu của 2 đề án, tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực từ các tổ chức trong nước và quốc tế, đồng thời linh hoạt và đa dạng trong triển khai các nội dung hoạt động để thực sự đưa đề án ngấm vào đời sống của hội viên phụ nữ và có tính bền vững cao. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đối với đề án 938: Tập trung công tác truyền thông, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức về ứng phó và phòng tránh bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ trong chăm sóc con cái...; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ Hội, cán bộ các ngành trong hoạt động tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động tham gia giải quyết và bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại và bị mua bán trở về; nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách, luật pháp về các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.
Đối với Đề án 939: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tiềm năng sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Nội dung tập trung tuyên truyền về tác động, hiệu quả của các mô hình kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thành công và khởi nghiệp, sinh kế cho nhóm đối tượng phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khó khăn, phụ nữ khuyết tật…; hỗ trợ phụ nữ sáng tạo phát triển kinh doanh, khởi nghiệp. Tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện; các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng để thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ khởi nghiệp; đẩy mạnh kết nối tiếp cận tín dụng, thị trường, xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng hoạt động tài chính vi mô của các cấp Hội; tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực vốn, pháp lý; thành lập các mô hình kết nối doanh nghiệp…